Với số đơn hàng tăng 'khủng khiếp' trong kỳ nghỉ, công nghệ đã cứu Amazon khỏi 'lụt'

Để chuẩn bị cho cơn bão mua sắm đợt nghỉ lễ, 'gã khổng lồ bán lẻ Amazon' đã sử dụng nhiều công nghệ tân tiến, từ màn hình cảm ứng đến robot để rút ngắn thời gian đào tạo những công nhân mới tuyển từ 6 tuần như thường lệ xuống còn 2 ngày.

Thời gian đào tạo càng ngắn, Amazon càng tiết kiệm được nhiều tiền và có thể sử dụng món tiền đó để chào mời các công nhân thời vụ với một mức lương cao hơn. Chính vì thế, trong dịp nghỉ lễ tháng 11 và 12, Amazon đã tăng quy mô lao động của mình lên 40% bằng cách tuyển thêm 120.000 nhân công thời vụ.

Điều khó khăn là Amazon cùng lúc đó phải cạnh tranh và thu hút nhân công từ đối thủ bán lẻ Wal-Mart Stores và các công ty giao hàng như United Parcel Service Inc. Tất cả những công ty này đều “khát” nhân viên trong dịp nghỉ lễ.

Tom Bianculli, Giám đốc công nghệ tại Zebra Technologies Corp, công ty chuyên hợp tác với những nhà bán lẻ này cho biết: “Các công ty này phải đấu với nhau trong một thị trường lao động”.

Đối với Amazon, kết quả của cuộc chiến là cực kỳ quan trọng bởi công ty này sở hữu một trong những mạng lưới kho vận lớn nhất thế giới và cần rất nhiều nhân viên thời vụ trong thời gian cao điểm.

Doanh thu tăng nhanh, tỉ lệ thất nghiệp thấp, mức lương của các nhân công lao động phổ thông tăng lên đã khiến Amazon buộc phải nhanh chóng thu hút được các lao động thời vụ, một phần là nhờ quá trình đào tạo nhanh chóng, đơn giản và linh hoạt cho những người mới được tuyển. Tại Amazon cũng như các công ty tương tự khác, những nhân công như vậy chỉ làm việc trong khoảng 6 tuần tới 3 tháng cho tới Tết tại các mảng như lái xe nhấc hàng, lựa chọn hàng theo đơn và giao hộp.

Amazon cũng nhanh chóng tăng số lượng nhân viên làm việc toàn thời gian. Công ty giữ lại 14% số nhân viên thuê được trong năm ngoái bằng cách cung cấp những đặc quyền cho các công nhân làm việc tại kho và chấp nhận không bỏ việc trong vòng 1 năm, ví dụ như trả trước học phí .

Một trong những ưu tiên của công ty trong quý nghỉ lễ đó là “công nghệ làm được những gì để giúp các nhân viên làm việc hiệu quả và an toàn nhất có thể?”, ông John Olsen, Phó Chủ tịch nhân sự Amazon cho biết. Doanh số trong mùa nghỉ lễ của Amazon đã tăng lên 27% so với năm ngoái ở mức 45,5 tỷ USD.

Chỉ riêng trong năm nay, Amazon đã xây dựng thêm 26 kho hàng mới, nâng tổng số kho hàng của công ty trên toàn thế giới lên 149. Trong khi đó, Wal-Mart cũng mở thêm 10 kho hàng trong vòng 2 năm trở lại đây để đè bẹp những công ty thương mại điện tử nhỏ lẻ cùng với 80 kho hàng trước đó của hãng có khả năng chuyển hàng trực tiếp cho người mua. Các công ty bán lẻ và thương mại điện tử nhỏ khác chỉ có 3, 4 kho hàng tại Mỹ và tập trung ở những nơi đông dân.

"Những kho hàng mới của Amazon sử dụng triệt để công nghệ tự động hóa, ví dụ như màn hình, robot, máy quét và các công nghệ khác để tăng tốc độ làm việc của các công nhân", ông Olsen chia sẻ. Những người mới được đào tạo ở Amazon được đào tạo trực tiếp ngay trong ngày đầu tiên vào làm. Ngay trong kho hàng, những người này được học cách đóng gói hàng và được hướng dẫn thông qua một màn hình, giúp họ biết cỡ hộp nào nên được sử dụng và tự động cắt băng dính sao cho phù hợp. Trái lại, trong những kho hàng thông thường, các nhân viên mới thường dành trọn ngày đầu đi làm trong những lớp đào tạo.

Sự khác biệt này có thể đã tạo cho Amazon một thế mạnh. Ông Brian Devine, Phó Chủ tịch cấp cao của công ty hậu cần ProLogistix nói: “Kết quả là một nhân viên sẽ gặp ít vấn đề hơn khi quy trình đào tạo ngắn”.

Tại một nhà kho điển hình của Amazon, hai ca làm việc liên tục 24 giờ khi những ngày nghỉ lễ tới gần. Mỗi nhân viên phải di chuyển hàng hóa đi khoảng gần 13km mỗi ngày trong những mê cung dọc ngang khu nhà kho. Trong những khu nhà kho mới xây, robot xuất hiện ở khắp nơi và những khu vực này thì cần nhiều người chịu trách nhiệm quản lý hơn nhưng hiệu suất làm việc cao lại hơn vì thế họ có thể xử lý được nhiều đơn hàng.

Ở một trung tâm của Amazon ở Dupont, Washington, một cánh tay robot màu vàng đang di chuyển những kiện hàng lên tầng 2 để một công nhân đã được đào tạo qua khóa học an toàn lao động đỡ lấy mà không lo bị đau lưng. Một con robot khác màu cam di chuyển nhanh hơn con người nhanh nhẹn bê các kệ hàng đến các điểm đặt để công nhân có thể nhận lấy. Màn hình cho công nhân biết những món đồ được đem đến trông như thế nào và nên đặt ở đâu trên giá một cách nhanh chóng và chính xác.

Trong khi đó tại những kho hàng thông thường, các nhân công buộc phải ghi nhớ các vị trí trong kho hàng thông qua những con số và sau đó tìm xem số đó ở đâu để đặt hàng. Còn ở những kho hàng mới, các công nhân chỉ cần quét mã vạch và địa điểm đặt món hàng sẽ tự động phát sáng, giúp nhân viên nơi nào cần ra lấy hàng để chuyển đi.

Ông Olsen kết luận: “Công nghệ đi cùng bạn qua từng bước. Nó tự động hóa gần như tất cả mọi thứ”.

Lê Kiên (Theo WSJ)

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/voi-so-don-hang-tang-khung-khiep-trong-ky-nghi-cong-nghe-da-cuu-amazon-khoi-lut-146294.ict