Vụ chồng sát hại tình địch trên giường: Luật sư phân tích pháp lý

Dù là phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động, nhưng theo quy định của pháp luật, quyền sống của con người là bất khả xâm phạm

Vụ việc người chồng ở Ba Vì (Hà Nội) chém chết tình địch khi đang ở trên giường với vợ mình thêm một “giọt nước làm tràn ly” sau hàng loạt vụ án mạng vì ghen tuông xảy ra thời gian qua. Qua vụ việc thêm một lần nữa cảnh báo tình trạng bất chấp pháp luật vi phạm chế độ một vợ một chồng ngày càng phổ biến trong xã hội.

Ở vụ việc này, người chồng khi ra đầu thú đã nhận tội, hành vi của người chồng là rất đáng lên án. Tuy nhiên, “không có lửa sẽ không có khói”, hành vi của người vợ và nạn nhân – tình địch cũng rất đáng lên án, góp phần “châm ngòi nổ” cho hành vi gây án của người chồng. Nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng trong tình huống như vậy (người chồng bắt quả tang vợ và tình địch trên giường ngủ nhà mình – PV), người chồng không điên mới là lạ. Như vậy, người chồng đã gây án trong lúc tinh thần bị kích động mạnh?

Căn nhà nơi xảy ra vụ việc (Ảnh: CAND)

Ở góc độ của luật pháp, Thạc sỹ-Luật sư Vũ Hồng Hoa (HTX Luật Đống Đa) phân tích, để hiểu việc người chồng giết người tình của vợ có phải trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không thì phải biết được người bị hại có đang thực hiện hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người chồng, hoặc những người thân của anh ta hay không?

Theo thông tin trên báo chí, người chồng đi làm ăn ở Trung Quốc bất ngờ về thăm gia đình, thấy cảnh vợ và người tình trên giường, trong cơn ghen bùng lên đã vung dao chém tình địch và vợ khiến tình địch tử vong sau đó do vết thương quá nặng, còn người vợ cũng bị chém đứt một ngón tay.

Hành vi của các nạn nhân trong vụ việc không những đã vi phạm chế độ hôn nhân gia đình một vợ một chồng mà còn xâm phạm đến danh dự của người chồng theo quan điểm xã hội. Như vậy có thể coi nạn nhân - người tình của người vợ, đã có hành vi vi phạm pháp luật đối với người chồng khiến người này bị kích động về tinh thần dẫn đến hành vi giết người.

Tuy vậy, để khẳng định hành vi vi phạm pháp luật của nạn nhân có nghiêm trọng hay không, có tới mức người chồng bị rơi vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không còn cần xem xét thêm bởi cơ quan điều tra, hội đồng xét xử, các bằng chứng và lời khai tại tòa. Bởi lẽ, mỗi con người khác nhau sẽ có cách xử lý khác nhau, cách nhìn nhận khác nhau ở mỗi sự việc, vì vậy, không thể có sẵn một chuẩn mực để "đo" tình trạng kích động về tinh thần của con người, mà phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, xem xét một cách toàn diện các tình tiết của vụ án, nhân thân người phạm tội, quá trình diễn biến của sự việc, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, hoạt động xã hội, điều kiện sống, tính tình, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình, quan hệ giữa người phạm tội với người bị hại... từ đó xác định người phạm tội có bị kích động về tinh thần hay không và ở mức độ nào.

Dù là phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh đến thế nào, pháp luật vẫn quy định về quyền sống của con người là bất khả xâm phạm, những cá nhân có năng lực hành vi đều phải ý thức được điều đó. Trong trường hợp, hành vi của người chồng được coi là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, người chồng cũng có thể đối diện với án phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo Điều 95 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Nếu theo các cơ sở của cơ quan điều tra, các bằng chứng tại tòa cho thấy hành vi giết người của người chồng do lâm vào trạng thái kích động nhưng chưa đủ mạnh để áp dụng Điều 95 Bộ luật Hình sự thì có thể bị truy tố theo Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về tội giết người, nhưng có thể được giảm án theo điểm đ khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo đó, hành vi giết người có thể đối diện với mức phạt từ 07 đến 15 năm tù.

Thực tế xét xử cho thấy, việc giảm nhẹ theo điểm đ, khoản 1 Điều 46 được áp dụng nhiều khi đưa ra xét xử với mức hình phạt giảm nhẹ là bằng, hoặc dưới mức phạt nhẹ nhất là 07 năm tù.

Ngoài ra, hành vi của người chồng chém người vợ bị thương cũng có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được quy định tại Điều 105 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 và có thể bị khởi tố điều tra nếu người bị hại (người vợ) có đơn yêu cầu khởi tố và giám định thương tật trên 31%.

Ngoại tình đang ngày càng phổ biến trong xã hội và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, là một trong các nguyên nhân phổ biến nhất khiến hôn nhân tan vỡ. Trong một số trường hợp đáng tiếc, ngoại tình còn dẫn đến hành vi giết người, không những gây đau thương mất mát cho cả người bị hại mà còn cho người phạm tội và người thân của họ. Chính vì vậy, ngoài các biện pháp hành chính và hình sự để xử lý hành vi xâm phạm chế độ một vợ một chồng, các cơ quan chức năng cần có chính sách tuyên truyền giáo dục tốt hơn, góp phần hạn chế tình trạng này trong xã hội./.

Hà Thanh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/phap-luat/vu-chong-sat-hai-tinh-dich-tren-giuong-luat-su-phan-tich-phap-ly-562923.vov