VỐN THỪA, VIỆC THIẾU DO ĐÂU?

Hàng nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước vay để đầu tư công đang dư thừa nằm im trong kho bạc mà vẫn phải trả tiền lãi, trong khi rất nhiều doanh nghiệp xây dựng thiếu việc làm, hàng trăm công trình chậm tiến độ. Nghịch lý này đang diễn ra, cản trở tiến trình phát triển của đất nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trên cả nước mới đạt 88,8 nghìn tỷ đồng, bằng 30,6% kế hoạch cả năm 2017. Trong đó, vốn do Trung ương quản lý đạt 19,5 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 29% kế hoạch năm. Vốn địa phương quản lý đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, bằng 31,1% kế hoạch năm. Thực tế, nhiều công trình có khối lượng thi công nhưng chưa hoàn thành các thủ tục giải ngân. Tiến độ giải ngân 5 tháng đầu năm cũng không đồng đều giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Có tới 20/44 bộ, ngành Trung ương và 4/63 địa phương, tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Như vậy, tiền vốn đã có, thậm chí đang dư thừa nhưng lại không tiêu được; trong khi hàng triệu lao động đang thiếu việc làm.

Tình trạng vốn đầu tư công giải ngân chậm không phải bây giờ mới diễn ra mà diễn ra từ khá lâu. Giữa năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã phải thành lập Tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016. Đến đầu quý IV, Chính phủ có hẳn một nghị quyết về vấn đề này. Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của năm 2017 (đợt 1) rất sớm. Tốc độ giải ngân đến thời điểm này tuy có cao hơn năm trước nhưng so với kế hoạch cả năm thì vẫn khá chậm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Đây cũng là một trong những vấn đề “nóng” nhất, được “mổ xẻ” kỹ nhất tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là do thủ tục đầu tư rườm rà phức tạp, quyết định đầu tư dự án không sát thực tế. Đặc biệt, quy trình thẩm định phê duyệt dự án theo Luật Đầu tư công (mới có hiệu lực thi hành) nhiều thủ tục hơn trước. Một số bộ, ngành, địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện Luật Đầu tư công. Một nguyên nhân nữa là do sự không thống nhất giữa các bộ trong phân bổ vốn cho các dự án. Thậm chí, có đại biểu Quốc hội đã đặt ra câu hỏi: "Có hay không cơ chế xin-cho trong việc phân bổ vốn?".

Ảnh minh họa/TTXVN

Phát biểu trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nhận trách nhiệm trước việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, đó là việc tham mưu cơ chế chính sách chưa đưa ra đầy đủ và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Bộ trưởng khẳng định: Vấn đề thất thoát, lãng phí trong đầu tư công đã được khắc phục một phần nhờ các luật và nghị định hướng dẫn mới, nhưng chưa triệt để và vẫn còn nhiều bất cập.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế kiến nghị Chính phủ cần phân cấp đầu tư mạnh hơn nữa. Các địa phương cần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Các cơ quan chức năng của Nhà nước khẩn trương rà soát bất cập trong văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Đầu tư công, nhất là các văn bản hướng dẫn về kiểm soát chi và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ; văn bản về việc lập, thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thiết kế dự toán xây dựng công trình. Đồng thời xử lý nghiêm minh cán bộ thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế hoặc đạo đức công vụ kém dẫn đến làm chậm tiến độ giải ngân, ảnh hưởng tới hiệu quả của dự án, gây lãng phí tiền của Nhà nước và bức xúc cho xã hội.

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/von-thua-viec-thieu-do-dau-510964