Vụ 'bắt cóc' hai cha con ở La Gi (Bình Thuận): Sai tố tụng?

Thông tin về vụ 2 cha con bị công an "mời về làm việc", khiến người dân và công an sở tại tưởng bắt cóc, đến nay, vẫn còn nhiều điểm cần phải làm rõ. Có rất nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện này.

LTS: Trong khi sự việc còn nhiều thông tin khác nhau, việc dùng "lăng kính" pháp luật để soi rõ, tìm những điểm bất thường trong chuỗi hành động của vụ việc này, để rút ra những bài học, là điều cần thiết. Đồng thời, cũng để rộng đường dư luận và góp thêm cái nhìn từ góc độ pháp luật, được sự đồng ý của Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư Tp HCM), Infonet xin đăng tải ý kiến của luật sư Nguyễn Kiều Hưng trên trang Facebook cá nhân.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư Tp HCM)

Đến thời điểm hiện tại, các nguồn tin từ báo chí đều chưa xác định được Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã bắt giữ ông Phong, cha đứa bé 4 tuổi trong trường hợp nào.

Tuy nhiên, thông tin trên báo Tuổi Trẻ cho hay, CA La Gi xác nhận trong hồ sơ có lệnh bắt mang số 72. Và trước đó lãnh đạo CA Hà Nội cũng xác nhận với báo Tiền Phong rằng, ông Phong là nghi phạm trong một chuyên án lớn. Đến giờ này ông Phong vẫn chưa được thả về và sẽ tiếp tục bị đưa ra Hà Nội.

Những thông tin đó, có cơ sở để xác định ông Phong nằm trong chuyên án và bị bắt theo lệnh bắt. Vậy pháp luật quy định thi hành lệnh bắt như thế nào?

Theo quy định tại điều 81, 82 Bộ luật tố tụng hình sự, thì:

Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.

Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.

Ngoài ra, Người thi hành lệnh bắt trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản.

Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt.

Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.

Và phải thông báo về việc bắt: Người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay.

Như vậy, có thể thấy, việc thi hành lệnh bắt trong mọi trường hợp của CA quận HBT là không tuân thủ theo đúng thủ tục tố tụng. Việc không thông qua địa phương, không đọc lệnh bắt, không lập biên bản...bắt người chớp nhoáng, kèm theo trẻ nhỏ và dẫn giải đi một quảng đường dài. Làm quần chúng nhân dân và CA địa phương hiểu lầm đó là một vụ bắt cóc, gây dư luận không tốt.

Trong trường hợp không có lệnh bắt, thì việc mời nghi can để làm việc như vậy là có dấu hiệu lạm quyền, bắt giữ người trái pháp luật.

Thiết nghĩ, CA TP Hà Nội cần tổ chức rút kinh nghiệm và tiến hành họp báo để thông tin chính thức vụ việc cho người dân biết, tránh hiểu nhầm hay xuyên tạc!

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vu-bat-coc-hai-cha-con-o-la-gi-binh-thuan-sai-to-tung-post207562.info