Vụ bắt cóc 6 thuyền viên VN giống cách thức Abu Sayyaf thực hiện

Vụ 6 thuyền viên Việt Nam bị bắt cóc ngoài khơi tỉnh Basilan, miền nam Philippines có phương thức tấn công gần giống các vụ bắt cóc con tin mà nhóm khủng bố Abu Sayyaf thực hiện thời gian gần đây.

Indonesia, Malaysia, Philipines nhất trí cho phép đuổi bắt cướp biển trong vùng biển của nhau

Cách thức: không cướp hàng, bắt con tin đòi tiền chuộc

Miền Nam Philippines là hang ổ của nhóm khủng bố Abu Sayyaf. Nhóm phiến quân Hồi giáo ly khai này có căn cứ tại đảo Jolo và Basilan. Được thành lập từ đầu những năm 1990, Abu Sayyaf quy tụ khoảng 400 phần tử Hồi giáo cực đoan chủ yếu hoạt động ở miền Nam Philippines. Nhóm khủng bố Abu Sayyaf tại miền Nam Philippines được cho là thủ phạm giết hại 100.000 người kể từ những năm 70 của thế kỷ trước. Bắt con tin và đòi tiền chuộc chính là cách chủ yếu để chúng kiếm nguồn tài chính, duy trì tổ chức.

Bên cạnh các vụ tấn công khủng bố, đánh bom, bắt cóc trên đất liền, từ đầu năm 2016, nhóm khủng bố này thực hiện hàng loạt vụ tấn công tàu thuyền , bắt cóc thuyền viên. Cách thức của chúng là tấn công tàu, bắt giữ thuyền trưởng, thủy thủ làm con tin nhưng không bắt tàu, hàng; thậm chí còn cho phép tàu tiếp tục vận chuyển hàng bình thường. Chúng sẽ thả con tin nếu được trao tiền chuộc còn không sẽ giết hại.

Từ đầu năm đến nay, nhóm khủng bố này tấn công ba tàu thuyền ở vùng biển ranh giới giữa Malaysia, Indonesia và Philippines, bắt giữ tới 18 con tin người Indonesia và Malaysia. Tháng 6 vừa rồi, chúng bắt giữ 7 con tin người Indonesia ngoài khơi quần đảo Sulu. Cuối tháng 10 vừa qua, nhóm này bị nghi tấn công tàu chở hàng Hàn Quốc Dongbang Giant 2 (11.400 tấn) đang trên đường từ Australia về Hàn Quốc tại khu vực gần quần đảo Sulu, ngoài khơi miền Nam Philippines. Người phát ngôn Bộ tư lệnh quân đội khu vực miền Nam Philiippines, Thiếu tá Filemon Tan cho biết, các tay súng bắt cóc thuyền trưởng và 1 thủy thủ, thả các thủy thủ khác và cho phép tàu tiếp tục hành trình. Phương thức tấn công này gần giống với vụ tấn công tàu Việt Nam ngày 11/11 vừa qua đó là chỉ bắt thuyền trường và 5 thuyền viên, thả 13 thuyền viên và không cướp hàng.

Hồi đầu tháng này (5/11), hai thuyền trưởng tàu cá Indonesia cũng bị bắt cóc ngoài khơi bang Sabah, miền Đông Malaysia, khu vực mà nhóm phiến quân Abu Sayyaf ở Philippines bị cáo buộc tiến hành hàng loạt vụ bắt cóc tương tự.

Tiềm ẩn nguy cơ tấn công tàu thương mại

GrayPage, trang web đánh giá các vấn đề hàng hải, thông tin tình báo về các mối đe dọa vận tải hàng hải mới có bài viết đánh giá về cách thức tấn công của nhóm khủng bố Abu Sayyaf qua 3 vụ tấn công đầu năm nay của chúng.

Theo GrayPage, xét về địa điểm, các vụ tấn công đều xảy ra ở khu vực trong vòng 60 hải lý cách bờ biển Sabah (Malaysia) về phía Đông và 20 hải lý cách đảo Sibutu (một phần thuộc tỉnh Tawi-Tawi của Philippines). Đây là nơi có tuyến thương mại khu vực đáng kể đi qua (trong đó có nhiều tàu thuyền chuyển hướng tránh eo biển Malacca đi qua) và là điểm trung chuyển hàng hóa ước tính trị giá 40 tỉ USD/năm. Ba con tàu bị tấn công đầu năm 2016 đều được thuê để phục vụ thị trường chở than khu vực. GrayPage đánh giá, kiểu tấn công của Abu Sayyaf gần giống với các kiểu tấn công bắt cóc tại đồng bằng Niger, Tây Phi đó là nhằm vào các tàu kéo vì tốc độ tương đối chậm, hoạt động dễ đoán.

Nên đọc

6 thuyền viên Việt bị bắt cóc và mối lo IS

GrayPage cũng cảnh báo, nhóm khủng bố này không chỉ nhằm vào các tàu kéo mà còn nhằm vào cả các tàu thương mại hoạt động ngoài khơi Sabah, trong vùng 100 hải lý cách quần đảo Sulu và tỉnh Tawi Tawi. Bởi, đây là điểm nút có rất nhiều tàu thuyền thương mại giữa Australia và Trung Quốc đồng thời cũng là nơi có nhiều tàu thương mại, tàu du lịch, du thuyền hoạt động. Mặc dù, chính phủ Malaysia đã cấm tàu thương mại hoạt động tại khu vực này song GrayPage đánh giá lưu lượng giao thông di chuyển qua khu vực này vẫn đáng kể, tiềm ẩn khả năng bị các phần tử khủng bố Aby Sayyaf tấn công.

Hiện nay, ba nước Indonesia, Malaysia và Philippines đang rốt ráo đàm phán, tìm cách giải quyết tình hình bắt cóc con tin xảy ra tại vùng biển giữa ba nước. Trong các cuộc đàm phán ban đầu, ba nước đang cân nhắc thành lập một tuyến đường biển an toàn hơn cho tàu thuyền thương mại cũng như hợp tác trong việc thực thi pháp luật (bao gồm tuần tra trên biển và trên không).

Ngay trước thời điểm xảy ra vụ bắt cóc 6 thuyền viên Việt Nam, Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte cùng Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã hội đàm bàn về cách giải quyết tình hình cướp biển. Trong đó, ông Najib cho biết, Tổng thống Duterte đã đồng ý cho phép các lực lượng an ninh Malaysia vào vùng biển Philippines trong khi truy đuổi những kẻ bắt cóc.

B.T (Theo NyTimes, GrayPage, Aljareera)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/vu-bat-coc-6-thuyen-vien-vn-giong-cach-thuc-abu-sayyaf-thuc-hien-d176164.html