Vụ cưỡng chế ở Hà Nam: "Đất của ông Ngọc không phải là đất công ích"

(GDVN) - Việc UBND xã Tiên Tân khẳng định, diện tích đất của ông Ngọc là đất công ích là chưa đúng với thực tế...?

Đó là đánh giá của Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Văn phòng luật sư Đức Thịnh - Đoàn luật sư Hà Nội trong vụ việc cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình ông Lê Hồng Ngọc ở thôn 2, Duy Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Gia đình ông Ngọc đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại vượt cấp với lý do chính quyền địa phương không giải quyết thỏa đáng

Nhập nhèm việc thu hồi đất dẫn đến khiếu nại kéo dài?

Lật lại toàn bộ hồ sơ vụ việc, PV báo Giáo dục Việt Nam đã trao đổi cùng Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Văn phòng luật sư Đức Thịnh và một số luật sư chuyên nghiên cứu về đất đai. Từ các chứng cứ có liên quan, diễn biến của vụ việc đối chiếu với các qui định của pháp luật có thể thấy việc thu hồi đất và giải quyết khiếu nại đối với hộ gia đình ông Lê Hồng Ngọc (thôn 2, Duy Tân, Duy Tiên, Hà Nam) của UBND xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên (Hà Nam) còn nhiều điểm chưa hợp lý.

Luật sư Tiến phân tích: Trước hết, ngay ở khâu giao đất của UBND xã Tiên Tân với gia đình ông Ngọc mà không có hợp đồng khoán thầu là đã sai so với quy định của pháp luật. Bởi thực tế, tại nhiều địa phương, quỹ đất công nếu giao cho hộ gia đình sản xuất thì phải có hợp đồng thuê và hợp đồng thầu. Tuy nhiên, ở xã Tiên Tân thì lại không thực hiện việc này, điều đó chứng tỏ chính quyền địa phương đã buông lỏng trong công tác quản lý đất đai.

Thậm chí, ngay cả trình tự thu hồi đất được chính quyền coi như đất công ích cũng bị xem nhẹ. Bởi theo quy định của Pháp luật việc có hợp đồng giao khoán hay thu hồi đất chính quyền xã vẫn phải mời gia đình đang sử dụng đất lên thông báo các nội dung liên quan đến việc thu hồi đất.

"Trong khi đó, ngày 10/02/2010, chính quyền xã Tiên Tân lại điều động lực lượng đến cưỡng chế mà không mời gia đình ông Ngọc lên để thông báo trước về vụ việc này. Điều đó chứng tỏ, chính quyền xã đã không nhìn thẳng vào quyền lợi của người dân bị xâm phạm để có những cách ứng xử cho phù hợp"._ LS Tiến nhấn mạnh.

Nhưng ở đây, điều lạ là ngay cả khi biết rõ ông Ngọc đã khiếu nại nhiều lần và vượt cấp nhưng UBND xã Tiên Tân lại không đưa ra giải pháp gì để giải quyết thấu tình đạt lý những băn khoăn của ông Ngọc. Tuy nhiên, theo lời ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Tiên Tân khẳng định, đất của ông Ngọc là đất công ích và việc áp dụng theo Nghị định 64/NĐ-CP để hỗ trợ 2,29 triệu cho diện tích 5022m2 bị thu hồi là đúng.

"Chính quyền địa phương đã nhập nhèm trong việc thu hồi đất", ông Ngọc bức xúc

Ngoài ra ông Ngọc còn cho biết: Trong việc tổ chức đối thoại giữa chính quyền với gia đình ông Ngọc xung quanh vấn đề này vào ngày 6/10/2011, các cấp chính quyền tỉnh Hà Nam cũng làm một cách rất hình thức khi chính quyền để mặc diễn đàn theo hướng “giơ tay phát biểu” và nhiều nội dung không liên quan đến vấn đề đối thoại. Và cuối cùng UBND tỉnh kết luận theo văn bản đã soạn sẵn: "Diện tích 5000 m2 mà gia đình ông Ngọc khiếu nại thuộc quyền quản lý của UBND xã Tiên Tân nên không được đền bù...".

Không phải đất công ích?

Qua tìm hiểu, căn cứ vào các điều khoản trong Luật Đất đai với thực tế thì việc UBND xã Tiên Tân và các cấp chính quyền Hà Nam cho rằng, diện tích đất sản xuất của gia đình ông Ngọc là đất công ích vẫn còn nhiều điều chưa thuyết phục…

Theo LS Tiến đánh giá: Đối chiếu căn cứ theo Điều 74 Nghị định 181/NĐ-CP, ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai quy định thì nếu đất của gia đình ông Ngọc đang sử dụng là đất công ích thì đất đó phải được UBND xã Tiên Tân cho ông Ngọc thuê; mỗi lần thuê không quá 5 năm. Trong khi đó, UBND xã Tiên Tân khi giao đất cho ông Ngọc lại không hề có hợp đồng khoán thầu và văn bản đấu giá nhận thầu với diện tích đất gia đình ông Ngọc đã cải tạo, sản xuất trên diện tích đất này gần 30 năm.

Theo ông Ngọc, khu đất này trước kia gia đình ông nhận cải tạo, phục hóa chứ không thuê khoán của UBND xã Tiên Tân nên không thuộc đất công ích

Cùng với đó, xét trên phương diện nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, ông Ngọc đã nộp thuế đầy đủ trong suốt thời gian 30 năm (ông Ngọc vẫn lưu lại những hóa đơn, biên lai - PV). Trong khi đó, nếu như chính quyền từ xã đến tỉnh Hà Nam khẳng định đất gia đình ông Ngọc khai hoang, đang sản xuất thuộc quỹ đất công ích thì UBND xã Tiên Tân phải là đơn vị chịu trách nhiệm nộp loại thuế này?.

Nếu căn cứ theo những điều nói trên, thì diện tích đất mà gia đình ông Ngọc đang sử dụng để sản xuất không nằm trong diện đất công ích. Và việc căn cứ vào khoản 3, điều 16 Nghị định 69/2009/NĐ- CP ngày 13/8/2009 để áp dụng cho diện tích đất thu hồi là đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, để không giải quyết bồi thường cho gia đình ông Ngọc cần phải xem xét lại.

"Trong khi đó, Pháp luật cũng quy định, khi Nhà nước thu hồi đất thì phải đền bù thỏa đáng cho người sử dụng đất. Hơn nữa, quy định giao đất nông nghiệp, diện tích đất mà gia đình gia đình ông Ngọc sử dụng, canh tác đủ điều kiện để tiếp tục giao cho ông Ngọc sử dụng, phần vượt quá hạn phải được Nhà nước cho ông Ngọc thuê theo quy định của pháp luật về đất đai"._LS Nguyễn Hoàng Tiến khẳng định.

Vậy việc UBND xã Tiên Tân, UBND huyện Duy Tiên khẳng định diện tích toàn bộ số đất gia đình ông Lê Hồng Ngọc đã cải tạo và đang làm sản xuất nông nghiệp và số đất 5.022 m2 thuộc diện thu hồi là đất công ích và không phải bồi thường liệu đã đúng theo các qui định của pháp luật?.

Báo Giáo dục Việt Nam tiếp tục thông tin đến bạn đọc điễn biến của vụ việc này...

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/ban-doc/vu-cuong-che-o-ha-nam-dat-cua-ong-ngoc-khong-phai-la-dat-cong-ich/131709.gd