Vụ dàn cảnh móc điện thoại ở bệnh viện: Bảng thành tích bất hảo của nữ quái

Nữ quái mang 5 tiền án về tội trộm cắp tài sản và 9 tiền sự, là đối tượng nghiện ma túy, nhiễm HIV ...

Liên quan đến vụ nữ quái bị bắt giữ khi đang "hành nghề" móc túi tại bệnh viện Bạch Mai, báo Trí thức trẻ thông tin, Công an quận Hai Bà Trưng đang tạm giữ Lê Thị Thủy (43 tuổi, trú huyện Thạch Thất), Nguyễn Phương Anh (25 tuổi, trú Hà Nam) để điều tra về hành vi " Trộm cắp tài sản .

Hình ảnh ghi lại cảnh Thủy dàn cảnh móc trộm điện thoại. Ảnh cắt từ clip.

Tại cơ quan công an, Lê Thị Thủy hay còn gọi là Thủy "Rô" đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Thủy là đối tượng có 5 tiền án về tội trộm cắp tài sản và 9 tiền sự.

Bản thân đối tượng nghiện ma túy, nhiễm HIV giai đoạn cuối nên thường xuyên lang thang tại cổng bệnh viện Bạch Mai để móc túi .

"Có lần Thủy "Rô" chống đối việc bị bắt bằng cách lột hết đồ để lộ nhiều vết lở loét, chạy ra đường kêu gào. Phòng cảnh sát hình sự từng đưa cô ta đến Trung tâm điều trị dành riêng cho bệnh nhân HIV/AIDS tại Hà Nội.

Như báo Vnexpress thông tin, ngày 24/8, khi Phương Anh đang mời người phụ nữ đi xe ôm, Thủy áp sát và trộm chiếc điện thoại của nạn nhân rồi lên xe của Nam bỏ trốn. Thủy đưa chiếc điện thoại cho mẹ ruột mình là bà Loan bán và nhận được 500.000 đồng. Phương Anh được chia 100.000 đồng.

Được biết, đây là nhóm đối tượng đã thực hiện hành vi móc túi, trộm điện thoại của một phụ nữ trước cổng Bệnh viện Bạch Mai cách đây 3 tháng, hành vi này đã bị một người ghi lại và đưa lên mạng xã hội.

Hiện Cơ quan công an cũng đang truy tìm 2 đối tượng trong băng nhóm trên là Phạm Thị Loan (50 tuổi, mẹ ruột Phương Anh) và Nguyễn Phương Nam (con trai của Loan).

Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009):

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/vu-dan-canh-moc-dien-thoai-bang-thanh-tich-bat-hao-cua-nu-quai-a172294.html