Vụ án 'Tranh chấp giữa các thành viên với công ty' ở Gia Lai: Bị đơn cố tình sử dụng chứng cứ không có thật?

Theo nội dung vụ việc, năm 2006 Xí nghiệp in Gia Lai (tiền thân của Công ty in Gia Lai) chuyển sang mô hình cổ phần và lấy tên là Công ty cổ phần In và dịch vụ Văn hóa Gia Lai (Cty In&DVVH Gia Lai), vốn nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan (1958, trú TP Pleiku, Gia Lai) là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc và đại diện phần vốn nhà nước, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (1970, trú P. Hoa Lư, TP Pleiku) được bổ nhiệm Phó giám đốc phụ trách sản xuất, bà Nguyễn Thị Phượng (1975, trú P.Thống Nhất TP Pleiku) được bổ nhiệm kế toán trưởng. Từ năm 2010, Cty In&DVVH Gia Lai cổ phần hóa 100% vốn cổ đông, bà Lan chiếm phần vốn cao nhất và tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Trước đó, vào khoảng cuối năm 2007, bà Lan quyết định thành lập Siêu thị phố núi (viết tắt: STPN tại 102-Phạm Văn Đồng, TP Pleiku) nhưng kinh doanh không hiệu quả nên đến năm 2009, bà Nguyệt được bổ nhiệm làm Giám đốc STPN kiêm Phó giám đốc Cty In&DVVH Gia Lai. Lúc này STPN hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào Cty In&DVVH Gia Lai. Tháng 5-2009, lấy lý do STPN có vị trí không thuận lợi nên phải mở thêm 1 địa điểm khác để kinh doanh. Tuy nhiên chi nhánh này làm ăn cũng không hiệu quả, kéo dài cho đến tháng 1-2013, chi nhánh này mới ngưng hoạt động.

Từ những lý do trên bà Lan quyết định tổ chức kiểm kê hàng hóa siêu thị vào ngày 28-2-2013 và ký hợp đồng với Cty CP mã vạch sáng tạo trẻ TP HCM (viết tắt: Cty STT) hỗ trợ việc kiểm kê. Qua kiểm kê, bà Lan tuyên bố siêu thị kiểm kê thiếu 1,117 tỷ đồng và quy trách nhiệm cho bà Nguyệt (Giám đốc STPN), bà Phượng (Kế toán trưởng Cty In&DVVH Gia Lai) và bà Liễu (kế toán phụ trách STPN). Vì quá bức xúc trước việc làm của bà Lan nên 3 người trên làm đơn xin nghỉ việc... Theo bà Nguyệt trình bày, việc làm của bà Lan có nhiều khuất tất, sự thật không hề có việc thất thoát tiền nhưng các ý kiến này đều bị bà Lan bác bỏ. Không đồng ý với cách giải quyết vụ việc của Cty In&DVVH Gia Lai và người đứng đầu là bà Lan nên 3 bà đã khởi kiện ra TAND tỉnh Gia Lai. Tại Bản án số 03/2016/KDTM-ST ngày 16-6-2016, TAND tỉnh Gia Lai đã không chấp nhận đơn khởi kiện của 3 nguyên đơn. Trong đó, các bà cho rằng tài liệu mà bị đơn cung cấp cho TA không đúng theo quy định của pháp luật; Cty In&DVVH Gia Lai cố tình tạo những chứng cứ không có thật nhằm chiếm đoạt tiền của cổ đông...

Biên bản kiểm kê không có mặt, không có chữ ký của các bà Nguyệt, Phượng và Liễu.

Biên bản kiểm kê không có mặt, không có chữ ký của các bà Nguyệt, Phượng và Liễu.

Từ những nội dung bà Nguyệt, bà Phượng và bà Liễu trình bày cũng như những tài liệu có trong vụ việc thì thấy rằng còn nhiều vấn đề các bà yêu cầu giải quyết nhưng cấp sơ thẩm vẫn chưa làm rõ. Thứ nhất, bà Nguyệt là Giám đốc STPN nhưng danh sách kiểm kê không có tên bà Nguyệt. Cụ thể, tại Biên bản ghi ngày 24-2-2013 "V/v Chênh lệch số liệu kiểm kê hàng hóa ở kho tổng và kho siêu thị..." theo nguyên tắc những người bị buộc bồi thường (bà Nguyệt, bà Phượng, bà Liễu) phải ký tên xác nhận thiệt hại nhưng ở đây chỉ có ông Nguyễn Đức Huyền ( Phó Tổng giám đốc phụ trách nội chính và sản xuất) và những người khác làm biên bản, như vậy là chưa phù hợp. Và điều "chưa phù hợp" này lại được Cty In&DVVH Gia Lai nộp làm chứng cứ tại tòa, được thể hiện tại Bút lục số 95-96. Thứ hai, tại Công văn Số 02303/13. CV-PHONUI, của Cty STT về việc hỗ trợ kết quả kiểm kê gửi Cty In&DVVH Gia Lai ngày 23-3-2013 không có người ký tên, đóng dấu. Ở đây, Cty STT là đơn vị có tư cách pháp nhân, nếu họ công nhận văn bản này thì tại sao họ không ký, đóng dấu và như vậy có được xem là văn bản hợp lệ để làm căn cứ xác đáng để giải quyết trong vụ việc này? Thứ ba, có thể thấy rằng việc Cty In&DVVH Gia Lai sử dụng con dấu chưa đồng nhất. Trong đó, Cty này có 2 con dấu có mã số khác nhau đó là "3903000077" và "5900182182", trong đó có con dấu Cty CP in và đầu tư phát triển Giáo dục Gia Lai cũng có mã số là "5900182182". Vấn đề khó hiểu cần nói đến ở đây là trong số những tài liệu mà bị đơn cung cấp tại tòa con dấu được thể hiện theo kiểu "thời tiền sử" nhưng được đóng dấu của thời "hiện tại". Cụ thể, tại quyết định tặng CP cho người lao động được ghi ngày 19-7-2008, thời điểm này theo Luật doanh nghiệp "Mã số trong con dấu được quy định là mã trên Giấy phép kinh doanh 3903000077" nhưng hiện tại con dấu được đóng có Mã số của doanh nghiệp "5900182182". Sau năm 2010, Luật Doanh nghiệp sửa đổi mới quy định lại mã số trong con dấu là mã số thuế, vậy nhưng không hiểu vì sao Cty In&DVVH Gia Lai lại có con dấu này từ ngày 19-7-2008. Cũng chính vì lý do này mà các bà Nguyệt, Phượng và Liễu cho rằng chứng cứ này mới được làm nên mới có việc đóng dấu không phù hợp.

Trong vụ việc này, STPN hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào Cty In&DVVH Gia Lai, như vậy trong trường hợp siêu thị có sai phạm Cty phải cùng chịu trách nhiệm chứ không thể buộc 3 bà trên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn như thực tế hiện nay. Từ những vấn đề trên cho thấy việc 3 bà có đơn kháng cáo Bản án Số 03/2016/KDTM-ST yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án và có đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng là có cơ sở. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự trong phiên tòa tới, cấp phúc thẩm cần phải làm rõ những vấn đề mà nguyên đơn bức xúc, qua đó mang lại công bằng cho các bên.

Trang Trần

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_152330_vu-a-n-tranh-cha-p-giu-a-ca-c-tha-nh-vien-vo-i-con.aspx