Vụ cưỡng chế chợ Tân Hiệp - Bình Dương: Có dấu hiệu trái luật?

Nhận thấy những dấu hiệu về việc chính quyền phường Tân Hiệp (phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) ra quyết định cưỡng chế trái quy định, vợ chồng ông Oanh đã khiếu nại, đồng thời làm đơn xin hoãn cưỡng chế. Thế nhưng, khi khiếu nại chưa được giải quyết thì chính quyền ở đây đã cho lực lượng đến phá tan hoang khu chợ, đẩy cuộc sống của các tiểu thương vào cảnh khốn cùng.

Tin nên đọc

TP Lào Cai: Phường Kim Tân cưỡng chế sai luật, người dân bức xúc

Vụ cưỡng chế lò gạch ở Bắc Phú: Chúng tôi sẽ mất “bát cơm ăn”

TP Vũng Tàu: Ủy ban thua kiện, ai là người cưỡng chế?

Quảng Ninh: Chính quyền cưỡng chế, tiếp tục cắt “nguồn sống” của hơn 200 hộ dân

Tài sản tan hoang, người dân nhập viện

Ngày 5/10, Tòa soạn Pháp luật Plus nhận được đơn cầu cứu của vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Oanh (SN 1988, khu phố Ông Đông, phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, Bình Dương), cùng hàng chục tiểu thương là người thuê và có tài sản trong khu đất do vợ chồng ông Oanh quản lý. Ông Oanh cho rằng, chính quyền phường Tân Hiệp và thị xã Tân Uyên đã có những dấu hiệu sai phạm khi lập biên bản vi phạm xây dựng cùng các quyết định cưỡng chế.

Ngày 6/10, chính quyền phường Tân Hiệp đã ra văn bản yêu cầu vợ chồng anh tháo dỡ hết công trình trên đất tại địa chỉ sát mặt đường ĐH - 409, khu phố Ông Đông. Đồng thời, ông Oanh cũng nhận văn bản do chính quyền ghi khoản kinh phí buộc anh phải trả cho việc cưỡng chế là 128.049.600 đồng.

Ngày 7/10, chính quyền phường Tân Hiệp cùng lực lượng liên ngành, máy móc đến khu đất của anh tiến hành cưỡng chế, dù trước đó anh đã có đơn khẩn thiết xin tự tháo dỡ công trình.

Để có thông tin kịp thời trước những phản ánh của người dân, phóng viên Pháp luật Plus đã đến xuất trình giấy tờ yêu cầu được trực tiếp làm việc với chính quyền, đồng thời được ghi hình, để minh bạch việc cưỡng chế, thế nhưng cả ông Lê Văn Nhi Đồng - Chủ tịch phường Tân Hiệp, cùng ông Thượng Văn Bình - Phó Chủ tịch đã khước từ.

Khu chợ trên đất ông Oanh bị phá tan hoang.

Khu chợ trên đất ông Oanh bị phá tan hoang.

Chỉ trong vòng từ khoảng 9h30 sáng đến khoảng 16h30 ngày 7/10, toàn bộ khu chợ của bà con buôn bán, cùng nhà cửa lân cận trên đất ông Oanh tại địa chỉ trên đã bị lực lượng cưỡng chế dùng máy đào, máy ủi, lực lượng đập phá phá tan hoàn toàn.

Nhiều thông tin cần được minh bạch

Khi mọi thứ đã bị phá nát, đoàn cưỡng chế còn dùng máy đào hào ngăn cấm để không ai có thể vào khu đất có chủ quyền của ông Oanh. Chứng kiến sự bất thường suốt quá trình thực hiện cưỡng chế, nhiều người đã đề nghị lãnh đạo phường Tân Hiệp và lực lượng liên ngành hãy bình tĩnh lắng nghe ý kiến của dân, nhưng các lãnh đạo có mặt tại buổi cưỡng chế đã từ chối.

Trao đổi với phóng viên Pháp luật Plus, ông Oanh khẳng định: “Tôi rất bất bình với cách làm việc của chính quyền Tân Hiệp và đoàn liên ngành. Họ không lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của chúng tôi. Việc cưỡng chế của chính quyền Tân Hiệp đã bỏ qua quyền lợi của tôi và đại đa số bà con tiểu thương. Vì họ rất nghèo, họ chỉ thuê chòi tạm, bán rau, bột ngọt, muối mắm… các buổi chiều hàng ngày mà thôi. Hết chợ rồi, họ biết lấy gì sống trong những ngày tới. Còn khu đất của tôi, họ đang coi như của họ”.

Dân phản đối vì chính quyền cưỡng chế không lắng nghe nguyên vọng dân.

Theo ông Oanh: "Khu đất bị cưỡng chế do ông đứng chủ quyền, một vài căn ki ốt nhỏ được cha mẹ ông dựng từ năm 2008, thời P. Tân Hiệp vẫn là cấp xã, chỉ có một số lán tạm dựng sau này. Những gì chính quyền đang làm với gia đình ông bắt nguồn từ việc chính quyền P. Tân Hiệp lập biên bản vi phạm có quá nhiều dấu hiệu sai sót. Khi ông chưa đồng ý và đang khiếu nại thì chính quyền tiến hành cưỡng chế như đã nói trên".

Theo tìm hiểu của phóng viên Pháp luật Plus, cách đó không xa trên cùng trục đường, một ngôi chợ mới xây xong và đưa vào hoạt động không lâu. Theo ông Oanh và bà con cho biết "Từ khi có chợ mới, chính quyền phường Tân Hiệp nhiều lần ngăn cấm, cản trở bà con họp chợ trên khu chợ của vợ chồng ông Oanh quản lý. Việc ngăn cấm, theo bà con thì chỉ diễn ra sau khi có chợ mới này".

Trước đó, chính quyền nhiều vận động tiểu thương phải chuyển sang chợ mới để thuê ki-ot (giá thuê cao - theo người dân). Tuy nhiên, bà con tiểu thương ở chợ cũ nghèo khó, không thể gánh chi phí cao, đồng thời nhận thấy quá nhiều rủi ro, chưa đồng ý thì bị cưỡng chế.

Ông Đ. bán rau, cá gần khu đất bị cưỡng chế, đã bị lực lượng được cho là của phường Tân Hiệp đánh ngất xỉu.

Chưa dừng lại ở đó, theo những phản ánh của người dân cùng bằng chứng, chiều ngày 8/10, người dân tới bày bán rau, cá cho công nhân tan ca, nhờ khu vực quán cơm cạnh địa chỉ bị cưỡng chế. Chính quyền phường Tân Hiệp đã cho người tới ngăn cản. Lúc này, do quá bức xúc nên đã xảy ra xô xát giữa hai bên. 2 người dân đã bị một số người (được cho là lực lượng cưỡng chế) đánh trọng thương là ông Huỳnh Văn Đ. (1942, Đồng Tháp), khiến ông ngất tại chỗ và chị Huỳnh Thị Tr. (quê Đồng Tháp). Theo người dân thì sau khi gây ra sự việc lực lượng này đã chạy hết vào một công ty gần đó trốn, bỏ mặc người dân trọng thương tại hiện trường.

Sáng qua (9/10), phóng viên Pháp luật Plus đã liên hệ với ông Lê Văn Nhi Đồng - Chủ tịch phường Tân Hiệp, cùng ông An Văn Minh - Trưởng khu phố Ông Đông để xác minh thông tin về vụ việc người của lực lượng cưỡng chế (thuộc phường Tân Hiệp) đánh người dân trên, cả hai ông đều từ chối trả lời.

Để rộng đường dư luận, đề nghị UBND Thị xã Tân Uyên và tỉnh Bình Dương cần sớm có câu trả lời đối với hàng loạt các dấu hiệu sai phạm khi thi hành công vụ trong vụ việc cưỡng chế tại chợ Tân Hiệp.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nhóm PV

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/vu-cuong-che-cho-tan-hiep--binh-duong-co-dau-hieu-trai-luat-d26376.html