Vòng tròn bình yên

Tổ máy số 3 (công suất 400 MW) của Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Lai Châu chính thức phát điện, hòa lưới điện quốc gia vào lúc 21h45 ngày 9/11/2016. Đây là tổ máy cuối cùng của Nhà máy. Ngày khánh thành NMTĐ Lai Châu không còn xa nữa. Dự án sẽ hoàn thành sớm hơn một năm so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Toàn cảnh gian máy NMTĐ Lai Châu.

Chúng tôi có mặt trong gian máy từ chập tối. Ngoài trời gió lạnh. Cả 2 ngày 8-9/11 mưa lắc rắc, lúc to lúc nhỏ. Mọi người dự đoán: một cơn lũ cuối mùa sắp về. Trong gian máy sạch bong. Hai tổ máy 1 và 2 quay đều. Kể từ khi phát điện (tổ 1 ngày 14/12/2015, tổ 2 ngày 20/6/2016), hai tổ máy đã sản xuất được 3, 5 tỉ kW/h, đóng góp vào ngân sách quốc gia 3 500 tỉ đồng. Chuẩn bị cho việc phát điện, kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Công ty Lắp máy 10 (LILAMA 10), các đơn vị tư vấn giám sát, thí nghiệm điện, vận hành… tỉ mỉ kiểm tra từng bộ phận, từng chi tiết của tổ máy, sẵn sàng cho giờ phút phát điện hòa lưới điện quốc gia… Giờ phút ấy bắt đầu: Máy chạy, vòng quay tua bin tăng dần… Kíp trưởng kíp vận hành dõng dạc thông báo từng con số. Trên tủ điều khiển, hai chấm đỏ-hồng (một của lưới điện quốc gia, một của tổ máy) quay đều, quay đều cho đến lúc chập làm một. Một chấm xanh lóe sáng cùng lúc với một tiếng nổ nhẹ. Dòng điện từ tổ máy số 3 đã hòa lưới điện quốc gia. Tiếng vỗ tay vang lên. Lúc này là 21h45 ngày 9/11. Tổ máy số 3 đã hòa lưới điện quốc gia sớm hơn hai tuần so với dự kiến.

Giây phút dòng điện tổ máy số 3 sắp hòa lưới điện quốc gia.

Trong giờ phút trang trọng, kỹ sư Phạm Hồng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án thủy điện Sơn La-Lai Châu, ôm chặt kỹ sư Nguyễn Đình Tình, Chỉ huy trưởng công trường lắp máy thủy điện Lai Châu của LILAMA 10. Đây cũng chính là đơn vị chủ công lắp đặt các thiết bị của 3 nhà máy thủy điện trên sông Đà: Hòa Bình – Sơn La – Lai Châu. Gần 40 năm đã trôi qua kể từ ngày Lắp máy 10 có mặt ở công trường xây dựng các NMTĐ trên sông Đà, nhiều lứa cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật LILAMA 10 đã trưởng thành, nhiều người đã nghỉ hưu, có người đã mất... nhưng truyền thống của đơn vị: năng suất cao, chất lượng cao, “đã bấm nút là khởi động-đã bấm nút là phát điện” vẫn được gìn giữ và phát triển.

Chiều 9/11, đứng trên đập dâng của NMTĐ Lai Châu, tôi nhìn kênh dẫn nước ra của nhà máy, lòng bâng khuâng. Nhớ một buổi sáng trong tháng 12/1988, cùng kỹ sư Trương Văn Tuyến, Phó Giám đốc Công ty lắp máy 3 (sau này được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động), đứng ở cửa nhận nước tổ máy số 1 NMTĐ Hòa Bình, đón chờ giờ phút mở cửa nhận nước tổ máy số. Cứ nghĩ rằng lúc cửa nhận nước mở, một dòng nước cuồn cuộn trút xuống, tạo thành một vũng nước xoáy. Nhưng không, mặt nước vẫn êm ả… Cứ chờ, cho đến khi kỹ sư Đặng Văn Vỵ, Giám đốc Lắp máy 10 điện thoại ra: cửa nhận nước đã mở, nước đã ngập tổ máy”.

Đập dâng NMTĐ Lai Châu.

Thiết kế hoàn hảo, xây lắp tuyệt vời “là cảm nhận của tôi giữ mãi cho đến hôm nay, khi đứng trên con đập cuối cùng của NMTĐ cuối cùng trên sông Đà, nhìn dòng nước sông Đà qua hai tổ máy, chảy về phía hạ lưu, chỉ tạo thành những vòng tròn nước bình yên, không làm kinh sợ đến đàn cò trắng đang đậu trên bức tường bê tông ngăn cửa nước ra với phần đập tràn phía hạ lưu.

Kết thúc xây dựng NMTĐ Hòa Bình, Phó Giám đốc Lắp máy 10, “vua cẩu chuyển” Nguyễn Huyền Chiệc được Đảng và Nhà nước ta tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Còn xây dựng Sơn La và Lai Châu, chỉ huy trưởng công trường lắp máy kỹ sư Nguyễn Thế Trinh cũng được tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động, một sự kế tục xứng đáng truyền thống của những người đi trước. Sau giờ phút tổ máy 3 phát điện, tôi hỏi Nguyễn Đình Tình: “Sau Lai Châu, Lắp máy 10 đi đâu?”. Tình cho biết: một bộ phận đã sang Lào làm thủy điện Nậm Nghiệp, còn lại sẽ tham gia lắp đặt thiết bị của các nhà máy nhiệt điện và một số công trình khác. Với bề dày kinh nghiệm, tôi tin là LILAMA 10 sẽ có sự chuyển hướng nhanh “hậu Lai Châu”.

Giám đốc BQL dự án tặng hoa kỹ sư Nguyễn Đình Tình.

Khi tổ máy số 3 phát điện, hầu hết mọi người có được ít phút thư giãn nhưng cũng còn nhiều người trên công trường thức, đón cơn lũ cuối mùa đổ về với lượng nước khoảng 1.800-2.000m3/phút. Sáng sớm hôm sau, gặp tôi, kỹ sư Phạm Hồng Phương báo tin vui: tổ máy số 3 phát điện đúng lúc. Bởi vì nếu đêm qua không phát điện, nhà máy buộc phải xả bớt nước ở lòng hồ để đón lũ. Theo đúng quy trình vận hành, cũng phải lùi lại dăm ba ngày nữa việc phát điện. Tổ máy 3 phát điện, không phải xả lũ nữa. Một công đôi ba việc. Chớp được thời cơ là điều không dễ. Ngoài sự quyết đoán của người chỉ huy, còn là sự phối hợp đồng bộ của các bộ phận trên công trường.

Sáng sớm 10/11, trời mưa nặng hạt. Lũ về nhưng phía hạ lưu nhà máy mặt nước vẫn tỏa những vòng tròn bình yên. Chợt nhớ tới những hồi trống giục người ra hộ đê. Chợt nhớ những ngày đêm tranh thủ đắp đê những ngày máy bay Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc. Đã qua rồi. Công cuộc trị thủy sông Đà mà Đảng và Chính phủ ta khởi xướng trong những năm chiến tranh, nay đã hoàn thành.

Trương Cộng Hòa

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/vong-tron-binh-yen.html