Vụ cháy quán karaoke 13 người tử vong: 'Mất bò mới lo làm chuồng'!

Vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) đã để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với số người tử vong lên tới 13. Nỗi đau với các gia đình nạn nhân là không gì bù đắp nổi.

Nhưng từ vụ cháy này, nhiều câu hỏi về công tác quản lý phòng cháy chữa cháy, trong hoạt động kinh doanh được đặt ra. Đặc biệt, một câu hỏi mà dư luận quan tâm là trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vậy?

Hỏa hoạn, “mất bò mới lo làm chuồng”?!

Nhiều xe máy bị thiêu rụi nằm trên các vỉa hè, cây cối, biển báo xe buýt cũng bị hư hại. Mặt tiền 4 ngôi nhà cao tầng trên đường Trần Thái Tông gần như cháy đen, khói bám đầy mặt tường. Đó là hiện trường còn lại sau vụ cháy xảy ra vào chiều ngày 1/11 trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội).

Theo lời kể của những người dân có mặt tại hiện trường, vụ cháy bắt nguồn từ tầng 2 quán karaoke 68 Trần Thái Tông. Chỉ ít phút sau, vụ cháy lan sang các căn nhà bên cạnh. Lực lượng phòng cháy chữa cháy khẩn trương tiếp cận và dập lửa, tuy nhiên phải nhiều tiếng sau, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Bốn căn nhà bị thiêu rụi hoàn toàn, 13 người tử vong do mắc kẹt trong quán karaoke khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng xót xa. Bởi có thể họ biết có cháy nhưng không thể thoát được khi các quán karaoke đều được làm như những chiếc hộp kín mít, không lối thoát.

Hiện trường vụ cháy. Ảnh: Thanh niên.

Ngay sau vụ cháy, cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (bộ Công an) đã ra công điện nêu rõ: “Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 23 vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đối với vụ cháy tại quán karaoke 68, Công an TP và sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khắc phục hậu quả; điều tra, kết luận nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Điều đáng nói, vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông không phải là vụ cháy quán karaoke đầu tiên tại Hà Nội. Còn nhớ, vào tháng 9/2016, một quán karaoke trên đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bị thiêu rụi. May mắn, nhân viên, khách hàng trong quán đã kịp chạy thoát thân, không có người nào tử vong. Nhưng không phải vụ cháy nào cũng may mắn không có thiệt hại về người như vậy. Theo thống kê từ lực lượng chức năng, từ đầu năm đến nay 23 vụ cháy quán karaoke xảy ra gây thiệt hại hơn 9 tỷ đồng, khiến 13 người chết, 2 người bị thương.

Nước mắt đã rơi từ những người cha, người mẹ, vợ con của 13 nạn nhân trong vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông. Nhưng, dư luận đặt câu hỏi, từ trước đến nay, việc đảm bảo phòng cháy chữa cháy của các cơ sở kinh doanh này đang được quản lý ra sao hay cứ “mất bò mới lo làm chuồng”?

Ai đã “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”?

Đặc biệt, theo Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy thì cơ sở kinh doanh karaoke số 68 Trần Thái Tông không đủ điều kiện như: Thẩm định về PCCC, điều kiện an ninh trật tự, giấy phép kinh doanh karaoke. Cơ sở cũng nhiều lần bị nhắc nhở và đã ký cam kết chỉ hoạt động khi có đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật... Được biết, trong tháng Mười vừa qua, lực lượng chức năng của quận, của phường đã nhiều lần làm việc, kiểm tra và yêu cầu không kinh doanh khi chưa đủ điều kiện. Thế nhưng, quán karaoke này vẫn hoạt động! Điều này khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, việc quản lý về phòng cháy chữa cháy ở cơ sở phải chăng đang bị buông lỏng?

Ngày 2/11, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, PC45, Công an TP. Hà Nội cho biết, cơ quan CSĐT, Công an TP. Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy xảy ra tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy. Việc khởi tố vụ án kịp thời là động thái cần thiết để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, đồng thời xác định trách nhiệm của những người có liên quan. Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với PV, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh: “Nếu quán karaoke này chưa đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy mà vẫn được hoạt động, đó là việc quản lý thiếu trách nhiệm. Việc mất an toàn cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng như vậy, rõ ràng có trách nhiệm của chính quyền địa phương trên địa bàn”.

Đồng quan điểm về việc chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về quản lý Nhà nước trong vụ việc này, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh: “Từ trước đến nay, trong vấn đề quản lý ở cơ sở, nói chung còn yếu kém. Các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn mà chính quyền địa phương thậm chí còn không biết là hoạt động hay không. Việc này từng xảy ra nhiều nhưng cứ xảy ra và ai tử vong thì thiệt thân chứ không ai chịu trách nhiệm cả”.

Theo ĐBQH Khánh, nếu cơ sở kinh doanh karaoke chưa đủ điều kiện mà vẫn hoạt động ngang nhiên thì trách nhiệm thuộc chính quyền cấp phường. Không đủ điều kiện kinh doanh vẫn hoạt động, vậy chính quyền quản lý cái gì? Mỗi nhà hàng, quán bar, phường phải đến kiểm tra xem có giấy phép, đủ điều kiện kinh doanh chưa. Nếu đã có phép thì phải có kiểm tra, giám sát làm cho đúng điều kiện về cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cháy nổ.

Nói rõ hơn về trách nhiệm của chính quyền cơ sở, ĐBQH Hồng Hà nói: “Sự việc xảy ra có dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Không những chính quyền mà còn có cả lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở cũng thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Cứ mỗi lần xảy ra cháy, cơ quan chức năng mới bắt đầu tiến hành rà soát về công tác phòng cháy chữa cháy, cứ “mất bò mới lo làm chuồng”. Đó là bài học để từ đó chúng ta rút ra các giải pháp”.

Liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vụ cháy gây ra, ĐBQH Quốc Khánh phân tích: “Việc bồi thường phải xem xét thống kê thiệt hại đến đâu. Nguyên tắc ai gây ra lỗi phải bồi thường, đó là bất di bất dịch. Việc ai chịu trách nhiệm bồi thường chính còn phụ thuộc vào kết luận của cơ quan chức năng về nguyên nhân chính xác vụ cháy. Tuy nhiên, chủ cơ sở kinh doanh karaoke chắc chắn phải có trách nhiệm trong việc bồi thường cho các nạn nhân và các thiệt hại vật chất do đám cháy gây ra”.

Thiếu sót trong công tác quản lý

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 2/11, trả lời câu hỏi về việc từ đầu năm đến nay có 23 vụ cháy thiệt hại lớn, phải chăng có việc buông lỏng quản lý, giám sát, Thứ trưởng bộ Công an Lê Quý Vương nêu ý kiến: “Tôi cho rằng, đấy là thiếu sót trong công tác quản lý. Anh phải kiểm tra, xem xét, quản lý, tuy nhiên cũng phải nói thẳng, nó động chạm đến hoạt động làm ăn kinh tế của người ta. Khó khăn trong lao động sản xuất, sinh hoạt. Nhiều khi có cái mình đưa ra, nhưng họ không thực hiện nghiêm...”.

ĐỖ THƠM – DƯƠNG THU

Xem thêm video:

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/khoi-to-vu-chay-quan-karaoke-13-nguoi-tu-vong-ai-se-chiu-trach-nhiem-a169453.html