"Vòng luẩn quẩn" từ tình trạng ấm lên toàn cầu

Tình trạng nhiệt độ cao bất thường tại Bắc Cực trong mùa đông năm nay là kết quả của nhiều yếu tố như hiện tượng El Nino và những đợt gió ấm thổi lên phía Bắc từ khu vực Tây Âu và ngoài khơi bờ biển phía Tây của châu Phi.

Mùa đông năm nay nhiệt độ tại Bắc Cực đã cao bất thường.

Các nhà khoa học của Mỹ và châu Âu ngày 24/11 đã đưa ra nhận định trên. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản và chủ yếu vẫn là tình trạng biến đổi khí hậu gây ra bởi hiện tượng Trái Đất ấm lên.

Theo Viện Khí tượng Đan Mạch, từ cuối tháng 10/2016 đến nay nhiệt độ trung bình tại bề mặt của Bắc Cực luôn cao hơn từ 9-12 độ C so với mức trung bình trong 4 tuần trước đó.

Thậm chí, trong vài ngày vừa qua, nhiệt độ trên bề mặt Bắc Cực chỉ ở mức 0 độ C, cao hơn 20 độ C so với thời điểm giữa tháng 11 hàng năm, mức cao nhất từng được ghi nhận từ trước đến nay.

Theo các nhà khoa học thuộc Nhóm Khí hậu vùng cực của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh, tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra bằng các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã khiến nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng thêm 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, tốc độ ấm lên tại Bắc Cực đã diễn ra nhanh gấp đôi so với nơi khác, do hệ quả của cái gọi là "vòng luẩn quẩn" về biến đổi khí hậu. Tình trạng tan băng ở Bắc Cực là hệ quả của hiện tượng Trái Đất ấm lên, nhưng bản thân sự biến mất của các bề mặt băng tuyết ở vùng cực cũng sẽ đẩy nhanh tình trạng ấm lên toàn cầu và các lục địa lân cận.

Thông thường bề mặt băng và tuyết như một tấm gương khổng lồ che phủ bề mặt đại dương tại Bắc Cực sẽ phản xạ 80% bức xạ từ ánh sáng Mặt Trời, trong khi bề mặt đại dương không có băng tuyết che phủ lại hấp thụ đến 90% lượng bức xạ này.

Nói cách khác, diện tích bề mặt đại dương không được che phủ bằng băng tuyết càng lớn sẽ càng làm chậm lại quá trình tái tạo băng tuyết bị tan trước đó do nhiệt độ trong nước biển tăng lên.

Thông thường vào thời điểm này trong năm, phần lớn diện tích bề mặt đại dương tại Bắc Cực bị lộ ra vì băng tuyết tan chảy trong mùa Hè sẽ được che phủ trở lại, với tốc độ khoảng vài nghìn km2 mỗi ngày.

Tuy nhiên, năm nay hiện tượng này hầu như không xảy ra, hoặc nếu có thì cũng là với tốc độ thấp hơn mọi năm. Theo Trung tâm Quốc gia dữ liệu băng và tuyết (Mỹ), diện tích bề mặt băng ở Bắc Cực trong tháng 10 ở mức thấp kỷ lục, tương đương khoảng 6,4 triệu km2.

TTXVN/Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vong-luan-quan-tu-tinh-trang-am-len-toan-cau-20161125142823900.htm