Vụ Cty dịch vụ bảo vệ Hàm Long (Bắc Ninh) sa thải trái luật hàng loạt lao động: Uẩn khúc 'bỗng dưng' hết hạn hợp đồng

Về vụ việc Cty dịch vụ bảo vệ Hàm Long (tại khu Lãm Trại, Văn Dương, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) sa thải trái luật 14 lao động, ngày 11.11, tại buổi giải quyết quyền lợi của những lao động này, Cty Hàm Long bỗng nhiên khẳng định hợp đồng của người lao động hết hạn từ ngày 30.4.2016 vì vậy không bồi thường cho họ. Tuy nhiên, liệu đây có phải “mánh khóe” của Cty?

HĐLĐ “bỗng dưng” hết hạn

Sáng 17.11, bà Trịnh Thị Ngân cho biết, ngày 11.11, tại Cty Hàm Long đã diễn ra buổi làm việc giữa đại diện Cty bảo vệ Hàm Long và 8 NLĐ có mặt. Chủ tọa là bà Đặng Thị Hằng - luật sư tự giới thiệu đã được Giám đốc Cty này là ông Nguyễn Văn Sướng ủy quyền. Bà Ngân đã có ý kiến không nhất trí bà Hằng làm đại diện cho ban lãnh đạo Cty chủ trì cuộc họp vì không đúng thành phần trong giấy mời, nên NLĐ không trả lời câu hỏi mà luật sư đưa ra. Đáp lại, bà Hằng cho biết, bà được đại diện theo ủy quyền của giám đốc Cty Hàm Long, theo quy định của pháp luật hoàn toàn có tư cách tham gia thương lượng với NLĐ trong buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, bà Trịnh Thị Ngân yêu cầu Cty bồi thường thiệt hại trong những ngày bị mất việc theo Điều 42 Bộ luật LĐ từ ngày 29.4.2016 - 26.10.2016. Những NLĐ khác có mặt tại buổi làm việc cũng đề nghị Cty bồi thường như trên.

Kết luận buổi làm việc, mặc dù vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, nhưng đại diện Cty khẳng định đây là phiên thương lượng cuối cùng. Điều bất ngờ và khiến NLĐ rất bức xúc là Cty kết luận HĐLĐ của những NLĐ có mặt tại buổi làm việc đã hết hạn từ 30.4.2016, vì vậy, Cty không trả tiền bồi thường theo Điều 42 Bộ luật LĐ năm 2012.

Cty chấp nhận nguyện vọng của nhân viên là không bồi thường thì không đi làm. Nếu sau này NLĐ có nhu cầu đi làm lại có thể đến Cty thương lượng để ký hợp đồng mới. Bức xúc, NLĐ đã ghi vào biên bản là không nhất trí với kết luận của Cty.

Các cơ quan chức năng cần làm rõ

Trước đó, như báo Lao Động đã đăng tải các bài viết trên số báo 244 và 245 (ra ngày 18 - 19.10) phản ánh, Cty Hàm Long trả lương thấp hơn so với mức lương tối thiểu vùng nên bà Trịnh Thị Ngân (một nhân viên bảo vệ của Cty Hàm Long) cùng các nhân viên bảo vệ khác đã phản ứng, ngừng việc đề nghị Cty tăng lương vào ngay sáng 29.4.2016. Đến ngày 9.5.2016, bất ngờ bà Ngân nhận được Quyết định số 97/QĐ-HL đề ngày 29.4.2016 của Giám đốc Cty Hàm Long về việc xử lý nhân viên vi phạm. Trong quyết định, đã thi hành mức kỷ luật đối với bà Ngân bằng hình thức buộc thôi việc, với lý do: “Vi phạm nội quy, quy chế của Cty Hàm Long và Nhà máy Việt Pan Pacific World”. Không chỉ bà Ngân, 13 bảo vệ khác cũng bị cho thôi việc với cùng lý do như trên.

HĐLĐ của bà Trịnh Thị Ngân với Cty dịch vụ bảo vệ Hàm Long, trong điều 7, đã bỏ trống hiệu lực của hợp đồng. Ảnh: QUẾ CHI

Qua diễn biến sự việc trên, có thể thấy việc Cty kết luận HĐLĐ của NLĐ đã hết hạn từ ngày 30.4.2016 có nhiều điểm rất vô lý. Trước hết, nếu hết hạn từ ngày 30.4.2016, thì tại sao trước đó một ngày (ngày 29.4), Cty lại ra quyết định về việc xử lý nhân viên vi phạm và thi hành mức kỷ luật sa thải NLĐ. Hơn nữa, quyết định này của Cty là trái Luật Lao động. Ngoài ra, Cty Hàm Long sau đó đã có Quyết định số 207/QĐ-HL ngày 20.10.2016 về việc thu hồi và hủy bỏ quyết định buộc thôi việc đối với bà Ngân và đồng thời tiếp nhận lại NLĐ. 11 NLĐ khác cũng nhận quyết định tương tự. Như vậy, với động thái này, Cty đã gián tiếp thừa nhận việc sa thải NLĐ là trái với pháp luật.

Bên cạnh đó, qua thu thập hồ sơ vụ việc, phóng viên phát hiện HĐLĐ của bà Ngân với Cty Hàm Long ký ngày 27.11.2015, trong Điều 7 đã để trống thời gian hiệu lực của hợp đồng. HĐLĐ của bà Ngân không đề rõ loại HĐLĐ (không xác định thời hạn; hoặc xác định thời hạn; hoặc theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng). Theo bà Ngân, nhiều NLĐ khác cho bà biết, HĐLĐ của họ ký với Cty cũng giống như vậy.

Theo luật sư Trần Phi Đại - Văn phòng luật sư Minh Dũng, Đoàn luật sư TPHCM: Căn cứ Điều 22 và Điều 25 BLLĐ và HĐLĐ của bà Ngân, do hai bên không thỏa thuận ngày bắt đầu có hiệu lực và pháp luật cũng không có quy định khác, do đó, mặc nhiên HĐLĐ này được coi là có hiệu lực từ ngày ký. Và vì không có ngày kết thúc nên HĐLĐ này được coi là HĐLĐ không xác định thời hạn, lý do là có ngày bắt đầu mà không xác định ngày kết thúc.

Có hay không việc Cty lại lợi dụng việc để trống thời gian hiệu lực của HĐLĐ để sửa lại thời hạn HĐLĐ kết thúc vào ngày 30.4.2016, tìm cách rũ bỏ trách nhiệm bồi thường với NLĐ? Cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh cần vào cuộc làm rõ sự việc này.

Theo ông Trần Tuấn Anh - Chủ tịch LĐLĐ TP. Bắc Ninh: LĐLĐ TP. Bắc Ninh đang tổng hợp thông tin, nghiên cứu, làm từng bước, làm cụ thể để giải quyết vụ việc.

TẤT THẢO - KIM ANH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/vu-cty-dich-vu-bao-ve-ham-long-bac-ninh-sa-thai-trai-luat-hang-loat-lao-dong-uan-khuc-bong-dung-het-han-hop-dong-613326.bld