Voi Yă Tao biểu tượng niềm kiêu hãnh của người Bắc Tây Nguyên

GD&TĐ - Theo thời gian, đại ngàn Bắc Tây Nguyên dần mai một khiến voi có nguy cơ chỉ còn trong ký ức.

Nhưng rồi may mắn thay, vẫn còn đó một người nặng lòng với voi - Ông Ksor Chăm (Sinh năm 1940, trú làng Plei Pa Kdranh, Chư Mố, Ia Pa, Gia Lai) - hiện là người sở hữu con voi cuối cùng của vùng đất Gia Lai và Kon Tum.

Con voi duy nhất của đại ngàn Bắc Tây Nguyên

Đến huyện Ia Pa, chúng tôi được người con trai của ông Ksor Chăm dẫn đi đường tắt, cắt rừng, để đến làng Plei Pa Kdranh nhanh hơn. Mặc dù vậy, chúng tôi phải đánh vật với con đường đất đá lởm chởm cả tiếng đồng hồ mới tới được nhà Ksor Chăm. Căn nhà gỗ dài đậm chất Tây Nguyên nằm nép mình dưới dãy núi hùng vĩ, phía xa xa có con suối Ia Tul uốn lượn bao bọc.

Bước xuống cầu thang trong căn nhà gỗ dài, ông Ksor Chăm vẫn rất nhanh nhẹn bắt tay, mời chúng tôi vào nhà uống nước. Mặc dù đã bước sang tuổi 76, nhưng sức khỏe dường như còn cách xa tuổi tác.

Uống ngụm trà nóng, Ksor Chăm - người quản tượng hiếm hoi còn sống tại mảnh đất Bắc Tây Nguyên bắt đầu những câu chuyện về huyền thoại mảnh đất đại ngàn, về những người quản tượng từng được coi như biểu tượng của sức mạnh đầy tự hào của Tây Nguyên.

Câu chuyện thêm sôi nổi, khi nhắc đến chú voi Yă Tao đã hơn 50 tuổi đời, Ksor Chăm nói với giọng rất tự hào: “Giờ đây, Yă Tao là con voi duy nhất của mảnh đất Bắc Tây Nguyên. Yă Tao sống với gia đình già (chỉ Ksor Chăm – PV) đã mấy chục năm nay, như một thành viên không thể thiếu trong nhà.

Nó giờ chỉ sống quanh quẩn xung quanh nhà, làm bầu bạn với già. Những lúc nhớ rừng, hay bị bệnh, Yă Tao được các con già dẫn vào rừng sâu, vừa tìm thuốc chữa, vừa cho nó tìm kiếm thức ăn.”

Dẫn chúng tôi ra thăm Yă Tao được thả sau nhà, khi thấy Ksor Chăm con voi đưa cái vòi dài lên thể hiện sự vui mừng. Mặc dù là con voi duy nhất, nhưng Yă Tao là con voi nhanh nhẹn, khá gần gũi.

Đứng cạnh con voi của mình, ông Ksor Chăm ra hiệu bằng những động tác và cứ thế Yă Tao ngoan ngoãn nghe theo. Ksor Chăm với giọng đầm ấm bắt đầu kể về nguồn gốc của voi Yă Tao:

Từ khi sinh ra ở mảnh đất bốn bề là núi, già đã thấy ông nội rồi cha của mình đã nuôi voi. Hồi đó, cứ nhà nào nhiều voi là chứng tỏ được vị thế trước cộng đồng, thể hiện sự giàu có, địa vị bề trên.

Tuy nhiên, khi lớn lên rồi lập gia đình, già không được thừa kế con voi nào cả. Những năm 1970, già sang tận Buôn Đôn (Đăk Lăk) mua 1 con voi đực với số tiền khoảng 1,2 triệu đồng lúc bấy giờ. Con voi này được gia đình đặt tên là Bạk Xôm.

Chú voi Bạk Xôm rất mạnh mẽ, ngoài lên rừng chở gỗ, nó còn chở các thành viên gia đình đi khắp các buôn làng. Tuy nhiên, thấy nó sống một mình, Ksor Chăm quyết định mua thêm một con voi cái về làm bạn. Ông cất công sang tận Buôn Đôn (Đăk Lăk) để chọn voi.

Đi rong ruổi suốt mấy ngày trời vẫn không tìm mua được con voi ưng ý. Đang chuẩn bị khăn gói về lại buôn làng của mình, thì Ksor Chăm được một người địa phương dẫn tới xem con voi nhà mình. Vừa nhìn thấy Yă Tao, Ksor Chăm đã ưng cái bụng.

Tuy nhiên, để có thể đưa Yă Tao về với núi rừng hùng vĩ ở buôn thì không dễ chút nào. Chủ của voi Yă Tao đòi đổi cả 150 con bò. Sau 1 thời gian, ông cũng gom đủ và mang Yă Tao về với làng voi Chư Mố. Từ đây đôi bạn voi Bạk Xôm và Yă Tao trở thành trợ thủ đắc lực cho gia đình Ksor Chăm.

Được ít năm sau khi đưa Yă Tao về, những cánh rừng đại ngàn xanh tốt ở Chư Mố dần bị con người hủy diệt. Mất đi rừng đồng nghĩa thức ăn cho voi khan hiếm, gỗ cũng không còn, voi làng Chư Mố thứ thì chết, thứ thì bị bán đi.

Ngay cả chú voi Bạk Xôm cũng bỏ Yă Tao và Ksor Chăm ra đi. Đến nay, ngoài Yă Tao đã lớn tuổi, trong làng và cả Bắc Tây Nguyên sạch bóng voi nhà. Làng voi Chư Mố giờ chỉ còn trong ký ức của các già làng.

Trả tiền tỷ cũng không bán voi

Biết được nhà Ksor Chăm sở hữu voi, lâu nay, rất nhiều người đến hỏi mua voi Yă Tao. “Nhiều người lắm, có cả người nước ngoài hỏi mua Yă Tao.

Cách đây ít năm, có công ty du lịch hỏi mua giá 1,5 tỷ nhưng già đã từ chối. Không phải già chê tiền mà ai nỡ bán đi 1 thành viên trong gia đình.

Voi không chỉ là một tài sản lớn mà là con vật linh thiêng, là niềm kiêu hãnh của dòng họ, buôn làng. Già nhất quyết sẽ không bán, sau này già có mất đi sẽ để lại cho con cháu nuôi.

Ước nguyện lớn nhất của già lúc này là mong sao tìm cho Yă Tao được một chú voi, với hi vọng Yă Tao sẽ sinh được chú voi con. Như thế, làng voi Chư Mố sẽ không lo bị xóa sổ voi.

Rời nhà Ksor Chăm, chúng tôi vẫn không quên được hình bóng voi Yă Tao. Với khoảng 50 tuổi, Yă Tao không chỉ minh chứng cho một thời hùng vĩ của mảnh đất Bắc Tây Nguyên, một thời bạt ngàn rừng xanh, tràn đầy muông thú…

Mà Yă Tao cũng chính là “nhân vật lịch sử” minh chứng cho sự đổi thay của thời cuộc, khi những cánh rừng tưởng chừng như bất tận đã “biến mất”, muông thú cũng bị tiêu diệt dần; và đã mấy chục năm qua, Yă Tao sống trong sự cô quạnh, dường như chỉ mình Yă Tao tồn tại trên cõi đời. Bởi, Yă Tao là con voi duy nhất còn sót lại trên mảnh đất Bắc Tây Nguyên này.

Voi Yă Tao hàng ngày vẫn được đưa đi tìm thức ăn.

Người con rể của ông Ksor Chăm và voi Yă Tao

Ksor Chăm sống khó khăn, nhưng có người hỏi mua tiền tỷ con voi ông vẫn không bán

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/voi-ya-tao-bieu-tuong-niem-kieu-hanh-cua-nguoi-bac-tay-nguyen-2499407-c.html