Vô tình khiến trẻ sinh bệnh vì tẩm bổ quá mức

Cứ ngỡ rằng càng ăn đồ bổ dưỡng càng tốt, bố mẹ “bất chấp” tất cả để tẩm bổ cho con mà không biết rằng việc làm này hại nhiều hơn lợi.

Sinh bệnh vì ăn quá nhiều

Luôn sợ con thấp còi, không đủ dinh dưỡng là tâm lý thường thấy ở những bậc làm cha mẹ. Đó là lý do vì sao khi chế biến các bữa ăn hàng ngày cho trẻ, chúng ta thường có xu hướng bổ sung thật nhiều thịt, tôm, cá... Trong khi cha mẹ luôn lo lắng con không đủ chất thì các chuyên gia dinh dưỡng lại cảnh báo tình trạng trẻ thừa cân, béo phì, thậm chí là sinh bệnh vì ăn quá nhiều đạm đang ngày càng gia tăng.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì có xu hướng gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Một phần dẫn đến tình trạng này là do trẻ ít được tham gia các hoạt động ngoài trời, song phần lớn là do chế độ dinh dưỡng mất cân bằng. Nếu như ngày trước, mất cân bằng dinh dưỡng chủ yếu do thiếu đạm thì ngày này, nó lại là do thừa đạm. Thực tế, nhiều gia đình khi cho trẻ ăn, chỉ chú trọng vào 2 nhóm thực phẩm chính là: tinh bột, chất đạm mà xem nhẹ nhóm chất xơ. Điển hình, nhiều gia đình thậm chí chỉ cần con ăn no thức ăn là đủ.

Theo bác sĩ Hoàng Chính, Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, tình trạng ăn quá nhiều chất đạm này đã dẫn đến thừa cân, béo phì ở nhiều mức độ. Béo phì không chỉ khiến trẻ mặc cảm, xấu hổ với bạn bè xung quanh mà nó còn là nguyên nhân gây ra các bệnh nguy hiểm khác như: máu nhiễm mỡ, tiểu đường… Không chỉ vậy, sự dư thừa đạm còn khiến đường tiêu hóa không thể hấp thu hết, dẫn đến tình trạng rối loạn đường tiêu hóa với biểu hiện điển hình là táo bón. Đặc biệt, nó cũng khiến thận phải làm việc vất vả để tiêu hóa, nguy hiểm hơn là dư thừa nồng độ protein trong nước tiểu.

Ăn bao nhiêu đạm là đủ?

“Ăn bao nhiêu đạm là đủ?” - Đây là câu hỏi khiến không ít các bậc phụ huynh băn khoăn. Tuy nhiên, trên thực tế, các chuyên gia cho rằng lượng đạm mà cơ thể trẻ cần mỗi bữa ăn ít hơn rất nhiều số lượng mà chúng ta bổ sung thực tế mỗi ngày. Cụ thể, trẻ từ 6-12 tháng tuổi cần từ 23-25g; trẻ từ 1-3 tuổi cần từ 28-30g; trẻ từ 4-6 tuổi cần từ 36-40g; trẻ từ 7-9 tuổi cần từ 40-45g và trẻ trên 10 tuổi có nhu đạm là 50-60g.

Một câu hỏi nữa được đặt ra là làm thế nào để có thể ước tính lượng đạm chính xác cho từng loại thực phẩm? Chắc chắn sẽ không có một công thức chung, thế nên việc duy nhất bạn có thể làm được là ghi nhớ các thông tin. Chẳng hạn, hàm lượng đạm trong 100g thịt lợn hoặc thịt bò, thịt gà nạc là 20-21g; cá, tôm cua (đã trừ phần thải bỏ) là 16-18g; trứng gà (vịt) 13-14g.

Bên cạnh nguồn đạm động vật trên, chúng ta cũng nên bổ sung xen kẽ các loại đạm thực vật, tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý rằng: vì trẻ đang trong độ tuổi tăng trưởng nên hàm lượng đạm động vật vẫn nên ưu tiên hơn cả. Đạm thực vật tưởng khó tìm, song nó lại rất phổ biến. Cụ thể, bạn có thể cho trẻ ăn thêm các loại hạt như: lạc, đậu tương, vừng…

“Tình trạng ăn quá nhiều chất đạm này đã dẫn đến thừa cân, béo phì ở nhiều mức độ. Béo phì không chỉ khiến trẻ mặc cảm, xấu hổ với bạn bè xung quanh mà nó còn là nguyên nhân gây ra các bệnh nguy hiểm khác như: máu nhiễm mỡ, tiểu đường… Không chỉ vậy, sự dư thừa đạm còn khiến đường tiêu hóa không thể hấp thu hết, dẫn đến tình trạng rối loạn đường tiêu hóa với biểu hiện điển hình là táo bón”.

Bác sĩ Hoàng Chính (Bệnh viện Đa khoa Trí Đức)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/vo-tinh-khien-tre-sinh-benh-vi-tam-bo-qua-muc/735493.antd