Võ thuật Miêu tộc: Những thủ pháp diệu kỳ (2)

(Kiến Thức) - Do lịch sử hàng ngàn năm chạy loạn nên chiêu thức của võ thuật Miêu gọn gàng, linh hoạt, không hoa mỹ và mang tính triệt hạ rất cao.

Phần 2: Những thủ pháp độc đáo của võ thuật Miêu tộc

Võ thuật Miêu tộc có tính chất đơn giản, thô kệch trong phong cách mang đặc điểm ngôn ngữ người lao động. Do lịch sử hàng ngàn năm chạy loạn, luôn bị trấn áp nên chiêu thức của võ thuật Miêu gọn gàng, linh hoạt, không hoa mỹ và mang tính triệt hạ rất cao.

Đặc điểm tên gọi động tác võ thuật Miêu

Thủ pháp của quyền Miêu, trang pháp (tấn), bộ pháp, động tác... cho đến cả bài võ đều dùng tiếng Miêu đặt tên, phản ánh rõ nét đặc điểm ngôn ngữ dân tộc Miêu. Ví dụ: "Tả cheo oa pao mỉ" (nghĩa Trung Quốc là "Hầu tử bài bao cốc": Con khỉ rẽ bao gạo); "Pa hoa méo" (cá giếc); "Qua la dưa tua" (dây leo quấn cây), "Cẩu tung phấn díu" (Xuy Vưu quyền)... Các tên gọi này lấy theo các động tác tương tự về hình ý trong sinh hoạt và sản xuất của nhân dân Miêu.

Cho dù một số tên gọi xưa kia từng dịch thành từ tiếng Hán nhưng vẫn giữ được tiếng Miêu đặc biệt là sự đơn giản, thô kệch trong phong cách mang đặc điểm ngôn ngữ người lao động.

Đặc điểm thủ pháp giao đấu

Về thủ pháp giao đấu của võ công Miêu tộc ít có động tác đánh người trước mà là trong phòng ngự có tấn công, lấy phòng làm chủ, phản ánh rõ ràng là trong lịch sử lâu đời của mình, dân tộc Miêu toàn bị áp bức, kỳ thị nên chỉ mong yên thân giữ mạng, không hề có ý khoa trương hay xâm phạm người khác.

Võ công dân tộc Miêu có thuyết "Ba mươi sáu công, bảy mươi hai phòng" và kỹ xảo "Hai phòng, một công, ba biến, năm hợp". Qua đó cho thấy phòng thủ nhiều hơn tấn công, phòng trước công sau, trong phòng có công. Trong các thủ pháp kỹ xảo này còn có thể thấy đặc điểm của dân tộc Miêu là cơ trí linh hoạt, kiên nhẫn ngoan cường.

Đặc điểm quy củ môn phái

Khi một võ sư Miêu thu nhận học trò, luôn lấy "Ba dạy, ba không dạy/ Ba đánh, ba không đánh" làm giáo luật nhập môn. "Ba dạy, ba không dạy" tức là người tính tình tốt thì dạy, người tính xấu không dạy, người thành thật chất phác giữ gìn bổn phận thì dạy, kẻ du thủ du thực, ham chơi không lo nghề nghiệp thì không dạy. Người nói năng lễ phép, trọng nghĩa khí thì dạy, kẻ "lục thân không nhận" (lục thân: sáu người thân là cha, mẹ, anh, chị, em, vợ, con) coi là đồ vong mạng nên không dạy.

Còn "Ba đánh, ba không đánh" là khi gặp lúc sống chết đối thủ phạm đến ta thì đánh, người vô ý hãm hại đến ta cũng không đánh; kẻ khinh bỉ dân tộc mình thì đánh, người dù bị ta đánh bại mà xin lỗi ta thì không đánh; đối với kẻ cầm đầu gây chuyện ác thì đánh, đối với người a dua làm theo thì không đánh.

Các điều cấm đoán trên cũng thể hiện rõ tâm lý của nhân dân dân tộc Miêu là muốn yên thân giữ mạng, không gây hiềm khích, mâu thuẫn với người ngoài, không muốn chiến tranh nhưng luôn sẵn sàng bảo vệ dân tộc.

Đặc điểm về công lực trong võ thuật Miêu tộc

Võ công dân tộc Miêu rất coi trọng đánh áp sát (cận chiến), phần lướn dùng lướt tay, lăn tay, điểm huyệt đạo và các thủ pháp đánh ngược, bẻ khớp. Miêu quyền cực kỳ chú trọng đến thao luyện nội công, sử dụng lối đánh áp dính "dựa tay", "che tay" (trạo thủ) trong quyền pháp, "quàng tay" (lãm thủ) trong côn pháp... Các võ sư Miêu sử dụng côn không hoàn toàn dựa vào lực túm chắc, mà dùng phép "dính" để hoạt động thoải mái, như thế có thể phòng đối thủ bổ băng côn làm bị thương tay cầm côn, lại có thể biến hóa chiêu thức vô cùng và nhanh lẹ khó lường.

Đồng thời trong giao đấu người Miêu lại vận dụng thật nhiều các thủ pháp "lướt, lăn, dính, áp" không ngừng biến hóa để cuối cùng đạt được mục đích bẻ ngược khớp đối thủ.

Đặc điểm trang pháp đến kết cấu bài võ

Võ công dân tộc Miêu rất chú trọng đến trang pháp (đứng tấn), động tác nghiêm ngặt, hình quyền gấp gáp, diện tích hoạt động nhỏ phản ánh đặc điểm địa lý của nhân dân Miêu sinh sống lâu dài trên núi cao, thung sâu. Võ thuật Miêu tộc quen dùng lối bước đuổi (hãm bộ), tiến lùi chủ yếu dậm chân theo "bốn cửa". Võ thuật Miêu ngoài giao đấu tay không, giao đấu khí giới chủ yếu là vũ khí ngắn, đánh gần, do đó kết cấu quyền pháp rất chặt chẽ, trang bộ (tấn) phải vững vàng, hết sức nghiêm mật và quy củ.

Đặc điểm phong cách, diện mạo và lễ tiết của võ thuật Miêu tộc

Hình (động tác) của võ công Miêu tộc rất cổ kính, binh khí nguyên thủy, động tác gọn gàng, khí thế cương liệt phản ánh lịch sử hàng ngàn năm và khí chất cương cường của dân tộc. Võ công Miêu về chỉnh thể chú trọng đánh thực dụng mà không chú ý đến vẻ đẹp tạo hình, bay bổng.

Tổng quát lại, võ công Miêu tộc bao gồm võ tay không, khí giới, điểm huyệt. Võ tay không cơ bản bao gồm minh công (đòn ra rõ rệt), niêm công (tỳ đè), sách công (kỹ thuật cầm nã công phòng, giải thoát, phản kích...), Hoa quyền, Lễ thị... Khí giới có đoản côn, giản, bổng bổng yên (roi nhỏ mềm), câu câu đao (dao quắm), liên giá bổng (gậy cù nèo), mộc kỷ (ghế gỗ), trúc điều tiêu (sáo trúc), lưu tinh chùy, cào... mang tính đặc thù riêng của dân tộc. Ngoài ra có thêm đao, kiếm, búa, mâu, soa, câu liêm, xích sắt…

Chu Phúc (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/vo-thuat-mieu-toc-nhung-thu-phap-dieu-ky-2-380487.html