Vỡ nợ gần 70 tỷ đồng ở Gia Lai: Lòng tin xây bằng ảo giác

(VOV) - Không cưỡng lại được mức lãi suất cao ngất ngưỡng, nhiều nông dân lại tiếp tục bị cuốn vào làn sóng vỡ nợ.

Mấy ngày gần đây, cả Tây Nguyên đang rúng động về thông tin tại Gia Lai vừa xảy ra một vụ vỡ nợ với số tiền lớn nhất từ trước tới nay lên đến 69 tỷ đồng của bà Đặng Thị Hường -chủ nhà hàng Đại Phúc, thuộc doanh nghiệp Phúc Vinh.

Khi gần 30 chủ nợ kéo đến đòi, mất khả năng chi trả, bà Hường buộc phải đến cơ quan công an để lánh nạn. Trước đó, ngay đầu tháng 4 cũng tại Gia Lai, 2 cơ sở thu mua nông sản khác cũng tuyên bố vỡ nợ với số tiền gần 30 tỷ đồng. Làn sóng vỡ nợ vốn xuất hiện ở Đắk Lắk, Đắk Nông vài năm trước nay bắt đầu quay lại ở Gia Lai. Lần này, không chỉ có các doanh nghiệp cà phê, làn sóng vỡ nợ đang cuốn theo hầu hết các loại hình kinh doanh. Vẫn là câu chuyện lòng tin được xây bằng ảo giác, vẫn là những lỗ hổng “chết người” trong việc vay mượn, ký gửi nhưng có một điểm lộ rõ được coi là chất xúc tác tạo nên làn sóng vỡ nợ mới đó là hoạt động tín dụng đen.

Cơ ngơi khang trang của nhà hàng Đại Phúc làm nhiều người bị mờ mắt

Riêng 2 đại lý thu mua nông sản ở thị trấn Chư Prông, Gia lai vừa vỡ nợ đầu tháng 4 là Bình Hằng và Hùng Bằng đã lên tới 30 tỷ đồng. Khi biết được sự thật, những người đã trót gửi tiền, gửi hàng cuống cuồng đi xiết nợ nhưng những tài sản thu được chẳng đáng là bao so với số tiền đã bỏ ra. Doanh nghiệp, đại lý gần như đã… rỗng. Khi đã bất lực những người mất tiền của chỉ còn biết chầu trực ở trụ sở UBND thị trấn Chư Prông mong có sự can thiệp để lấy lại số tiền đã mất như trường hợp của bà Phạm Thị Lan, ở xã Ia Đrăng (huyện Chư Prông).

Bà Lan cho biết: “Nói chung tất cả mọi người đều lo. Họ lừa dân là dân chết, chỉ khổ người dân thôi. Chúng tôi chỉ mong muốn yên tâm. Bây giờ cũng không biết tin tưởng vào ai, chỉ biết tin tưởng vào pháp luật.”

Câu chuyện lòng tin được xây bằng ảo giác và những lỗ hổng “chết người” trong việc vay mượn, ký gửi tiếp tục được nhắc đến trong làn sóng vỡ nợ từ huyện Chư Sê đến huyện Chư Prông của tỉnh Gia Lai. Những tờ giấy ghi nợ viết bằng tay, những mảnh giấy gán bất động sản không kèm theo “sổ đỏ”, không có chứng thực của chính quyền địa phương và không có giá trị pháp lý hay những hóa đơn ký gửi nông sản không quy định rõ ràng việc “ký gửi” vẫn được lưu hành rộng rãi.

Riêng câu chuyện lòng tin được xây bằng ảo giác trong làn sóng vỡ nợ ở Gia Lai có thêm một “vị” mới. Ảo giác mà doanh nghiệp, đại lý tạo ra không chỉ là vẻ hào nhoáng của đội xe tải tiền tỷ, những chiếc xe hơi đời mới sang trọng hay hàng trăm mét đất mặt đường ngay trung tâm và cơ sở kinh doanh khang trang, rộng lớn, “vị” mới ở đây là lãi suất cực kỳ cao, được coi là nhân tố chủ đạo trong việc thu hút dòng tiền và là chất xúc tác chính tạo nên làn sóng vỡ nợ mới.

Mức lãi suất có thể là 6% hoặc 9% mỗi tháng nhưng cũng có trường hợp đột biến và điển hình cho sự đột biến này vụ vỡ nợ của chủ doanh nghiệp Đại Phúc. Lãi suất mà bà Đặng Thị Hường - chủ doanh nghiệp đưa ra lên tới từ 3-5% trong một ngày, tương đương từ 90-150% trong một tháng. Mức lãi suất mà theo một số người am hiểu, chỉ có thể có trong các sòng bạc và trong giới cá độ bóng đá, cần huy động tiền mặt nhanh chóng nhưng việc vay mượn chỉ diễn ra trong một vài ngày.

Ở trường hợp của doanh nghiệp Đại Phúc, bà Đặng Thị Hường thừa nhận với phóng viên là đã phá sản từ tháng 7/2012 nhưng vì muốn cứu vãn nên bà tìm mọi cách, trong đó chủ yếu là đưa ra lãi suất thật cao để có thể vay của người này trả cho người kia. Lãi mẹ đẻ lãi con khiến số tiền mà bà thực mượn chỉ khoảng 30 tỷ đồng ban đầu nay đã lên thành gần 70 tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nếu quy đúng theo lãi suất đã cam kết.

Nhiều chủ nợ vẫn đang chầu trực trước cổng nhà hàng Đại Phúc mong lấy lại những gì đã mất

Công an huyện Chư Prông đã vào cuộc điều tra vụ việc, nhưng chưa kết luận chính thức về việc có hay không yếu tố lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, điều dễ thấy là kịch bản của các vụ vỡ nợ vừa xảy ra không có gì lạ so với các vụ vỡ nợ trước đó ở Tây Nguyên mà VOV đã đề cập.

Nông dân ở Chư Prông và Chư Sê đã lặp lại sai lầm giống như nông dân cà phê ở Đắk Lắk, Đắk Nông, đó là có quá nhiều sơ hở trong giao dịch. Dù là cho doanh nghiệp vay tiền, hay ký gửi cà phê, hồ tiêu, họ cũng chỉ nhận về những giấy viết tay sơ sài, ghi con số giao-nhận.

Hậu quả là ngoài xót xa vì mất tiền, mất tài sản, họ còn chịu ấm ức đứng nhìn cảnh con nợ ngồi "chiếu trên", tự cho mình quyền định đoạt cách trả nợ, như cách bà Đặng Thị Hường, chủ doanh nghiệp Đại Phúc, thị trấn Chư Prông, tỉnh Gia Lai, người đang vỡ nợ số tiền gần 70 tỷ đồng: “Thôi bây giờ khoanh cái số nợ này lại, không tính lãi nữa, để lãi lên thì đau đầu quá mà cũng không thể thanh toán được, thôi để tôi làm tôi trả cái gốc. Tôi bán hết tài sản đi trả cho ngân hàng xong rồi còn dư bao nhiêu thì bắt đầu liệt kê tài sản hoặc nhượng lại cho ai kinh doanh. Mình làm nghề khác để mình trả nợ cho họ"!

Trong số những người chầu trực ở UBND thị trấn Chư Prông để mong lấy lại tiền và hàng hóa của mình từ những doanh nghiệp vỡ nợ, nhiều người đã tỉnh ngộ. Bà Phạm Thị Nhiệm, ở thôn An Hòa, xã Ia Đrăng (huyện Chư Prông) chua chát: “Tin tưởng bạn bè mới xảy ra cớ sự này. Từ nay về sau chúng tôi cũng không dám làm cái chuyện này nữa. Dù lãi cao hay lãi thấp chúng tôi cũng khiếp ba đời. Chúng tôi là bài học đấy.”

Người viết rút ra một kết luận đáng buồn là: Lời hứa trả nợ luôn là thứ còn lại sau cùng ở các doanh nghiệp vỡ nợ, và chủ nợ-những nông dân không còn con đường nào khác là đợi những lời khất này trở thành hiện thực. Có điều, đã 4 năm sau những vụ vỡ nợ cà phê rúng động ở Đắk Lắk, hầu như chẳng có mấy nông dân đòi được số nợ của mình. Và cũng chưa một phiên tòa nào được mở ra mà giúp đòi được nợ cho nông dân./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/vo-no-gan-70-ty-dong-o-gia-lai-long-tin-xay-bang-ao-giac/258202.vov