'Vỡ trận' vì dân số

Thành phố bị kẹt xe, ô nhiễm, trường học chật chội, bệnh viện ngột ngạt… Tại TPHCM, hầu như xới vào bất cứ lĩnh vực gì cũng đều dính căn bệnh quá tải! Vì sao vậy? Chúng tôi xin cung cấp thêm một góc nhìn khác.

Voi mặc áo kiến?

Trong một lần làm việc với chúng tôi, lãnh đạo xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, than trời: Vấn đề lớn nhất của xã là đối mặt với sức ép xây dựng không phép - trái phép, điệp khúc xây - đập chưa bao giờ dứt. Nguyên nhân chủ yếu là dân số tăng quá nhanh, dân nhập cư tăng đều đặn hàng năm 7.000 - 9.000 người, gần gấp đôi huyện Cần Giờ! Góc nhìn tổng thể, 9 tháng đầu năm nay, huyện Bình Chánh đội sổ so với các quận, huyện khác của TP trong việc kỷ luật cán bộ vì vi phạm quản lý đô thị: ban hành 29 quyết định kỷ luật cán bộ! Giải thích của ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cũng không ngoài vấn đề dân số: “Từ năm 2004 tách huyện đến nay, một năm huyện tăng dân số 33.000 người - tương đương quy định dân số một đơn vị xã phường; từ 240.000 dân nay lên 625.000 dân. Hàng loạt xã trở nên quá tải, vượt quy mô dân số gấp 3 lần một phường trong nội thành như xã Vĩnh Lộc B trên 100.000 dân, Vĩnh Lộc A 114.000 dân, hoặc ít như xã Bình Hưng thì cũng đã xấp xỉ 80.000 dân!”.

Việc tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến kẹt xe, ô nhiễm,
trường học chật chội, bệnh viện ngột ngạt….

Dân số tăng nhanh vượt ngưỡng quy hoạch cũng diễn ra ở các quận khác. Tại cửa ngõ phía Bắc của TPHCM, dân số quận 12 tăng thật ấn tượng. Theo quy hoạch chung được TP phê duyệt, đến năm 2020, dân số của quận 12 là 500.000 dân, thì nay - năm 2016, theo báo cáo của Phòng Quản lý đô thị là đã trên 500.000 người! Dân số tăng nhanh đẩy tốc độ đô thị hóa trượt theo, dẫn đến vấn đề xây dựng không phép, trái phép xảy ra phức tạp; trong 9 tháng qua có 56 trường hợp xây nhà sai phép, 108 trường hợp xây nhà không phép. Đặc biệt, đối với công tác cấp giấy chứng nhận nhà đất của người dân, hồ sơ giải quyết trễ hạn lên đến 1.415 trường hợp, đứng thứ tư bảng xếp hạng của 24 quận, huyện tính từ dưới lên.

Tuy là quận nội thành nhưng Bình Thạnh cũng rơi vào tình cảnh tương tự các quận, huyện ven nêu trên. Theo quy hoạch đến năm 2020, quy mô dân số của quận Bình Thạnh là 560.000 dân, nhưng hiện nay, theo số liệu thống kê (có hộ khẩu thường trú và diện KT3) là khoảng 480.000 người, số dân vãng lai và tạm trú khoảng 80.000 người, như vậy tổng dân số thực tế đã lên đến 560.000 người, chạm ngưỡng dự kiến vào năm 2020! Dân số tăng nhanh có nguyên nhân do quận đã tiếp nhận nhiều hộ dân tái định cư của các dự án trọng điểm từ khu vực trung tâm TP trong những năm trước đây. Nhưng chưa hết, chỉ một vài năm tới, với hàng chục ngàn căn hộ hoàn thành của các đại dự án đang xây dựng, quận Bình Thạnh sẽ thu hút ít nhất thêm 60.000 dân. Chiếc áo của quận Bình Thạnh trở nên quá chật chội, ngột ngạt!

Giải pháp tình thế

Về hạ tầng, đụng đâu cũng chỉ là giải pháp tình thế, như trường hợp quận 7 là ví dụ. Hiện nay vào giờ cao điểm, từ khu đô thị Phú Mỹ Hưng muốn vào trung tâm TP phải mất không dưới một giờ đi bằng ô tô. Tuyến đường chính, từ nút giao thông đường Nguyễn Văn Linh - đường Nguyễn Hữu Thọ rồi nối qua cầu Kênh Tẻ, sang trung tâm TP, xe cộ nối đuôi nhau nhích từng bước. Đó là vào ngày may mắn, còn nếu rơi vào những hôm xui xẻo, xảy ra sự cố giao thông thì xe cộ gần như nêm nhau chật cứng! Vừa qua, TP đồng ý đầu tư 1.250 tỷ đồng để xây dựng cầu Nguyễn Khoái (quận 4) bắc qua khu dân cư Him Lam (quận 7) chia lửa cho cầu Kênh Tẻ.

Tuy nhiên, mới đây trong buổi họp với Ban Pháp chế HĐND TP, ông Đào Gia Vượng, Phó Chủ tịch UBND quận 7, nhận xét: “Hạ tầng của quận bị quá tải vì tăng dân số cơ học, tốc độ nhà dân xây mới nhanh hơn phát triển hạ tầng giao thông, việc xây dựng cây cầu này chỉ mang tính tạm thời!”. Nhận xét này là chính xác, bởi trung bình mỗi năm quận 7 có khoảng 2.000 căn nhà xây mới, khu đô thị Phú Mỹ Hưng đều đặn bung ra hàng ngàn căn hộ, rồi các dự án khác dọc đường Nguyễn Hữu Thọ mọc lên như nấm… Hàng chục ngàn căn hộ sẽ hình thành trong thời gian rất ngắn sắp tới trên địa bàn quận 7!

Mặc dù nhiều quận, huyện bị tăng dân số cơ học vượt ngưỡng nhưng có nhiều hoài nghi giữa thực tế và con số công bố. Ngay cả quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2013 (quy mô dân số đến năm 2015 đạt 8,2 triệu người, năm 2020 đạt 9,2 triệu người và năm 2025 đạt 10 triệu người), có chuyên gia cho rằng đã trở nên lạc hậu. Trong khi đó, theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, từ trước đến nay, số liệu quy mô dân số của TP dựa trên số liệu thống kê chính thức, nên chưa bao hàm đầy đủ số cư dân vãng lai và tăng cơ học. Mặc dù không tính đến số lượng rất lớn người nhập cư chưa có hộ khẩu thường trú hoặc KT3, nhưng cư dân này vẫn thường xuyên cư ngụ và góp phần vào sự phát triển, cũng như tạo áp lực lên quá trình phát triển đô thị và nhu cầu nhà ở của TP!

Rõ ràng nếu không có cách nhìn và cư xử đúng mực trong vấn đề dân số, TP sẽ rất khó hoạch định chiến lược phát triển đúng hướng. Nếu cứ tiếp tục làm như lâu nay, lấy mốc dân số “khiêm tốn” rồi vạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội chắc chắn sẽ bị sai lệch, căn bệnh đô thị không bao giờ được xử lý căn cơ, mà cứ phải trong tình trạng theo đuôi mãi mãi!

LƯƠNG THIỆN

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161122/vo-tran-vi-dan-so.aspx