Vụ đất nông nghiệp bị 'hô biến' thành đất rừng phòng hộ ở Bà Rịa - Vũng Tàu: Rừng giao khoán sau 1 năm gần như biến mất?

Để có căn cứ đền bù giải phóng mặt bằng dự án KCN Phú Mỹ II và III (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Tân Thành (Ban BTGPMB huyện Tân Thành) đã tiến hành kiểm kê đất và tài sản trên đất của người dân.

Bài 3: Vì sao những cánh rừng trong hợp đồng giao khoán gần như biến mất chỉ sau 1 năm?

Thế nhưng, trong những bản kiểm kê này lại thể hiện nhiều điều bất thường. Dư luận đang nghi vấn, đây có phải là những hợp đồng giao khoán khống để nhận tiền đền bù thời điểm giải phóng mặt bằng làm dự án KCN Phú Mỹ II và III hay không.

Rừng giao khoán sau 1 năm gần như biến mất

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 10/6/2009, Ban Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) huyện Tân Thành tiếp tục lập các biên bản kiểm kê đất đai, nhà cửa, cây trái hoa màu và vật kiến trúc (dự án KCN Phú Mỹ II mở rộng) đối với ba hộ nhận khoán là bà Ngô Thị Ngọc, ông Nguyễn Ngọc Tuấn và ông Trần Nam Anh. Theo đó, trong các biên bản kiểm kê có thể hiện hiện trạng phần đất chủ yếu là cây trái, hoa màu, ruộng muối cùng vật kiến trúc nhà cửa bờ bao của hộ bà Võ Thị Minh.

Theo hồ sơ hợp đồng giao khoán của ông Tuấn thì tháng 5/2008, ông được giao 5ha đất rừng trong đó có 2,5ha rừng đước bỏ từ năm 1995 với mật độ 3300 cây/ha (khoảng 8250 cây đước) và 2,5ha rừng chà là. Thế nhưng, tại biên bản kiểm kê đất đai nhà cửa cây hoa màu kiến trúc dự án KCN Phú Mỹ II mở rộng ngày 16/6/2009, của Ban BTGPMB huyện Tân Thành thì hiện trạng ghi nhận, trên phần đất của ông Tuấn lại có nhiều thay đổi bất thường.

Cụ thể, cây trái hoa màu trên đất của ông Tuấn được ghi nhận chỉ còn lại 1895 cây đước, 23.650m2 ruộng muối, 3781m2 mặt nước nuôi tôm cá quản canh và hệ thống bờ bao chòi tạm vật kiến trúc của hộ bà Võ Thị Minh.

Vùng đất giao khoán cho một số người "lạ" chồng lên đất của các hộ dân đang quản lý trước đó.

Vùng đất giao khoán cho một số người "lạ" chồng lên đất của các hộ dân đang quản lý trước đó.

Tương tự như trường hợp của ông Tuấn, đối với các diện tích rừng của hộ bà Ngọc và ông Nam Anh, khi Ban BTGPMB huyện Tân Thành kiểm kê thì đều có sự bất thường tương tự như trên. Không hiểu vì lý do gì chỉ sau hơn một năm nhận khoán, những diện tích rừng phòng hộ của ba hộ này lại thâm hụt một cách khó hiểu như vậy?

Tiếp đến, trường hợp phần đất của ông Bùi Văn Riêm thì toàn bộ diện tích ruộng muối được ông cho biết là gia đình đã canh tác nhiều năm lại được ghi nhận trong biên bản kiểm kê có chủ hộ là bà Trần Thị Tý vào ngày 16/9/2009.

Theo đó, phần đất của gia đình ông Riêm là thuộc phần diện tích 4ha rừng nhận khoán của bà Tý đã được Ban quản lý rừng phòng hộ Bà Rịa- Vũng Tàu (BQL RPH Bà Rịa - Vũng Tàu) bàn giao vào ngày 17/3/2008. Căn cứ biên bản kiêm kê thì gia đình ông Riêm chỉ được đề nghị hỗ trợ sản lượng muối và giá trị nền muối là gần 40 triệu đồng.

Điều lạ là, theo ghi nhận hồ sơ hợp đồng khoán của bà Tý thì ngày 17/3/2008, bà được giao 4ha đất rừng trong đó gồm 4ha rừng trồng năm 1998 với mật độ 3300 cây/ha. Thế nhưng, chỉ sau hơn một năm nhận khoán, không hiểu bằng cách nào một phần rừng của bà đã “biến hóa” thành ruộng muối của gia đình ông Riêm.

Còn đối với hợp đồng khoán của bà Nguyễn Thị Hằng, ngày 25/5/2009, Ban GPMB huyện Tân Thành đã lập biên bản kiểm kê đất đai, nhà cửa, cây trái hoa màu và vật kiến trúc (dự án KCN Phú Mỹ II mở rộng) đối với phần đất của bà Hằng.

Theo biên bản kiểm kê hiện trạng phần đất mà bà Hằng nhận khoán được ghi nhận gồm có 3194m2 mặt nước nuôi trồng tự nhiên, 31.727m2 ruộng muối gồm của hộ ông Ngô Trọng Hiếu đi cùng với đó còn phần bờ bao, nhà cửa, vật kiến trúc của ông Hiếu. Theo đó, diện tích 2,3 ha rừng mà bà Hằng nhận khoán từ năm 1995 cũng đã không còn xuất hiện.

Ai chịu trách nhiệm pháp luật cho những cánh rừng "bốc hơi"?

Nhằm làm rõ những điều khó hiểu trong hợp đồng giao khoán rừng phòng hộ và biên bản kiểm kê của Ban BTGPMB huyện Tân Thành, phóng viên Pháp luật Plus đã liên hệ làm việc với BQL Rừng phòng hộ (RPH) Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi đề cập tới việc hiện trạng rừng giao cho các hộ trên có sự thay đổi bất thường, BQL RPH Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện các trường hợp này không biết có hay không, nhưng nếu có thì sẽ bị xử phạt bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, do vụ việc trải qua nhiều thời kỳ biến động khác nhau nên BQL RPH Bà Rịa - Vũng Tàu cũng găp nhiều khó khăn trong việc việc thu thập hồ sơ. Vì vậy BQL RPH Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cần thời gian để rà soát lại. Một vị lãnh đạo BQL RPH Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Một hai năm nay, những cái nào đã bị thu hồi thì không quan tâm tới nữa mà chỉ quan tâm tới những cái mới, giờ lục lại đôi khi cũng khó khăn”.

Biên bản kiểm kê hiện trạng rừng.

Tiếp đó, phóng viên tiếp tục liên hệ làm việc với Hạt kiểm lâm huyện Tân Thành (HKL Tân Thành). Theo chia sẻ từ phía lãnh đạo HKL Tân Thành thì trách nhiệm của việc quản lý bảo vệ rừng là của BQL RPH Bà Rịa - Vũng Tàu, còn HKL Tân Thành là cơ quan thừa hành pháp luật giúp UBND huyện Tân Thành thực hiện công tác bảo vệ rừng, trường hợp phát hiện người vi phạm thì tiến hành xử lý. Đối với các diện tích rừng đã được giao khoán mà rừng bị mất, bị phá thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm.

Như vậy, liên tiếp các cánh rừng phòng hộ mà BQL RPH Bà Rịa - Vũng Tàu cùng với chính quyền địa phương giao khoán cho các hộ nhận khoán đã gần như "bốc hơi" chỉ sau ít thời gian nhận khoán. Điều này khiến dư luận hoài nghi về giá trị của những hợp đồng giao khoán trên. Có hay không việc lập hợp đồng giao khoán khống nhằm chiếm dụng đất của người dân, lấy tiền đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án KCN Phú Mỹ?

Biên bản giao khoán rừng cho một số hộ dân.

Với những gì nêu trên, Pháp luật Plus đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND huyện Tân Thành vào cuộc xác minh làm rõ nguồn gốc đất tại những bản hợp đồng giao khoán “chồng lấn” lên đất của người dân địa phương đang canh tác.

Tội phá rừng sẽ bị xử lý nghiêm khắc

Theo luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn luật sư TP HCM), các quy định về việc xử phạt trong lĩnh vực trồng rừng và bảo vệ rừng có quy định Điều 7 Nghị định số 139/2004/NĐ-CP và điều 189 bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.

Theo đó, đối với các trường hợp phá rừng có thể bị phạt tiền, tịch thu tang vật, buộc trồng lại diện tích rừng bị phá. Đối với những trường hợp nghiêm trọng người vi phạm có thể còn bị phạt tù từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến mười lăm năm.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Nguyễn Hiếu - Kỳ Anh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/vu-dat-nong-nghiep-bi-ho-bien-thanh-dat-rung-phong-ho-o-ba-ria--vung-tau-rung-giao-khoan-sau-1-nam-gan-nhu-bien-mat-d38667.html