Vòng luẩn quẩn rượu, bia - bạo lực gia đình

Rượu, bia - bạo lực gia đình là vấn nạn không chỉ tác động đến gia đình mà còn là vấn đề nan giải của xã hội. Vì vậy, cần có những giải pháp xã hội và giải pháp chính sách để đẩy lùi vấn nạn này.

Tình trạng rượu bia và bạo hành gia đình xuất hiện khá nhiều ở địa phương vùng cao. Ảnh minh họa: Internet

Tình trạng rượu bia và bạo hành gia đình xuất hiện khá nhiều ở địa phương vùng cao. Ảnh minh họa: Internet

Rượu, bia - nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bạo lực gia đình

Theo một khảo sát từ Trường Đại học Khoa học Huế tại xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, anh A. sau khi đi uống rượu say về đã vô cớ đánh vợ giữa nhà và dọa sẽ đốt nhà. Cuộc bạo hành khiến người vợ lo sợ và bị trầm cảm nhiều ngày sau đó. Một người đàn ông khác cũng tại xã Quảng Sơn, trong tình trạng trong người sặc hơi men khi tan cuộc nhậu, cộng với những lời bàn tán của bạn bè mình đã về đánh ghen với vợ bằng cách thượng cẳng chân, hạ cẳng tay khiến người vợ thâm tím mặt mày phải lánh về nhà bố mẹ đẻ.

Cũng tại huyện Quảng Trạch, xã Tân Lập qua 1 khảo sát về tình hình bạo lực tại 133 hộ gia đình thì có 14 gia đình thường xuyên có bạo lực.

Không chỉ phát sinh bạo lực ở gia đình, mà đáng nói một vài trường hợp cá biệt bạo lực còn xảy ra ở nơi công cộng như trường hợp một người đàn ông trong trạng thái say xỉn đánh vợ trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội) ngay ngày Mùng 1 Tết năm 2015...

Bạo lực gia đình theo những con số thống kê, khảo sát chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”. Trên thực tế, rất nhiều gia đình người vợ bị bạo hành nhiều năm, sống như trong “địa ngục trần gian” với những “con ma men” là người chồng vũ phu nhưng không dám lên tiếng, phản kháng mà chỉ âm thầm chịu đựng. Cuối cùng đến mức không thể chịu đựng nổi thì mới cầu cứu đến các mô hình như “ngôi nhà bình yên”, các tổ chức phụ nữ, hoặc chính quyền địa phương...

Theo con số thống kê của các tổ chức có trách nhiệm, thì tại Việt Nam, khoảng trên 60% bạo lực gia đình xuất phát từ say rượu hoặc lạm dụng rượu bia, ngoài ra còn dẫn đến các tệ nạn xã hội khác như: Cờ bạc, nghiện ma túy, ngoại tình...

Có một thực tế là nhiều hộ gia đình, nghèo đói, kinh tế khó khăn sinh ra những người chồng chỉ biết đến rượu, bia để “giải sầu” hoặc không ít trường hợp là vì nghiện rượu. Và, hậu quả của việc nghiện rượu, sử dụng đến mức lạm dụng rượu, bia trong nhiều trường hợp đã sinh ra bạo lực gia đình, dẫn đến gia đình mất hạnh phúc, tan vỡ, rồi người đàn ông lại tiếp tục tìm đến rượu, bia như một vòng luẩn quẩn.

Cách nào phá vòng luẩn quẩn rượu, bia - bạo lực

Theo các chuyên gia tư vấn về tâm lý, xã hội, để dẹp được vấn nạn này, chị em phụ nữ cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, đoàn thể xã hội để giải quyết. Đặc biệt, cần trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật, chủ động tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Khi rơi vào hoàn cảnh bị bạo hành thì cần phải tìm đến các cơ quan tư vấn; sự giúp đỡ của người thân, hàng xóm; các ban, ngành đoàn thể để kịp thời can thiệp, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Bên cạnh giải pháp giải quyết các vấn đề bạo lực nói chung, thì vấn đề kinh tế của gia đình là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới vòng luẩn quẩn rượu, bia và bạo lực, cần có giải pháp cải thiện. Thực tế, một số phụ nữ tham gia vào các mô hình “ngôi nhà bình yên” đã được học nghề, hỗ trợ cho vay vốn, chăn nuôi lợn để làm nghề hoặc gia tăng sản xuất, cải thiện thu nhập, thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, dần cải thiện được hạnh phúc gia đình và giúp chồng phụ giúp làm ăn, xa dần với nạn nghiện rượu...

Đối với những giải pháp chính sách, ông Nguyễn Phương Nam - đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam từng kiến nghị cần có 3 giải pháp kiểm soát tác hại của rượu, bia ở Việt Nam gồm: Có hệ thống chính sách và pháp luật đầy đủ nhằm kiểm soát tác hại của rượu, bia; tuyên truyền thường xuyên, liên tục về nguy cơ, hậu quả, biện pháp phòng ngừa và tăng cường năng lực cho công tác cưỡng chế thực thi các chính sách liên quan.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để phòng chống tác hại của rượu, bia thì cần tăng thuế với các sản phẩm rượu, bia và đồ uống có cồn nhằm giảm tiêu dùng và các hệ lụy, đồng thời tăng thu ngân sách cho Nhà nước. Cùng với đó, cần tăng cường các giải pháp kiểm soát sự sẵn có của rượu, bia; kiểm soát quảng cáo, khuyến mại rượu, bia, nhất là kiểm soát sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Hữu Oanh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/vong-luan-quan-ruou-bia-bao-luc-gia-dinh_t114c1159n111253