Vốn FDI giảm, có đáng lo?

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 11 tháng năm 2016 của cả nước hơn 18 tỷ USD, bằng 89,5% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó vốn FDI cam kết chỉ đạt 490 triệu USD, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, và đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp trong năm nguồn vốn FDI sụt giảm. Như vậy, gần kết thúc năm 2016, tình hình thu hút FDI của Việt Nam chưa có những đột phá để có thể đạt mục tiêu thu hút 23 tỷ USD.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thu hút FDI đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Đó là do tác động của tình hình kinh tế và tài chính thế giới biến động với sự kiện Brexit, đặc biệt là việc Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sẽ không thông qua Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); các nhu cầu trên thế giới về một số mặt hàng cũng giảm sút do đó các nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn, dẫn tới nguồn vốn FDI vào đầu tư tại Việt Nam giảm đi.

Song vốn FDI sụt giảm chủ yếu đến từ chính sách siết các dự án đầu tư nước ngoài có liên quan đến môi trường của Việt Nam. Điển hình là sự cố môi trường biển nghiêm trọng của Formosa gây ra ở khu vực miền Trung, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sụt giảm vốn FDI. Sự thận trọng của các địa phương là cần thiết và đã có nhiều địa phương lên tiếng khẳng định không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Thí dụ, tại TPHCM, FDI sụt giảm do định hướng năm 2016 của TP là thu hút đầu tư vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ lực, có sự chọn lọc nhà đầu tư. Đó là tín hiệu tích cực. Vì vậy, cũng có thể nói, FDI sụt giảm phần nào từ tư duy thu hút FDI của ta đã có thay đổi.

Hiện nay FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam thấp, công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, thu hút FDI chưa đạt được mục tiêu thu hút công nghệ (công nghệ cao, công nghệ nguồn) và chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, dù số vốn FDI sụt giảm nhưng lượng vốn được giải ngân trong 11 tháng qua lại không hề sụt giảm, tốc độ giải ngân vẫn duy trì tăng khá. Từ đầu năm đến nay, vốn giải ngân tiếp tục xu hướng tích cực với 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015 và bằng cả năm ngoái. Đây là cơ sở để kỳ vọng giải ngân vốn FDI năm nay đạt 16,5 tỷ USD.

Thực tế, hoàn toàn không có bất ngờ về nguồn vốn giải ngân FDI tăng trưởng mạnh trong 11 tháng qua. Tính từ năm 2010 đến nay, vốn FDI giải ngân 11 tháng liên tục tăng qua các năm, từ mức 9,95 tỷ USD năm 2010 lên tới 14,3 tỷ USD năm 2016 (trừ năm 2012 giảm nhẹ). Đây là kết quả của cả quá trình thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, xu hướng tăng vốn, mở rộng dự án của nhà đầu tư vẫn tiếp tục ổn định.

Số vốn giải ngân và số vốn điều chỉnh tăng thêm là 2 con số gắn chặt với nhau. Điều này nói lên lòng tin dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Riêng năm 2016, sau một thời gian dài chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng chuyển sang chất lượng, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch... Việt Nam đã thu hút được những nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Từ đó, góp phần làm cho dòng vốn FDI vào Việt Nam phát triển ổn định, thậm chí có bước đột phá.

Các dự án của LG tại Hải Phòng, Samsung tại Khu công nghệ cao TPHCM giải ngân đạt xấp xỉ 3,5 tỷ USD; dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn khoảng hơn 2 tỷ USD... là những dự án quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Những đóng góp của các dự án đã và sắp được đưa vào hoạt động rất quan trọng.

Giá trị gia tăng của các dự án này tăng cao hơn rất nhiều, cung cấp nhiều sản phẩm cho thị trường, giúp giá trị xuất khẩu tăng lên. Đặc biệt, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn có khả năng đi vào hoạt động năm 2017, sẽ là dự án quan trọng, tạo ra những nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm công nghiệp dệt, công nghiệp nhẹ, giảm nhập khẩu, cân bằng xuất nhập khẩu.

Việc thu hút vốn FDI 11 tháng qua giảm, thậm chí cả năm 2016 có thể giảm, thực sự không đáng lo nếu chúng ta tiếp tục giữ được tốc độ giải ngân dòng vốn này. Điều cần quan tâm là chọn được dự án FDI phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam, như ưu tiên phát triển công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, đầu tư vào khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo...

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161203/von-fdi-giam-co-dang-lo.aspx