Vụ chìm tàu PPC tại Cần Giờ: Cơ quan điều tra quyết chờ giải thích kết luận giám định đúng ý mình!

Vụ án hình sự “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” (vụ chìm tàu tại Cần Giờ) được Cơ quan CSĐT CA TPHCM đình chỉ cách đây gần 20 tháng với lý do chờ kết luận giám định. Trong khoảng thời gian này, Bộ GTVT đã có 2 kết luận giám định không làm “vừa lòng” cơ quan điều tra. Vì vậy, Cơ quan CSĐT quyết chờ… cho được giải thích kết luận giám định đúng ý mình!

20 tháng và có thể... lâu hơn nữa!

Ngày 28.8.2015, Cơ quan CSĐT CA TPHCM đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can đối với các ông Vũ Văn Đảo (Giám đốc Cty CP công nghệ Việt Séc) và ông Đinh Văn Quyết (Giám đốc Cty CP Vũng Tàu Marina) trong vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” theo Điều 214 Bộ luật Hình sự. Lý do tạm đình chỉ điều tra được Cơ quan điều tra đưa ra là chờ kết luận giám định tư pháp của Bộ GTVT.

Theo 2 lần yêu cầu giám định tư pháp của Cơ quan CSĐT CA TPHCM, Bộ GTVT đã 2 lần tổ chức trưng cầu giám định. Kết luận giám định ngày 18.11.2015 và ngày 29.12.2016 đều khẳng định: “Những nguyên nhân dẫn đến mất ổn định, gây tai nạn lật phương tiện là do chở quá số người cho phép chở, cộng thêm phương tiện đã gặp thời tiết bất lợi tại thời điểm xảy ra tai nạn”.

Như vậy, sau gần 20 tháng tạm đình chỉ điều tra, Cơ quan CSĐT CA TPHCM đã không chứng minh được tàu BP 12-04-02 gặp tai nạn tại vùng biển Cần Giờ là do lỗi thiết kế, chế tạo của nhà sản xuất. Như vậy, không thể truy tố ông Đảo, ông Quyết (nhà sản sản xuất tàu thuyền PPC) về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.

LS Trương Xuân Tám - Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - chỉ được cán bộ tiếp dân của Viện KSND TPHCM tiếp. (ảnh do Đoàn LS tỉnh cung cấp)

Do ông Vũ Văn Đảo cũng là luật sư, thành viên của Đoàn LS tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) và có đơn kêu cứu, ngày 10.4.2017, Đoàn Luật sư tỉnh BRVT đã có công văn gửi Viện trưởng Viện KSND TPHCM và Giám đốc CA TPHCM đề nghị làm việc vào ngày 19.4 với lý do bảo vệ quyền lợi của thành viên.

Kèm theo công văn đề nghị làm việc là văn bản Đoàn Luật sư tỉnh nêu 9 nội dung làm việc, trong đó có các nội dung đáng chú ý: Việc Cơ quan CSĐT CA TPHCM khởi tố bị can khi chưa có đủ căn cứ để chứng minh một người đã thực hiện hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Bộ luật Tố tụng Hình sự (chưa có kết luận giám định về phương tiện không đảm ảo an toàn); Sự khác nhau về hành vi phạm tội nêu trong quyết định khởi tố bị can, kết luận điều tra, cáo trạng thể hiện sự mâu thuẫn trong chứng minh tội phạm; Cơ quan điều tra không đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can khi hết thời hạn gia hạn điều tra (ngày 4.9.2014) mà không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi tội phạm là vi phạm khoản Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự…

Lãnh đạo Viện và CA TPHCM đều né…

Sáng 19.4, đúng hẹn, đoàn công tác của Đoàn Luật sư tỉnh BRVT do luật sư Trương Xuân Tám – Phó Chủ nhiệm dẫn đầu đến Viện Kiểm sát TPHCM và CA TPHCM, thế nhưng đoàn đã không được lãnh đạo 2 cơ quan này tiếp.

LS Trương Xuân Tám cho biết: “Chúng tôi rất thất vọng với cách làm việc cũng như văn hóa ứng xử của lãnh đạo 2 cơ quan này. Thậm chí, khi đến trụ sở CA TPHCM, họ còn bắt chúng tôi đứng ngoài đường. Sau khi chờ đợi hàng tiếng đồng hồ thì họ cho người mang văn bản trả lời không tiếp ra đưa cho chúng tôi”.

Nội dung văn bản trả lời không tiếp của CA TPHCM (CV 538/PC44-Đ3 của ngày 18.4.2017 do đại tá Nguyễn Minh Thông – Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT ký) nêu: “Vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” đã được Cơ quan CSĐT CA TPHCM tạm đình chỉ điều tra. Khi vụ án được phục hồi điều tra, Đoàn Luật sư tỉnh BRVT có quyền cử người bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho thành viên của mình… CA TPHCM không bố trí lịch làm việc theo đề nghị của Đoàn Luật sư tỉnh BRVT”.

Văn bản từ chối tiếp đoàn luật sư của CA TPHCM.

Trong khi đó, công văn của Viện KSND TPHCM (CV230/VKS-P2 ngày 18.4.2017 do Phó Viện trưởng Đoàn Tạ Cửu Long ký) đưa cho đoàn công tác của Đoàn Luật sư tỉnh BRVT có nội dung trả lời chi tiết hơn, hé lộ nguyên nhân việc tạm đình chỉ điều tra kéo dài gần 20 tháng.

Theo công văn do ông Đoàn Tạ Cửu Long – Phó Viện trưởng Viện KSND TPHCM ký, do kết luận giám của Bộ GTVT “chưa đáp ứng được các yêu cầu nêu trong quyết định trưng cầu giám định lại của Cơ quan CSĐT CA TPHCM, nên ngày 8.2.2017 và ngày 13.2.2017 Cơ quan CSĐT CA TPHCM đã có các công văn gửi Bộ GTVT, Cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng Bộ Quốc phòng và Phòng Đăng kiểm Hải quân để đề nghị giải thích rõ về kết luận giám định và làm rõ về thiết kế của canô BP 12-04-02 có đạt tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng hay không và xác định thời điểm mất hiệu lực của giấy đăng kiểm đối với canô BP 12-04-02”.

Ông Đoàn Tạ Cửu Long cũng cho biết: “Sau khi có kết quả giải thích kết luận giám định, các cơ quan tiến hành tố tụng TPHCM sẽ tiến hành ra quyết định phục hồi điều tra vụ án, quyết định phục hồi điều tra các bị can để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật”.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Trương Xuân Tám cho biết: “Ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết, các bị can trong vụ án này, không phải là chủ thể của Điều 214 Bộ luật Hình sự nên không có hành vi quy định tại Điều 214 Bộ luật Hình sự. Khi các bị can không phải là chủ thể của Điều 214 Bộ luật Hình sự thì việc trưng cầu giám định không có ý nghĩa chứng minh tội phạm. Ngay cả khi kết luận giám định của cơ quan chuyên môn chứng minh được “phương tiện rõ ràng không bảo đảm an toàn” khi đưa vào sử dụng thì người chịu trách nhiệm là đăng kiểm chứ không phải là người sản xuất ra phương tiện”.

Đỗ Văn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/vu-chim-tau-ppc-tai-can-gio-co-quan-dieu-tra-quyet-cho-giai-thich-ket-luan-giam-dinh-dung-y-minh-657653.bld