VPSF 2017 thúc đẩy chương trình hành động khu vực kinh tế tư nhân

Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam - VPSF 2017 sẽ tập trung đối thoại trong ba lĩnh vực trọng tâm là nông nghiệp, du lịch và kinh tế số.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban cố vấn Diễn đàn VPSF, Chủ tịch Tập đoàn FPT trao đổi với phóng viên. (Ảnh: VPSF)

Theo kế hoạch, Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam (VPSF) năm 2017 sẽ diễn vào cuối tháng Bảy, với sự chủ trì và điều hành đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo bộ, ngành, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp và ngành nghề.

Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Với chủ đề "Từ Nghị quyết Trung ương 5 đến Chương trình hành động của Khu vực tư nhân Việt Nam", năm nay, các nhóm công tác sẽ tập trung đối thoại có trọng điểm vào các mục tiêu thúc đẩy của Chính phủ tại các ngành mũi nhọn: nông nghiệp, du lịch và kinh tế số.

Mục tiêu là hành động

Theo ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban cố vấn Diễn đàn VPSF, Chủ tịch Tập đoàn FPT, các doanh nghiệp tư nhân lên tiếng về những khó khăn và thách thức từ môi trường kinh doanh, vì vậy VPSF có trọng trách xây dựng kế hoạch, thực hiện và đẩy mạnh một môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng trong toàn xã hội.

Như vậy, trong khuôn khổ của Diễn đàn VPSF 2017, lần đầu tiên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ công bố khảo sát Bộ chỉ số Niềm tin Doanh nhân – CEO.CI, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Trên cơ sở đó, Bộ chỉ số Niềm tin Doanh nhân sẽ trở thành căn cứ quan trọng trong các hoạt động đối thoại công - tư tại VPSF 2017 và là yếu tố nền tảng cho các tuyên bố, kiến nghị, quan điểm của khu vực tư nhân Việt Nam tại Sách Trắng VPSF 2017 ra mắt cuối tháng Tám.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ôtô Trường Hải, đại diện Ban Cố vấn VPSF 2017 nhấn mạnh, “Diễn đàn tổ chức trong bối cảnh, vai trò kinh tế tư nhân được xác định trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Từ Nghị quyết Trung ương 5, Đảng đã nhìn nhận, đánh giá, xác định rõ vị thế, sứ mệnh, triết lý của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế.

Vì vậy tại VPSF 2017, khu vực tư nhân cần thảo luận, đối thoại để xây dựng ra những chương trình hành động, như đi từ chiến lược hành động tập trung vào cấu trúc nền kinh tế, cụ thể đi sâu vào kinh tế ngành, liên doanh, liên kết phát triển kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo… trở thành động lực hỗ trợ Chính phủ thực hiện mục tiêu kiến tạo phát triển kinh tế.”

Các nhóm công tác làm việc trước thềm Diễn đàn VPSF 2017. (Ảnh: VPSF)

Nông nghiệp quy mô lớn

Theo ông Trương Gia Bình, Việt Nam có nhiều vấn đề cần cải tiến và tháo gỡ, trên thực tế các doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên trong khuôn khổ Diễn đàn năm nay, nội dung làm việc sẽ chỉ tập trung vào một số vấn đề chính.

“Sau cuộc đối thoại cuộc năm 2016, số lượng doanh nghiệp làm nông nghiệp đã bùng phát. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế cũng bắt đầu vào cuộc. Một số doanh nghiệp Nhật Bản đang xây dựng các kế hoạch đầu tư trong nông nghiệp với quy mô vốn lên 500 triệu USD, không thua kém lĩnh vực công nghiệp,” ông Bình nói.

Song để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, nhóm công tác đề cập một số vấn đề còn tồn tại, như chính sách tích tụ đất đai quy mô lớn nhằm đẩy mạnh năng suất phục vụ xuất khẩu, chi phí kho vận (logistic) trong nước quá cao… Do đó, chuyên đề trao đổi tại VPSF 2017 sẽ hướng về các nội dung: Tổ chức lại hệ thống sản xuất trong nông nghiệp; Chính sách cho thị trường nông nghiệp; Nhân lực cho nông nghiệp thông minh.

Tháo gỡ du lịch

Việt Nam có điều kiện tự nhiên thiên, cảnh quan hấp dẫn du lịch, song số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam lại không tương xứng với tiềm năng, chưa kể đến tình trạng khách đến một lần và không quay trở lại.

Ông Hoàng Nhân Chính, Tổng Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch, Tổng Thư ký Nhóm công tác du lịch VPSF thẳng thắn chia sẻ, “Nghị quyết của Chính phủ đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, song đây là một nhiệm vụ khó khăn.”

Ông chính chỉ ra ba điểm nghẽn trong ngành du lịch Việt Nam, đó là cơ sở hạ tầng (bao gồm ngành du lịch và ngành giao thông), chính sách visa và hoạt động quảng bá. Việt Nam cần nâng chất lượng du lịch để giữ chân du khách. Điểm then chốt phải cải thiện môi trường du lịch, từ điểm đến tới cảnh thiên nhiên cần được giữ gìn.

Hiện nay, các hoạt động quảng bá trong ngành du lịch vẫn theo phương cánh truyền thống, như tổ chức hội chợ, in tờ rơi quảng cáo, truyền thông… Vì vậy, ông Chính cho rằng, trong thời đại công nghệ số, ngành du lịch cần tập trung vào hoạt động marketing online để phát triển thị trường.

“Ngoài ra, số lượng quốc gia miễn thị thực vào Việt Nam mới có 22 nước, trong khi cùng khu vực như Thái Lan, Singapore miễn thị thực cho từ 60 nước – 80 nước. Việt Nam đã thực hiện cấp visa trực tuyến, song cần có một thay đổi nhỏ mà rất cần thiết, đó là đổi tên miềm‘cucquanlyxnk.com’ vì chuỗi từ này khó nhớ và khó tìm kiếm,” ông Chính trao đổi.

Một nội dung rất quan trọng liên quan đến tất cả các ngành nghề, đó là sự tác động của công nghệ thông tin trong đời sống. “Cách mạng 4.0 đang đến với tốc độ sầm sập và rất đáng lo ngại, nếu Việt Nam không kịp vào cuộc thì hệ quả khó có thể lường,” ông Bình khẳng định.

Do đó, nhóm chuyên đề Kinh tế số cho biết, trong khuôn khổ VPSF 2017, các đại biểu sẽ trao đổi nội dung về thực thi Nghị quyết 36A về Chính phủ điện tử và Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Ứng dụng công nghệ thông tin bằng vốn ngân sách; Thành phố thông minh (Smartcity); Startup công nghệ và nhân lực ngành công nghệ thông tin./.

Ông Phan Vinh Quang, Phó giám đốc dự án của MBI (Mekong Business Initiative) – Ngân hàng Phát triển châu Á phát biểu.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/vpsf-2017-thuc-day-chuong-trinh-hanh-dong-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan/452452.vnp