Vụ còng tay bà chủ trường Thanh Nguyên: Quản tài viên, họ là ai?

Một nhóm người do quản tài viên dẫn đầu thực hiện quyết định niêm phong thanh lý tài sản tại Trường mầm non–tiểu học Thanh Nguyên và đã còng tay Giám đốc Công ty Thanh Nguyên, chủ trường Thanh Nguyên.

Một bảo vệ còng tay bà Đoàn Thị Dung.

Còng tay bắt người giữa trường học

Sự việc báo nêu diễn ra vào chiều 23/3, khi Trường MN-TH Thanh Nguyên (P.Xuân An, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) đang cho các cháu tan học thì một số người mặc đồng phục lạ ập vào trường dán niêm phong và đề nghị mọi người ra khỏi trường, gây náo loạn trường học; khiến nhiều phụ huynh, học sinh chứng kiến lo sợ.

Khi bà Đoàn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nguyên, chủ Trường Trường MN-TH Thanh Nguyên vào ngăn cản và không cho niêm phong thì bị một số người mặc đồng phục bảo vệ đã còng tay bà Dung và một nhân viên của trường lại. Theo một số clip và thông tin của phụ huynh ghi nhận thì nhóm người rút ra một vật giống súng ngắn, giơ lên đe dọa, trấn áp.

Do đội ngũ giáo viên và bảo vệ nhà trường phản đối quyết liệt nên sau khoảng 45 phút, việc dán niêm phong của số người nói trên không thực hiện được và nhóm này đã ra về. Bà Nguyệt cho biết thêm phía ngoài hàng rào trường có Cảnh sát, bảo vệ hỗ trợ việc làm của một số người lạ này.

Công an chỉ giữ trật tự, hỗ trợ vòng ngoài.

Trả lời Thanh Niên, đại tá Nguyễn Văn Ly, Trưởng Công an TP.Phan Thiết, cho biết những người đến niêm phong Trường MN-TH Thanh Nguyên lúc chiều tối 23/3 là người của Quản tài viên đến trường học niêm phong tài sản sau quyết định phá sản.

“Họ niêm phong để thanh lý tài sản cho chủ nợ. Công an chỉ đến hỗ trợ an ninh trật tự, chứ không động gì đến trường này hết”, ông Ly nói.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận, cho biết Công ty TNHH Thanh Nguyên (chủ Trường MN-TH Thanh Nguyên, do bà Đoàn Thị Dung giữ chức giám đốc) đã bị TAND TP.Phan Thiết có quyết định cho phá sản theo yêu cầu của chủ nợ. Do vậy Quản tài viên sẽ là người thực hiện công việc niêm phong, thanh lý tài sản để bán trả cho các chủ nợ theo luật định. “Theo Luật, sau hai năm nếu Quản tài viên không thực hiện xong được việc thanh lý tài sản sau phá sản thì mới giao lại cho lực lượng thi hành án dân sự thi hành”, ông Hùng nói.

Quản tài viên, họ là ai?

Theo quy định tại Điều 4 Luật Phá sản được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2014 thì “Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản”.

Luật Phá sản quy định tại Điều 12 những người sau được cấp Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên là Luật sư; Kiểm toán viên; Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo. Các chứng chỉ hành nghề Quản tài viên được Bộ Tư pháp cấp bằng Quyết định được ký bởi Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng (khi được ủy quyền) theo đề nghị của Cục trưởng Cục bổ trợ tư pháp.

Quản tài viên có rất nhiều quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 16 Luật Phá sản như Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ; Bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản; Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật; Được thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp luật; Đề xuất với Thẩm phán về việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản; Bán tài sản theo quyết định của Thẩm phán để bảo đảm chi phí phá sản; Tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định của Luật này; báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản;

Tuy nhiên, Luật Phá sản không đề cập đến việc quản tài viên được phép sử dụng vũ khí hay công cụ hỗ trợ hay được phép bắt người. Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2015/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên: Cho thuê, cho mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để thông đồng với cá nhân, tổ chức nhằm mục đích vụ lợi…

Cũng tại Nghị định 22/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 16/2/2015 quy định chi phí cho Quản tài viên được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Theo đó, căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 21 của Nghị định này thì chi phí cho Quản tài viên là rất cao có thể sẽ được hưởng 36 tháng lương cơ sở cộng thêm 2,8% tổng giá trị tài sản của công ty.

Theo thông tin từ bà Đoàn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nguyên công bố trong cuộc họp báo sáng 24/3/2017 thì tài sản của doanh nghiệp này là 300 tỷ. Như vậy, với tài sản đúng 300 tỷ thì làm “trót lọt” vụ việc này, Quản tài viên Trần Đăng Minh sẽ được hưởng ngót chục tỷ đồng?

Có dấu hiệu bắt, giữ người trái pháp luật?

Khoản 9 Điều 3 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (sửa đổi bổ sung năm 2013) quy định “Người được giao công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ được sử dụng trong các trường hợp ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người khác, bắt giữ người theo quy định của pháp luật và thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật”. Như vậy đầu tiên cần làm rõ nhóm bảo vệ do Quản tài viên Trần Đăng Minh dẫn đầu có giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ theo luật hay không?

Còn theo điểm b khoản 3 Điều 8 Nghị định 52/2008 về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ, nhân viên doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ bị cấm: “Thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền tự do cá nhân và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân”.

Theo quy định tại điều 123 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 thì Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định: Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: Có tổ chức.

Vậy việc bà Đoàn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nguyên bị một nhóm người “múa súng”, còng tay trước mặt hàng trăm học sinh, giáo viên và phụ huynh của trường là rất rõ. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận vào cuộc, làm rõ hành vi đó có phạm tội hay không và xử lý nghiêm.

Theo Kiểm sát Online

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/vu-cong-tay-ba-chu-truong-thanh-nguyen-quan-tai-vien-ho-la-ai-p46198.html