Vụ 'câu' like đốt trường: Đừng nghĩ không thể đạt 1.000 like

Mỗi status thách thức trên Facebook đều có thể đạt lượng like “khủng” khiến chủ nhân có thể có hành động dại dột.

Cô gái châm lửa đốt một căn phòng trong trường và đã bị lửa bén vào người. (Ảnh cắt từ clip)

Đủ 1.000 like, bị ép đốt trường

Vừa qua, ở thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) đã xảy ra vụ việc một cô gái 13 tuổi đăng status “câu 1.000 like” trên Facebook, nếu đạt sẽ đốt trường. Sự việc sau đó được cộng đồng mạng chia sẻ “chóng mặt” với nhiều ý kiến trái chiều, từ trách móc, lên án dữ dội cho tới cảm thông, chia sẻ.

Theo lời kể của cô gái trong vụ việc, status xuất phát từ cảm xúc buồn và không hề nghĩ sẽ đủ 1.000 like. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, status đó đã vượt 1.000 like khiến cô gái lo sợ, tìm cách lẩn trốn bạn bè. Song cô bị bạn bè bắt gặp và bị ép buộc phải thực hiện lời tuyên bố, thậm chí bạn bè còn mua xăng đưa tận tay để cô đốt trường.

Theo tìm hiểu của PV, thực tế từ khóa “đủ 1.000 Like đốt trường” đã xuất hiện trên Facebook từ lâu. Chẳng hạn vào ngày 18.5.2015, nữ sinh K.H đã đăng tải hình ảnh tinh nghịch cùng nhóm bạn lên trang Facebook cá nhân với chú thích “Đủ 1.000 like đốt trường” và đã đạt trên 1.100 Like.

Những status “câu" like đốt trường từng xuất hiện trên Facebook trong khoảng 2 năm trở lại đây. (Ảnh: Ngọc Phạm)

Trao đổi với PV sau gần 1,5 năm đăng bức ảnh, K.H cho biết: “Em đăng cái đó vui thôi do lúc đó còn nhỏ, chưa ý thức được nhiều. Khi đạt lượng like thì em cũng không có hành động dại dột gì cả, dù bạn bè có hỏi và kêu em thực hiện lời hứa”. Hiện, K.H đang là sinh viên của một trường đại học xây dựng.

Trách nhiệm của ai?

Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng đánh giá: Ở đâu, ở bất cứ thời đại nào cũng có những trẻ vị thành niên thích thể hiện bản thân. Đại đa số các em ở độ tuổi 13 bắt đầu có nhiều sự thay đổi khác thường về tâm lý và sinh lý. Do đó, thay vì đánh giá hành vi của cô gái trong vụ việc thì chúng ta nên cùng nhìn nhận để tìm ra cách khắc phục.

“Ở độ tuổi ấy, các em chưa biết đúng sai. Suy nghĩ cá nhân của em ấy chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ để dẫn tới hành động còn là trách nhiệm của gia đình, bạn bè, nhà trường,... Nếu cha mẹ sớm biết vấn đề con gặp phải để trò chuyện thì có lẽ chuyện đấy đã không xảy ra”, chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng nói.

Theo ông Thắng, giải pháp căn bản nhất, cốt lõi nhất lúc này là định hình nhân cách sống cho các em vị thành niên. Chẳng hạn với status của cô gái 13 tuổi “câu like đốt trường", nếu như tất cả bạn bè của cô gái đều học hành đàng hoàng thì thay vì bình luận ủng hộ, họ sẽ bình luận mang tính chia sẻ, khuyên nhủ, tâm sự.

Clip: Cô gái đốt trường học sau khi “câu” đủ 1.000 like trên Facebook (nguồn: Beat.vn)

Coi chừng đủ like ngoài dự tính!

Ông Nguyễn Huy Cường - một chuyên gia nghiên cứu về mạng xã hội đánh giá: “Facebook đã trở thành một nơi tự do quá mức, đôi khi chính người tham gia vào mạng xã hội này còn không tự bảo vệ được mình. “Câu" like để thực hiện điều gì đó là một phong trào phản cảm, thu hút nhiều sự quan tâm của giới trẻ trong thời gian gần đây. Nội dung của status thách thức càng khó, càng oai thì càng thể hiện mình, ví dụ uống dầu, khỏa thân, đốt trường,...”.

Ông Nguyễn Huy Cường, một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về các xu hướng trên internet. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo ông Cường, khi người dùng mạng xã hội ủng hộ và hùa theo bằng cách bấm like cho status tức là đã ép chủ nhân status phải thực hiện điều mình tuyên bố. Tuy nhiên, người nhấn Like không nhận ra được mình đã vô tình góp phần vào hành động dại dột của người khác; còn người đăng status thì cảm thấy thể hiện được cái tôi cá nhân.

Ông Cường lưu ý: “Người đăng status thường nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ đạt được số Like “khủng”, nên chỉ đăng cho vui và theo phong trào. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp có một số thành phần không tốt hùa nhau chia sẻ status đó để kêu gọi Like, hoặc dùng thủ thuật để tăng Like cho đủ”.

“Hiện nay, trên mạng có nhiều thủ thuật để tăng lượng like cho một status hoặc hình ảnh, có thể lên con số 10.000 like hoặc thậm chí 100.000 like chứ không chỉ là 1.000 like. Do đó, khi đăng status, Facebooker đừng nghĩ mình không thể đạt đủ lượng Like”, ông Cường cảnh báo.

“Ma lực” của nút Like

Nói về “ma lực” của nút like, chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng đánh giá: Nút like của Facebook có ma lực cực kỳ mạnh mẽ, bởi cả một cộng đồng hơn 1 tỉ người công nhận. Trên thế giới ảo đấy, người ta cứ thấy có nhiều like là thích - hành động tốt cũng like, xấu cũng like. Điều gì càng độc lạ càng thu hút nhiều like.

“Trào lưu “câu" like để thực hiện thách thức, nếu không có cách ngăn chặn thì còn tạo nên một làn sóng cực kỳ đáng báo động. Ở độ tuổi này, các em rất sáng tạo, có thể không chỉ “câu" like để đốt trường mà còn là khỏa thân hay bất cứ điều gì khác. Các em chỉ nghĩ làm điều đó để nổi tiếng chứ không biết là mình sẽ mang tai tiếng”, ông Thắng cảnh báo.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/vu-cau-like-dot-truong-dung-nghi-khong-the-dat-1000-like-715007.html