Vụ '2 cha con bị công an mời, dân tưởng bắt cóc': Liệu quy trình có vấn đề?

Đến hôm nay, thông tin về việc “2 cha con” bị mời trước cổng trường mẫu giáo tại Bình Thuận vẫn còn “loạn cào cào” trong cách dùng câu chữ. Báo nói bắt “truy nã” báo nói “mời”. Tuy nhiên, nhiều người sẽ đặt câu hỏi phải chăng quy trình có vấn đề?

Sáng 26/8, ông L.H.P lái xe hơi chở con đến trường mầm non thì có một nhóm người cũng đi trên xe hơi mang biển số TP.HCM xông đến đưa cả 2 cha con ông P. lên xe hơi của nhóm này chở đi từ Thị xã La Gi (Bình Tuận) theo hướng quốc lộ 1. Sự việc khiến người dân tưởng là bắt cóc nên đã báo cơ quan công an sở tại, điều tra truy tìm.

Theo Báo Tuổi Trẻ cho biết, hơn 13g cùng ngày, ông P. và con đã có mặt tại trụ sở Công an phường Tân Phú Q.7, TP.HCM cùng một tổ công tác của Công an một quận thuộc Hà Nội.

Theo nguồn tin, do ông Phong là đối tượng tình nghi có liên quan tới một tổ chức làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức mà cơ quan công an của Hà Nội đang thụ lý điều tra.

Một tổ công tác của Công an quận này đã “mời” ông P. đi làm việc nhưng không rõ vì sao có hành động như vậy.

Nhưng sau đó, theo Báo điện tử Dân Trí, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an, cho rằng, thực chất vụ bắt 2 cha con là một đội của Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bắt đối tượng truy nã.

Do tính chất vụ việc nên thông tin được giữ bí mật đến phút chót. Nhiều người dân chứng kiến vụ việc nghĩ là một vụ bắt cóc, đòi nợ nên đã báo công an. Chính Công an La Gi và Công an Bình Thuận cũng hiểu lầm đây là một vụ bắt cóc và tiến hành truy đuổi.

Chiều 26/8, tại trụ sở Công an phường Tân Phú (quận 7, TPHCM) tổ công tác của Công an TP Hà Nội vẫn đang câu lưu ông L.H.P. (36 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) để làm rõ những vấn đề liên quan, riêng cháu bé là con anh P. cũng đang có mặt tại đây.

Thông tin chính thức “bắt truy nã” hay “mời” còn chờ cơ quan có liên quan lên tiếng, nhưng để xảy ra câu chuyện “hiểu lầm” giữa lực lượng công an với nhau khiến người ta đặt câu hỏi, phải chăng có sự không chuẩn trong quy trình bắt người?

Khu vực hiện trường vụ "công an mời, dân tưởng bắt cóc". Ảnh: Dân trí

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư Tp HCM) phải thốt lên: “Vụ được cho là bắt cóc hai cha con ở La Gi (Bình Thuận) chỉ là chuyên án của một công an quận, mà báo chí thông tin loạn xì ngầu, báo nói "mời", báo nói "bắt theo lệnh truy nã", rồi giờ thì không nói gì hết...”

“Ngoại trừ bắt quả tang, các trường hợp khác, hành động đó của công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội khó mà đúng quy trình!”- Luật sư Nguyễn Kiều Hưng nhận định.

Còn theo luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư Tp Hà Nội), quy định tại Hiến pháp sửa đổi 2013, tại Khoản 2 Điều 20 có quy định “2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”. Điều đó có nghĩa việc bắt người của Công an phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 có quy định các trường hợp Công an được phép bắt người như sau: Bắt bị can, bị cáo để tạm giam, Bắt người trong trường hợp khẩn cấp, Bắt người phạm tội quả tang, Bắt người phạm tội đang bị truy nã. Nếu theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bắt ông P. là đối tượng truy nã. Bắt người phạm tội đang bị truy nã được hiểu là bắt người phạm tội đang lẩn trốn nếu đã có lệnh truy nã của cơ quan điều tra.

Nhưng việc bắt giữ này lại khiến cho công an sở tại phải truy tìm. Do đó, cần xem xét việc bắt của Công an quận Hai Bà Trưng có đúng quy trình, thủ tục hay không, đồng thời phải xem xét ông L.H.P có thuộc đối tượng truy nã không?

“Còn việc nhóm công an nếu giữ, khống chế, di chuyển con trai ông L.H.P từ Bình Thuận đến Tp HCM mà không được sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc không thông báo với công an và chính quyền sở tại, càng cần phải xem xét về dấu hiệu bắt giữ người trái pháp luật”- Luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.

Hồng Chuyên

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vu-2-cha-con-bi-cong-an-moi-dan-tuong-bat-coc-lieu-quy-trinh-co-van-de-post207536.info