Vụ 'bán' dấu kiểm dịch, xử lý thế nào?

Dư luận đang bức xúc trước thông tin việc cán bộ thú y chợ gia cầm Hà Vĩ được coi là chợ lớn nhất miền Bắc sử dụng dấu kiểm dịch đóng dấu tràn lan thu phí.

Phóng viên (PV) báo SK&ĐS đã trao đổi với đại diện Chi cục Thú y Hà Nội, được biết: “Đây là sự việc rất nghiêm trọng, liên quan đến vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm đang nhức nhối trong thời gian vừa qua. Quan điểm của Chi cục là sẽ làm rõ và xử lý nghiêm”.

Đã kỷ luật cá nhân liên quan

Liên quan đến vụ việc này, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3744/UBND-KTBT giao Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND huyện Thường Tín: Kiểm tra thông tin; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra sai phạm (nếu có) theo quy định. Kết quả thực hiện báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 10/8/2017.

Về việc này, trao đổi với PV Báo SK&ĐS, ông Dương Xuân Tĩnh - Trạm trưởng Trạm Thú y Thường Tín đã nhận sai trong việc để cán bộ “đóng dấu kiểm dịch bừa bãi”. “Ngay sau khi báo chí phản ánh, chúng tôi đã tổ chức cuộc họp yêu cầu anh Trần Văn Sự (cán bộ thú y đóng dấu kiểm dịch gà, vịt không rõ nguồn gốc) viết bản tường trình, bản kiểm điểm. Trước mắt, Trạm đã luân chuyển công việc của anh Trần Văn Sự từ vị trí đóng dấu kiểm dịch tại các lò mổ sang vị trí chốt kiểm dịch ở chợ Hà Vĩ”. Ngoài ra, “Trạm thú y Thường Tín cũng đã họp với 4 chủ lò mổ được cấp phép. Theo đó, các chủ lò mổ phải cam kết không tái phạm lại các hành vi mua bán dấu kiểm dịch và thực hiện đầy đủ quy trình kiểm dịch đảm bảo theo Thông tư 09/2016 của Bộ NN&PTNT”, ông Tĩnh cho biết.

Chi cục Thú y Hà Nội sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, ATTP trên địa bàn thành phố.

U xơ tử cung - Một trong những nguyên nhân gây khó đậu thai, hiếm muộn

Phát hiện thảo dược "Đặc trị" Đờm Ho, Khó thở, Hen suyễn, COPD lâu năm

Về phía chợ Hà Vĩ, ông Lê Xuân Viết - Trưởng BQL chợ gia cầm Hà Vĩ phân trần: “Theo thiết kế ban đầu, chợ chỉ đủ để tiêu thụ 15 - 20 tấn/ngày nhưng hiện tại, lượng gia cầm thường xuyên ở đây lên tới 50 - 60 tấn/ngày, có những ngày cao điểm lên tới gần 100 tấn. “Các hộ buôn bán tự phát kia chủ yếu là người trong làng, trong xã. Mỗi năm vào 2 vụ vịt (tháng 6-7 và tháng 10-12), khi số lượng vịt trong địa bàn quá tải thì họ xin chúng tôi được vào trong chợ buôn bán. Là người trong làng, trong xã, vì tình cảm, chúng tôi không thể cấm. Chúng tôi hiểu các bức xúc của các hộ kinh

doanh trong ki-ốt và biết việc để các hộ buôn bán tự phát trong chợ là sai nhưng không còn cách nào khác”, ông Viết nói.

Chợ Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội) được biết đến là chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc với lượng tiêu thụ cả trăm tấn gà, vịt mỗi ngày. Có hơn 1.000 hộ dân sinh sống bằng nghề giết mổ gia cầm nhưng chỉ có 4 cơ sở giết mổ gia cầm được cấp phép. Trong số 4 cơ sở giết mổ ấy, có 2 cơ sở giết mổ gia cầm Nguyễn Văn Thông và cơ sở giết mổ gia cầm sạch Việt Thái là nổi tiếng nhất. Theo quy định, để đóng dấu kiểm soát giết mổ thì trước đó cán bộ thú y sẽ phải kiểm tra giám sát trong suốt quá trình đưa gia cầm vào lò mổ và khi giết mổ. Thế nhưng mọi quy trình ở đây đều được các nhân viên tự làm một cách “chóng vánh sơ sài”. Nếu việc kiểm dịch không được kiểm soát một cách nghiêm túc thì nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng là hiện hữu.

Nguy cơ bùng phát dịch

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: Hiện vẫn tồn tại khoảng 1.500 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư, đáp ứng khoảng 460 tấn thịt/ngày, tương đương 55% sản phẩm giết mổ chưa được kiểm soát. Các điểm, hộ giết mổ thủ công nhỏ lẻ này đều lấy nguồn hàng từ các tỉnh và cung cấp phần lớn cho thị trường khi chiếm tới hơn 90% số thịt trâu bò, 70% số thịt lợn và 68% số thịt gia cầm. Lượng thịt, phụ phẩm này đều được đưa thẳng tới chợ mà không qua khâu kiểm soát giết mổ dẫn đến tình trạng không đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP, nguy cơ bùng phát dịch luôn thường trực.

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng: Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, UBND triển khai kế hoạch “Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”. Giai đoạn 1 (từ 2016 - 2018), TP. Hà Nội sẽ nâng tỷ lệ sản phẩm sau giết mổ của các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP, VSMT đạt 60%. Giảm 60% số điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ hiện tại vào năm 2018. Đảm bảo 50% số lượng sản phẩm gia súc, gia cầm được vận chuyển bằng xe chuyên dụng đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP. Giai đoạn 2 (từ năm 2019 - 2020), sản phẩm gia súc, gia cầm sau giết mổ của các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP, VSMT đạt 80%. Giảm 80% số điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ hiện tại vào năm 2020. Đảm bảo 60% số lượng sản phẩm gia súc, gia cầm được vận chuyển bằng xe chuyên dụng đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP. Mở rộng hệ thống các cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm an toàn rộng khắp trong nội thành, nội thị.

Theo đó, UBND thành phố cũng điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 5791/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 của UBND thành phố về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020 cho phù hợp; tăng cường xây dựng, gắn kết các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, phân phối thành chuỗi khép kín; có kế hoạch xóa bỏ điểm giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm VSATTP.

Để làm được việc này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở, tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, mất vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền thay đổi thói quen tiêu dùng dễ dãi - nó là nguyên nhân chính góp phần “tiếp tay” cho sự tồn tại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ...

Thục Viên

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/vu-ban-dau-kiem-dich-xu-ly-the-nao-n135077.html