Vụ án Phạm Công Danh: 12 giám đốc không biết công ty làm gì, chỉ ăn lương và... ký

Ngày thứ 6 xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng đang lộ ra nhiều tình tiết bất ngờ.

Một bị cáo bật khóc giữa tòa.

Hàng loạt giám đốc bù nhìn

Trong phiên xét xử chiều 26/7, Hội đồng xét xử (HĐXX) xét hỏi đối với nhóm bị cáo là giám đốc của 12 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Thiên Thanh. Những người này được Phạm Công Danh "dựng" lên và ký khống hợp đồng vay tiền cho Danh sử dụng.

Hầu hết số công ty mà Danh lập ra đều không có hoạt động thực chất mà chỉ được thành lập để vay tiền của VNCB cho Danh sử dụng các mục đích cá nhân.

Từ lời khai từ các bị cáo trước tòa cho thấy, họ vốn là nhân viên rửa xe, bảo vệ, lái xe, nhân viên khách sạn... được nhờ làm giám đốc. Các công ty này không có thủ quỹ, kế toán hay nhân viên nào khác... mà chỉ có 1 giám đốc.

Các giám đốc cũng không có hoạt động nghiệp vụ, thậm chí có những người chỉ học hết lớp 7... Việc của họ phải làm là ký hồ sơ vay tiền (do Danh chỉ đạo soạn sẵn) và đến tháng nhận lương (thời gian đầu là 5, sau tăng lên 10 triệu đồng)... Đó là lý do vì sao khi khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Hữu Duyên (Giám đốc công ty Quang Đại, vốn là nhân viên rửa xe Tập đoàn Thiên Thanh) cho rằng: Làm giám đốc... rất đơn giản.

Tại tòa, các bị cáo cũng thừa nhận dù nhận tiền lương giám đốc nhưng các bị cáo không biết công ty hoạt động kinh doanh gì, toàn bộ giấy tờ, con dấu, hồ sơ đều do Tập đoàn Thiên Thanh nắm giữ.

Đặc biệt, khi nào cần thì họ được gọi lên để ký vào giấy tờ (mà cụ thể là đặt bút ký các hợp đồng để “rút” tiền của VNCB) mà không có chút thắc mắc, không biết số tiền vào tài khoản công ty rồi chuyển đi đâu.

Làm giám đốc vì tiền, vì tin tưởng...

Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Tấn Thành (Giám đốc công ty Thành Trí) cho biết mình vốn là nhân viên bảo vệ với mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng. Bị cáo nói cần tiền nuôi con, lúc đó lại có người gọi điện thoại nhờ làm giám đốc (chỉ biết người của tập đoàn Thiên Thanh) trả lúc đầu 5 triệu, sau 10 triệu đồng/tháng nên nhận lời.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Chí Bình (giám đốc Công ty IDICO) vốn là nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh. Bản thân Bình chỉ là người làm thuê không tham gia họp bàn, không lập hồ sơ vay, không được hưởng lợi gì nhưng do... tin tưởng Tập đoàn Thiên Thanh nên đã ký hồ sơ vay.

Đặc biệt, trong số các bị cáo được bị cáo Danh “nhờ” đứng tên làm giám đốc để làm hồ sơ vay tiền từ VNCB có các bị cáo là vợ chồng. Đó là cặp vợ chồng bị cáo Nguyễn Quốc Thịnh (giám đốc Công ty Thịnh Quốc) và Hồ Thị Đi (giám đốc Công ty xây dựng Hương Việt).

Ngoài ra, có cặp vợ chồng Nguyễn An Vinh (giám đốc công ty Nhất Nhất Vinh) và Bùi Thị Hà Thu (giám đốc công ty Đại Hoàng Phương). Thu vốn là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, được Chủ tịch tập đoàn nhờ đứng tên làm giám đốc Công ty Đại Hoàng Phương.

Thấy công việc đơn giản mà vẫn có lương 10 triệu đồng/tháng, Thu đã rủ chồng là Nguyễn An Vinh nhận đứng tên làm giám đốc Công ty Nhất Nhất Vinh. Tại phiên xử, cả hai vợ chồng cùng nhau ra tòa.

Nói về hành vi của mình, Hà Thu cho biết việc làm của mình là do tin tưởng và cũng là lòng trung thành với Tập đoàn Thiên Thanh.

Có bị cáo còn rủ nhau vào làm giám đốc như trường hợp bị cáo Vưu Thị Diệu (giám đốc công ty Toàn Tâm) và Nguyễn Hữu Duyên (giám đốc công ty Đại Quang). Trước tòa, Diệu cho biết: Duyên là bạn của bị cáo đưa bị vào làm giám đốc.

Theo cáo trạng, tất cả 12 bị cáo trên đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, quy định tại khoản 3 Điều 179 BLHS với vai trò người giúp sức cho Danh gây thất thoát tại VNCB.

LINH LAN - MẠNH NGUYỄN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/vu-an-pham-cong-danh-12-giam-doc-khong-biet-cong-ty-lam-gi-chi-an-luong-va-ky-1814787.html