Vụ 2 cha con bị 'bắt': Luật sư đề nghị Cục Điều tra vào cuộc

Cục Điều tra VKSNDTC cần vào cuộc để làm rõ, nếu nhóm cán bộ công an quận Hai Bà Trưng làm sai luật cũng cần phải xử lý đúng quy trình.

Vụ việc ông Lê Hồng Phong (ngụ Bình Thuận) bị Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bắt giữ vào sáng 26/8 khi ông này đang đưa con gái 4 tuổi đi học ở thị xã La Gi (Bình Thuận) khiến người dân tưởng đây là một vụ bắt cóc, sau đó mới được thông tin đây là chuyên án của công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang khiến dư luận bất bình.

Cổng trường mẫu giáo nơi xảy ra vụ việc (Ảnh: Gia Minh/Tuổi Trẻ)

Để hiểu rõ hơn về quy trình bắt người, mời người lên làm việc của cơ quan công an, Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, luật quy định, bắt người trong bất cứ trường hợp nào đều phải có lệnh bắt, trừ trường hợp phạm tội quả tang mới không cần lệnh.

Theo Điều 20 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể... Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án Nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang...”. Quyền tự do thân thể của công dân còn được cụ thể hóa bởi những quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự tại Điều 4 (đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân); Điều 62 (Việc bắt bị can, bị cáo để tam giam); Điều 63 (Việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp); Điều 64 (Việc bắt người trong trường hợp quả tang hoặc đang bị truy nã); Điều 68 (Tạm giữ); Điều 69 (Thời hạn tạm giữ); Điều 70 (Tạm giam) và Điều 71 (Thời hạn tạm giam).

Có thể nói trong các quyền tự do, dân chủ của công dân thì quyền tự do thân thể là quyền quan trọng hơn cả, nên tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là tội phạm nghiêm trọng hơn các tội phạm khác cũng xâm phạm đến quyền tự do, dân chủ của công dân.

Về hành vi của nhóm cán bộ công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội "bắt giữ" cha con ông Lê Hồng Phong, luật sư Quynh khẳng định đây là hành vi bắt, giữ người trái pháp luật. Bắt giữ người không có lệnh. Nếu là "mời" làm việc thì nhóm cán bộ này phải cùng với cơ quan chức năng ở địa phương phối hợp làm việc. Trong trường hợp của ông Phong, không có phạm tội quả tang thì hành vi bắt giữ cả hai cha con ông này dù với bất cứ lý do gì đã cấu thành tội “Bắt giữ người trái pháp luật” được quy định trong bộ luật Hình sự.

Cụ thể, tại Điều 123: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật:

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với người thi hành công vụ; d) Phạm tội nhiều lần; đ) Đối với nhiều người.

3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Luật sư Quynh đặt vấn đề: trường hợp của ông Phong có hay không dấu hiệu vi phạm khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự: Khi bắt giữ không có lệnh; Lợi dụng chức vụ quyền hạn; Có tổ chức; Đối với người thi hành công vụ; Đối với nhiều người.

Hành vi của Điều 123 Bộ luật Hình sự được định nghĩa như sau:

Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là hành vi bắt, giữ hoặc giam người không đúng pháp luật. Điều luật quy định ba hành vi phạm tội khác nhau, nhưng đều có cùng tính chất nên nhà làm luật quy định chung trong một điều luật. Tuy nhiên khi định tội cần chú ý:

- Nếu chỉ có hành vi bắt người trái pháp luật mà không có hành vi giữ hoặc giam trái pháp luật thì chỉ định tội là “bắt người trái pháp luật” mà không định tội như điều luật ghi: “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”;

- Nếu chỉ có hành vi giữ người trái pháp luật mà không có hành vi bắt hoặc giam người trái pháp luật thì chỉ định tội là “giữ người trái pháp luật”;

- Nếu chỉ có hành vi giam người trái pháp luật mà không có hành vi bắt hoặc giữ người trái pháp luật thì chỉ định tội là “giam người trái pháp luật”; - Nếu người phạm tội có vừa có hành vi bắt, vừa có hành vi giữ người trái pháp luật mà không có hành vi giam người trái pháp luật thì định tội “bắt giữ người trái pháp luật”;

- Nếu người phạm tội vừa có hành vi bắt vừa có hành vi giam người trái pháp luật mà không có hành vi giữ người trái pháp luật thì định tội là “bắt giam người trái pháp luật”;

- Nếu người phạm tội có cả ba hành vi bắt, giữ và giam người trái pháp luật thì định tội là “bắt giữ và giam người trái pháp luật”.

Đồng tình với quan điểm của nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao Phạm Công Hùng, luật sư Quynh đề nghị Cục Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cần sớm vào cuộc để làm rõ vụ việc. Ông Phong vi phạm pháp luật hình sự phải xử nghiêm nhưng phải đúng quy trình của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tương tự, nếu nhóm cán bộ công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có hành vi sai luật cũng cần phải xử lý đúng quy trình./.

Hà Thanh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/vu-an/vu-2-cha-con-bi-bat-luat-su-de-nghi-cuc-dieu-tra-vksndtc-vao-cuoc-544776.vov