Vụ cướp giật bánh mì: Án tuyên có phần nặng nề!

Sau chỉ đạo của chánh án TAND Tối cao về việc xem xét lại vụ hai bị cáo chưa thành niên cướp giật bánh mì, Phó Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh đã có buổi trao đổi thẳng thắn với Pháp Luật TP.HCM về vụ án.

Theo ông Huỳnh Ngọc Ánh, trong vụ án, hai bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn bị truy tố, đưa ra xét xử theo khoản 1 Điều 136 BLHS hiện hành. Ngày 20-7, TAND quận Thủ Đức xử sơ thẩm đã phạt Tân tám tháng 20 ngày tù (bằng thời gian tạm giam), Tuấn 10 tháng tù. Nếu căn cứ vào giá trị tài sản mà hai bị cáo chiếm đoạt chỉ là mấy thứ thức ăn lặt vặt (tương đương 45.000 đồng) thì thấy rằng hình phạt tương đối nghiêm khắc.

. Phóng viên: Nghĩa là tòa đã có thể phạt nhẹ hơn, thưa ông?

+ Ông Huỳnh Ngọc Ánh: Cũng cần xem xét cả một quá trình diễn biến vụ án. Hồ sơ thể hiện hai bị cáo đi chơi game trong tiệm Internet từ 22 giờ hôm trước cho đến 10 giờ hôm sau thì về. Họ rủ nhau vào tiệm tạp hóa mua một cái bánh mì ngọt và ít thức ăn lặt vặt khác nhưng không có tiền nên đã thực hiện ý đồ cướp giật.

Trên cơ sở này, ban đầu VKS truy tố các bị cáo về tội cướp giật tài sản theo khoản 2 Điều 136 BLHS. Lý do là các bị cáo đã dùng phương tiện xe máy để đi cướp giật, theo hướng dẫn thì đây là tình tiết dùng thủ đoạn nguy hiểm quy định ở điểm d khoản 2 Điều 136 BLHS. Sau khi TAND quận Thủ Đức thụ lý hồ sơ, thẩm phán thấy có việc bị cáo Tuấn đi vào trong tiệm tạp hóa giật tài sản xong rồi mới lên xe máy bỏ chạy nên chỉ là trường hợp phạm tội bình thường. Vì thế, tòa đã trả hồ sơ lại cho VKS xem xét đầy đủ hành vi phạm tội. Sau đó, VKS đã chuyển việc truy tố hai bị cáo từ khoản 2 sang khoản 1 với khung hình phạt nhẹ hơn. Tại phiên tòa, các bị cáo đều nhận tội và cũng thấy được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Khi xét xử, TAND quận Thủ Đức đã tuyên mức án trên đối với hai bị cáo theo đúng khoản 1 mà VKS truy tố.

Bị cáo Ôn Thành Tân: “Em không biết kháng cáo rồi có bị giam lại hay không”. Ảnh: L.TRINH

. Ông nghĩ sao về việc tòa sơ thẩm cho bị cáo Tân tại ngoại, sau đó tuyên án bằng đúng thời gian tạm giam, thưa ông?

+ Như tôi đã nói, TAND quận Thủ Đức trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung, làm rõ các bị cáo có sử dụng phương tiện để cướp giật hay không hay chỉ dùng phương tiện chạy trốn... Tòa cũng chủ động cho Tân tại ngoại vì xét thấy với tính chất vụ việc, mức độ hành vi phạm tội mà tạm giam Tân đến tám tháng 20 ngày là quá dài. Riêng đối với Tuấn, do đã phạm tội trước đó ở Củ Chi rồi bỏ trốn (bị truy nã), nay sang quận Thủ Đức lại phạm tội cướp giật tài sản nên tòa đã không thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Tuấn là có căn cứ.

Xem xét hồ sơ, quan điểm của tôi thấy rằng không thể vì CQĐT đã tạm giam Tân và Tuấn mà phải xử cho bằng thời gian đã tạm giam bởi Tân chưa thành niên, phạm tội lần đầu... Hơn nữa, theo BLTTHS 2015, những trường hợp này không được quyền tạm giam. Việc xác định tội danh cướp giật tài sản đối với hai bị cáo là không sai nhưng pháp luật cũng phải được xem xét toàn diện chứ không chỉ để trừng phạt. Do đó nếu có kháng cáo, kháng nghị, TAND TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm, đánh giá lại hành vi của hai bị cáo và xem xét về hình phạt cho tương xứng.

. Qua vụ án này, ông thấy các cơ quan tố tụng có cần rút kinh nghiệm gì không, thưa ông?

+ Khi xét xử, HĐXX phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Chúng ta không nên xử theo tình trạng bị cáo bị giam giữ bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày thì HĐXX tuyên án đúng thời gian bị tạm giam như thế. Nói cách khác, các thẩm phán khi xét xử phải thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của chánh án TAND Tối cao đã quán triệt nhiều lần trong các buổi làm việc và giao ban công tác trong hệ thống TAND. Đó là khi xét xử phải căn cứ vào hành vi phạm tội, căn cứ vào tính chất của tội phạm, căn cứ vào hậu quả xảy ra, căn cứ vào nhân thân và các tình tiết khác để quyết định và áp dụng hình phạt cho tương xứng. Việc trước đây bị cáo bị giam nhiều hay giam ít, giam đúng hay giam sai là một câu chuyện khác, không thể lấy đó làm căn cứ để HĐXX tuyên án. Làm như vậy không đúng tinh thần Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức TAND 2014.

Trong vụ án này, TAND quận Thủ Đức đã cố gắng làm tròn trách nhiệm và thực tế đã áp dụng đúng pháp luật trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, từ đó đã thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Tân. Đặc biệt, trong quá trình xét xử, HĐXX đã cân nhắc và áp dụng khoản 1 Điều 136 BLHS là đúng. Tuy nhiên, thẩm phán chưa căn cứ vào tính chất của tội phạm, hậu quả xảy ra… nên bản án tuyên cho bị cáo có phần nặng nề như dư luận đã phản ánh.

. Xin cám ơn ông.

Viện trưởng VKS quận Thủ Đức: Án tuyên không nặng!

Trước nhiều ý kiến cho rằng việc CQĐT tạm giam Tân và Tuấn là không cần thiết, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Mậu Thiện (Viện trưởng VKSND quận Thủ Đức, cơ quan ra cáo trạng truy tố hai bị cáo) không đồng tình.

Theo ông Thiện, lúc đầu cả Tân, Tuấn và bị hại đều khai Tuấn ngồi trên xe giật bịch thức ăn, sau đó Tân rồ ga bỏ chạy theo hướng ngược chiều giao thông. Hành vi này thuộc trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm theo điểm d khoản 2 Điều 136 BLHS. Mức cao nhất của khung hình phạt lên đến 10 năm tù, là tội phạm rất nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 8 BLHS nên việc CQĐT quyết định tạm giam cả Tân và Tuấn là hợp lý.

Sau khi hồ sơ chuyển qua TAND quận, Tân, Tuấn cùng bị hại lại thống nhất thay đổi lời khai rằng Tuấn đã bước xuống xe chứ không phải ngồi trên xe giật bịch thức ăn. Như vậy, hành vi này không còn thuộc trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm nên sau khi tòa trả hồ sơ, VKS quận đã quyết định truy tố Tân, Tuấn theo khoản 1 Điều 136 BLHS.

Nhận xét về mức án dành cho hai bị cáo, ông Thiện nói: “Bản án tuyên đúng pháp luật chứ không có gì là nghiêm khắc. Bởi lẽ tòa tuyên dưới khung hình phạt với cả hai bị cáo là đã xem xét, cân nhắc hết các tình tiết giảm nhẹ đối với người chưa thành niên rồi. Như bị cáo Tân đã bị tạm giam tám tháng 20 ngày tù, giờ xử án treo thì treo bao nhiêu, lại còn phải vướng thêm thời gian thử thách gấp đôi. Tân được tuyên dưới khung hình phạt là tổng hợp nhiều tình tiết giảm nhẹ rồi. Với bị cáo Tuấn, cả VKS và tòa đều chưa từng áp dụng tình tiết bị truy nã là tình tiết tăng nặng. Tuấn bị xử 10 tháng tù cũng nằm trong khung hình phạt mà VKS đề nghị”.

Cũng theo ông Thiện, việc miễn trách nhiệm hình sự đối với hai bị cáo là không thể vì theo điểm a khoản 2 Điều 91 BLHS 2015 (các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự đối với người từ 16 đến 18 tuổi - quy định có lợi cho người phạm tội so với BLHS hiện hành) có loại trừ tội cướp giật tài sản.

Trong khi đó, Thẩm phán Vũ Tất Trình (Chánh án TAND quận Thủ Đức) cho biết: Chánh án TAND Tối cao đã có chỉ đạo thì các cơ quan chức năng trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm xem xét lại, riêng ông không có ý kiến gì về mức án đối với hai bị cáo.

LỆ TRINH

Lỗ hổng của pháp luật

Theo luật sư Phạm Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM), do mẹ và luật sư của bị cáo Tuấn đã kháng cáo nên TAND TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm. Nhiều khả năng hình phạt, mức án đối với hai bị cáo sẽ được tòa phúc thẩm xem xét lại theo đúng tinh thần chỉ đạo của chánh án TAND Tối cao.

Giả sử tòa phúc thẩm tuyên mức án tù đối với Tân và Tuấn thấp hơn số ngày bị tạm giam của hai bị cáo thì thời gian mà hai bị cáo bị tạm giam “lố” phải tính sao? Tương tự, nếu tòa phúc thẩm áp dụng biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội thay cho hình phạt tù như giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng thì thời gian hai bị cáo đã bị tạm giam được giải quyết ra sao?

Theo luật sư Tâm, vấn đề này chưa rõ vì hiện nay chưa có quy định hướng dẫn cụ thể nào. Nhưng có một điều chắc chắn là không có oan ở đây nên các bị cáo không thể yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Qua vụ án này, TAND Tối cao nên có hướng dẫn về việc tính sao khi thời gian tạm giam bị “lố” so với mức án tòa tuyên hoặc trong trường hợp tòa không áp dụng hình phạt tù.

THANH TÙNG

Mẹ bị cáo Tuấn và luật sư đã kháng cáo

Chiều 26-7, luật sư Đỗ Hải Bình (bào chữa chỉ định cho bị cáo Tuấn) đã nộp đơn kháng cáo đề nghị TAND TP.HCM xem xét lại mức hình phạt đối với Tuấn. Trước đó, sáng cùng ngày, mẹ của Tuấn cũng đã đến tòa nộp đơn kháng cáo. Trong khi đó, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, bị cáo Ôn Thành Tân nói: “Em rất vui trước thông tin chánh án TAND Tối cao chỉ đạo xem xét lại vụ án nhưng em vẫn đang suy nghĩ không biết là có nên kháng cáo hay không. Cuộc sống của em đã dần ổn định, em đã xin được việc làm. Em sợ kháng cáo thì không biết có bị giam lại hay không”.

Theo ông Nguyễn Mậu Thiện (Viện trưởng VKSND quận Thủ Đức), VKS quận sẽ không kháng nghị phúc thẩm vụ án này. Ông Trần Kiến Xương (Chánh Văn phòng VKSND TP.HCM) cũng cho biết hiện VKS TP chỉ nắm được tình hình như vậy chứ chưa có ý kiến gì khác.

Trước đó, sáng 26-7, bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP.HCM, cho biết TAND TP.HCM sẽ thực hiện theo chỉ đạo của TAND Tối cao là xem xét lại vụ án này.

H.YẾN - L.TRINH

HOÀNG YẾN

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/vu-cuop-giat-banh-mi-an-tuyen-co-phan-nang-ne-643146.html