Vụ án Lữ Anh Dồi: Cuộc chiến pháp lý về tội danh

Không chỉ gặp khó khăn ở khâu khởi tố, quá trình các cơ quan tố tụng đưa tội ác của Nguyễn Ngọc ra ánh sáng còn là cuộc đấu tranh pháp lý căng thẳng về việc Nguyễn Ngọc phạm tội gì…

Tìm hiểu lại vụ án này, nhóm PV Pháp Luật TP.HCM đã gặp nhiều người từng tham gia giải quyết án ngày ấy. Lời kể của họ cho thấy quá trình các cơ quan tố tụng đưa tội ác của Nguyễn Ngọc (nguyên phó Ty Công an, chỉ huy trưởng Công an vũ trang tỉnh Minh Hải cũ) ra ánh sáng không chỉ gặp khó khăn ở khâu khởi tố ban đầu mà còn là một cuộc đấu tranh pháp lý căng thẳng sau đó về việc Nguyễn Ngọc phạm tội gì.

VKS nói thiếu trách nhiệm, tòa kết luận giết người

Trung tướng Trần Văn Độ (62 tuổi, nguyên Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) kể: “Năm 1988, chúng tôi nhận được lệnh vào Quân khu 9 tìm hiểu, hỗ trợ xét xử vụ Nguyễn Ngọc và cấp dưới Thái Văn Hùng giết hại Thiếu úy Lữ Anh Dồi. Tổ chúng tôi có ba người vào trực tiếp nghiên cứu hồ sơ. Lúc này Tòa án quân sự Quân khu 9 đã lên kế hoạch là 10 ngày nữa sẽ đưa ra xử sơ thẩm”.

Theo Trung tướng Độ, cáo trạng của VKS quân sự Quân khu 9 truy tố Thái Văn Hùng về tội giết người, truy tố Nguyễn Ngọc về hai tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vu khống. Tổ công tác của ông đã nghiên cứu hồ sơ ba ngày, trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ với các lãnh đạo, thẩm phán Tòa án quân sự Quân khu 9 rồi đi công tác. Hai ngày trước phiên xử, tổ của ông lại quay về Cà Mau tiếp tục chỉ đạo công tác chuẩn bị. Thời điểm này, lãnh đạo Tòa án quân sự Trung ương khá lo lắng, luôn hỏi ông có chắc rằng Nguyễn Ngọc phạm tội giết người chứ không phải tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như cáo trạng truy tố hay không. Ông luôn khẳng định với hồ sơ như vậy thì rõ ràng đây là vụ án giết người và để giết người thì phải vu khống.

Đại tá Hồ Minh Tiến (83 tuổi, nguyên Chánh án Tòa án quân sự Quân khu 9, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm) cũng kể: “Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, chúng tôi băn khoăn về tội danh của Nguyễn Ngọc. Tôi không đồng ý với việc truy tố Nguyễn Ngọc về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và có trao đổi với anh em bên VKS đề nghị thay đổi tội danh nhưng chưa được đồng thuận. Thời điểm ấy, pháp luật quy định nếu tòa xử bị cáo khác tội danh VKS truy tố thì phải thông báo cho bị cáo. Tôi đã thông báo cho Nguyễn Ngọc rằng tòa sẽ xử Ngọc về tội giết người”.

Trung tướng Trần Văn Độ trao đổi với báo chí về oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự. Ảnh phải: Đại tá Hồ Minh Tiến. Ảnh: Ngọc Quang

Trung tướng Trần Văn Độ trao đổi với báo chí về oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự. Ảnh phải: Đại tá Hồ Minh Tiến. Ảnh: Ngọc Quang

Xử sơ thẩm, tất cả đều đồng thuận tội giết người

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 12-8-1988, quan điểm Nguyễn Ngọc phạm tội giết người của Trung tướng Độ, của Đại tá Tiến đã được kiểm sát viên giữ quyền công tố đồng thuận. Trong phần luận tội, kiểm sát viên đã rút truy tố Nguyễn Ngọc về tội thiếu trách nhiệm..., thay bằng tội giết người. Vị kiểm sát viên ấy là Đại tá Tăng Minh Phán (hơn 70 tuổi, nguyên Phó Viện trưởng VKS quân sự Quân khu 9).

Đại tá Phán kể: “Lý do tôi rút truy tố Nguyễn Ngọc về tội thiếu trách nhiệm..., thay bằng tội giết người là như trong bản luận tội, tôi đã trình bày rõ rằng Ngọc là người rất có trách nhiệm chứ không phải thiếu trách nhiệm. Vì sao? Vì ngay sau khi nghe tin Lữ Anh Dồi tổ chức bắt người vượt biên, Hùng lại báo cáo thành Dồi tổ chức đưa người vượt biên thì Ngọc ra lệnh “bắt sống không được thì bắn chết”. Rồi khi Hùng báo cáo việc bắn chết Thiếu úy Dồi, Ngọc lập tức đi ô tô xuống tận nơi kiểm tra và ra lệnh vùi xác ở bãi lầy. Tôi xác định Ngọc rất có trách nhiệm và đã chỉ đạo xuyên suốt trong vụ việc này. Thế nên phải truy tố tội giết người mới chính xác”.

Đại tá Phán tâm sự thêm: “Tôi thức gần như trắng đêm trước ngày xử để suy nghĩ thấu đáo. Cáo trạng công bố tại tòa không thể thay đổi nhưng quan điểm luận tội và việc rút tội này, thay bằng tội khác thì pháp luật thời đó không cấm nên tôi đã nghĩ đầy đủ để có bài luận tội thuyết phục”. Ông cũng cho biết không e ngại khi luận tội khác với cáo trạng về tội danh của Nguyễn Ngọc bởi: “Mình thực hiện quyền công tố tại phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với sự thật khách quan của vụ án thì không gì phải sợ”.

Điều đáng nói, cả luật sư bào chữa của hai bị cáo nhìn vào hồ sơ cũng thấy Nguyễn Ngọc phạm tội giết người chứ không phải thiếu trách nhiệm... Đại tá Hồ Minh Tiến kể: Trước ngày xử, ông thông báo cho luật sư biết sẽ xử Ngọc về tội giết người, luật sư đồng ý mà không có ý kiến gì thêm. Tại phiên tòa, luật sư chỉ xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo chứ không tranh luận về tội danh giết người của Nguyễn Ngọc. Trung tướng Trần Văn Độ (trực tiếp ngồi theo dõi phiên xử) cũng kể: “Trình bày bài bào chữa xong, luật sư không đợi tuyên án mà về luôn. Tôi hỏi tại sao, ông nhún vai: “Rõ hết rồi, nghe gì nữa!”. Tức là ngay tới luật sư bảo vệ cho Ngọc cũng không nghĩ rằng thân chủ của mình chỉ thiếu trách nhiệm...”.

Ba lần kháng nghị

Bản án sơ thẩm của Tòa án quân sự Quân khu 9 phạt Thái Văn Hùng án tù chung thân về tội giết người; Nguyễn Ngọc 15 năm tù về tội giết người, ba năm tù về tội vu khống, tổng hợp hình phạt là 18 năm tù đã không bị VKS cùng cấp kháng nghị. Tuy nhiên, VKS quân sự Trung ương đã kháng nghị, đề nghị tòa phúc thẩm thay đổi tội danh giết người thành thiếu trách nhiệm... đối với Nguyễn Ngọc.

Tháng 4-1989, Tòa án quân sự Trung ương xử phúc thẩm. Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa đã rút kháng nghị, đồng tình rằng Nguyễn Ngọc phạm tội giết người. Tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm, giảm cho Thái Văn Hùng xuống còn 18 năm tù về tội giết người. Riêng với Nguyễn Ngọc, tòa phạt 20 năm tù về tội giết người (tăng năm năm tù so với bản án sơ thẩm), ba năm tù về tội vu khống, tổng hợp hình phạt là 20 năm tù.

Nhưng vụ án chưa kết thúc! Viện trưởng VKSND Tối cao lúc đó là ông Trần Quyết (thời điểm xảy ra vụ bắn Thiếu úy Lữ Anh Dồi, ông Trần Quyết là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh CAND vũ trang) đã kháng nghị giám đốc thẩm, cho rằng Nguyễn Ngọc chỉ phạm tội thiếu trách nhiệm... và tội vu khống.

Trung tướng Trần Văn Độ nhớ lại: “Hồi đó, bác Nguyễn Huân, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, lo lắm vì quan điểm khác biệt quá với Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Quyết. Tôi được TAND Tối cao gọi sang. Tôi tranh luận rất căng với bên Tòa Hình sự TAND Tối cao. Hầu hết thẩm phán, chuyên viên bên đó đều cho rằng không đủ cơ sở kết luận Nguyễn Ngọc giết người mà chỉ thiếu trách nhiệm dẫn tới việc Hùng giết anh Dồi. Cuộc họp nào liên quan tới vụ này tôi đều được yêu cầu tham dự, báo cáo, nêu ý kiến và bảo vệ được quan điểm của Tòa án quân sự Trung ương là Nguyễn Ngọc phạm hai tội giết người, vu khống”.

Cuối cùng, Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao với thành phần là Chánh án TAND Tối cao Phạm Hưng cùng các phó chánh án TAND Tối cao đã bác kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm. Nhưng viện trưởng VKSND Tối cao tiếp tục kháng nghị giám đốc thẩm lần hai (pháp luật thời này cho phép). Lần này, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã họp giám đốc thẩm lần hai với thành phần là chánh án TAND Tối cao, các phó chánh án TAND Tối cao cùng một số thẩm phán và tiếp tục bác kháng nghị.

Nức lòng dân!

Theo Trung tướng Trần Văn Độ, về Minh Hải, ông nắm được tình hình dư luận bức xúc lắm. Báo chí địa phương cũng phản ứng rất dữ vì thấy Nguyễn Ngọc là nghi can chính mà vẫn nhởn nhơ ở ngoài... Tới phiên tòa sơ thẩm công khai tổ chức ở Nhà văn hóa thị xã Cà Mau, người dân kéo đến xem đông nghịt. “Những tràng pháo tay của hàng ngàn người theo dõi vang lên như sấm dậy ngay sau phần luận tội của kiểm sát viên. Khi Tòa án quân sự Quân khu 9 tuyên án Nguyễn Ngọc phạm hai tội giết người và vu khống, người dân đều hoan hô, phấn khởi. Thậm chí xe của Tòa án quân sự Quân khu 9 đi ra khỏi đó mấy chục cây số mà dân hai bên đường vẫn vỗ tay, vẫy cờ” - ông Độ kể.

“Khi chúng tôi đưa ra phán quyết, tất cả bà con đều hoan hô, đồng tình” - Đại tá Hồ Minh Tiến nhớ lại.

Ngoài ra, Trung tướng Trần Văn Độ cho biết ông thấy Tỉnh ủy Minh Hải lúc ấy ủng hộ điều tra, xét xử nghiêm minh. Đại tá Tăng Minh Phán, vị kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm, cũng cho biết ngay sau khi phiên tòa kết thúc đích thân bí thư Tỉnh ủy Minh Hải đã gặp ông cảm ơn. “Đồng chí bí thư bảo tôi: “Mày nói vậy là đúng, trung ương có kỷ luật thì về đây Tỉnh ủy, dân Minh Hải nuôi mày”. Tôi biết đó là lời tận đáy lòng của đồng chí bí thư...”. - Đại tá Phán kể.

__________________________________

Công lý đã được thực thi

Hiếm vụ nào xét xử nhanh và liên tục kháng nghị như vụ này. Trong vòng hai năm vừa sơ thẩm vừa phúc thẩm, rồi hai lần giám đốc thẩm. VKS truy tố, kháng nghị kiên trì theo hướng tội thiếu trách nhiệm... Kiểm sát viên tại tòa hiểu bản chất sự việc thay đổi tội danh truy tố thành giết người. Tòa kiên trì xử theo hướng tội giết người... Hồi đó tòa-VKS chế ước rất mạnh. Trong vụ này, không có việc “ba bộ đồng tình” mà ngược lại đấu nhau rất căng, nhất là về quan điểm, về đánh giá chứng cứ. Cuối cùng cũng bảo vệ được quan điểm của Tòa án quân sự Trung ương là Nguyễn Ngọc phạm hai tội giết người, vu khống dù VKSND Tối cao vẫn kiên trì là hai tội thiếu trách nhiệm... và vu khống. Điều quan trọng là công lý đã được thực thi.

Trung tướng TRẦN VĂN ĐỘ

NGHĨA NHÂN - GIA TUỆ

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/vu-an-lu-anh-doi-cuoc-chien-phap-ly-ve-toi-danh-642162.html