Võ Nguyên Giáp từ hôn và vào Đảng như thế nào?

(DVT.vn) - Nguyễn Chí Diểu: Giáp này, muốn làm cách mạng thì phải có tổ chức. Có tổ chức cách mạng mới gây dựng được phong trào cách mạng…

(DVT.vn) - Nguyễn Chí Diểu: Giáp này, muốn làm cách mạng thì phải có tổ chức. Có tổ chức cách mạng mới gây dựng được phong trào cách mạng… Trung tướng Phạm Hồng Cư Vạn bất đắc dĩ anh Giáp phải trở về quê. Một cánh chim đang muốn tung trời mà bay nay lại phải quay về nơi tổ cũ. Đầu óc đã mở mang, tầm mắt đã nhìn rộng, quen giao lưu với bạn bè, quen thông tin sách báo, nay lại phải về nơi nước đọng. Anh tự đặt một chương trình học tập rất nghiêm. Anh liên lạc để tự học theo Ecole Universelle (Trường giáo dục phổ cập) bên Pháp. Anh nhận được tài liệu rất đều và trả bài rất đều. Số sách mang được về quê quá ít ỏi. Mấy cuốn Pháp văn còn sót, anh đọc đi đọc lại, thuộc lòng từ đầu chí cuối cuốn kịch thơ Ăngđrômac (Andromaque) của Raxin (Racine), Lơ Xit (Le Cid) của Coócnây (Corneille). Anh tập làm văn theo cuốn Stylitstic (Stylistique – Tu từ học). Anh Giáp cho em là Võ Thuần Nho và bạn là Đào Viết Doãn đọc các tài liệu của cụ Phan Bội Châu và thầy Võ Liêm Sơn. Nho và Doãn rủ nhau ra vườn sau, trèo lên cây cao để đọc. Anh Giáp tuyên truyền cho Nho, Doãn, Huy, Đẩu, Tào, Nhĩ. Ở An Xá hình thành một nhóm thanh niên yêu nước, sau này nhiều người trở thành đảng viên Đảng Cộng sản và là nòng cốt trong Tổng khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp. Dạo ấy, có một vấn đề khó xử trong gia đình là việc hôn nhân. Ông cụ muốn anh Giáp lấy vợ. Trong làng có cô Bá (vợ ông Bá hộ) đánh tiếng có con gái sẵn sàng gả. Anh Giáp biết rõ gia đình này: Giàu nhất làng, nhà ngang, dãy dọc, sang trọng kiểu phú ông. Con trai lớn ông Bá trạc tuổi anh tên là Đính được gọi là Giám Đính (Chức giám sinh mua). Hai cô em gái vừa tuổi lấy chồng, một cô ngày trước học cùng tiểu học với anh Giáp trên trường Tổng ở Tuy Lộc đến lớp tư, cô em định gả cho anh Giáp mới lớn, vì nhiều lẽ, anh Giáp không thể ưng. Mẹ cô cho biết, nếu thành hôn được, sẽ cho ruộng, cho nhà. Ông cụ muốn anh Giáp phải nhận lời. Ý kiến bà mẹ thì khác: “Tùy con. Ưng thì lấy, không ưng thì thôi, không ép”. Anh Giáp rất biết ơn bà. Quan điểm của bà thật tiến bộ. Do bà thương con hay do ảnh hưởng từ thời ông ngoại? Các chị (chị Điểm, chị Liên), chú Nho đều cùng chung quan điểm với mẹ. Việc hôn nhân của chị cả (chị Điểm) cũng vậy. Trong làng có anh Hương Huệ đến dạm hỏi chị cả. Chị không ưng. Một hôm Hương Huệ mang chè, gạo nếp đến. Chị Điểm hỏi lạnh tanh: “Anh đến có việc gì?”. Rồi chị đem trả lại tất. Tuy vậy Hương Huệ vẫn kiên trì, thường xuyên đến nhà xin ở rể. Ý kiến bà mẹ: “Tùy ý chị, không gán ép”. Chị Điểm kiên quyết từ chối. Sau này chị Điểm lấy người chị yêu (trong kháng chiến chống Pháp làm tỉnh đội trưởng). Một việc đập vào mắt người thanh niên đã giác ngộ chính trị là vấn đề ruộng đất ở quê nhà. Anh Giáp và nhóm thanh niên tiến bộ trong làng bàn với nhau phải tìm cách chống lại bọn lý hương, bọn cho vay nợ lãi, đòi chia lại ruộng đất cho công bằng, đòi lại ruộng bị gán nợ, bị mua đắt bán rẻ. Nhóm thanh niên này chủ trương lập hội kín để đánh Tây. Mục đích tôn chỉ là gì? Cương lĩnh điều lệ ra sao? Không biết, chỉ biết là cùng chí hướng, hăng hái, thế thôi. Hôm sau, anh Giáp đang ươm cải ngoài vườn bỗng thấy mẹ đến gần. Bà hỏi khẽ: “Con làm hội kín phải không?”. Anh Giáp trả lời: “Có”. Bà mẹ nói tiếp: “Vào hội kín đánh Tây thì được, nhưng đừng để nó bắt”. Mùa lụt năm 1928. Lụt ở An Xá, nhìn về phía Tây, nước đến chân núi, nhìn về phía Đông nước đến vùng cát. Anh Giáp cùng chú Nho đi nơm cá với bà con trong làng. Có lần anh Giáp nơm được con cá đô (cá quả) rất to. Cũng có khi hai anh em ra vườn sau chặt chuối làm bè, đi đâm chuột trên ngọn cây đem về chén. Một hôm có đò ai vào tận cổng. Chú Nho nhìn ra thấy một thanh niên mặc y phục kiểu hướng đạo sinh mũ rộng vành, áo ngắn tay, quần soóc, dáng cao gầy mảnh khảnh, nước da đen sạm, chân tay rắn chắc kiểu người năng tập thể dục, thể thao. Người ấy nhanh nhẹn đi vào nhà: Đó là anh Nguyễn Chí Diểu. Anh đáp xe lửa từ Huế ra ga Mỹ Trạch rồi xuống đò về An Xá. Hai người bạn thân gặp lại nhau, vui mừng khôn xiết. Anh Diểu mới ở Nam Kỳ ra. Xa nhau mới một năm rưỡi mà anh Diểu có vẻ già hẳn đi. Nghe anh Giáp giới thiệu là bạn học cũ trường Quốc học, ông cụ vui mừng lắm. Sau một hồi thăm hỏi, hàn huyên, anh Giáp mời anh Diểu ra cánh đồng vắng sau làng. Hai anh em leo lên cây mưng (lộc vừng), một cây cao để nói chuyện. Anh Diểu rút ra một tập tài liệu bí mật trao cho anh Giáp đọc. Đó là bài nói của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại cuộc họp của Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới, ở Bruxen (Bruxelles - Bỉ), và một ấn bản vể một cuộc họp khác ở Quảng Châu, có bài nói chuyện của Nguyễn Ái Quốc. Anh Giáp rất xúc động, anh nhớ lại hình ảnh đồng chí Nguyễn Ái Quốc đội mũ phớt trên một tờ báo bí mật mà anh Diểu và các bạn đã truyền cho nhau xem, khi còn trên ghế trường Quốc học Huế. Anh Diểu đã bắt liên lạc được với tổ chức cách mạng. Anh nói chuyện hoạt động của bạn bè. Nguyễn Hoàng đã đi vào Sài Gòn làm thư ký Sở Ba Son kiếm tiền nuôi cả nhóm. Bản thân anh Diểu đã tham gia tổ chức bí mật là Tân Việt cách mệnh đảng. Anh Diểu nói: - Giáp này, muốn làm cách mạng thì phải có tổ chức. Có tổ chức cách mạng mới gây dựng được phong trào cách mạng. Ở Huế hiện nay có đảng Tân Việt, chương trình điều lệ thế này… thế này…. Anh Giáp hoàn toàn tin tưởng người bạn lớn. Nguyễn Chí Diểu thay mặt cho tổ chức kết nạp Võ Nguyên Giáp vào đảng Tân Việt (lúc đó, Nguyễn Chí Diểu đã là ủy viên Kỳ bộ Trung Kỳ của Tân Việt). Anh Diểu ở lại chơi mấy ngày rồi tạm biệt. Anh Giáp hẹn sẽ nhanh chóng thu xếp để vào Huế hoạt động cách mạng. Thoát ly gia đình! Hoạt động cách mạng! Tâm hồn anh Giáp như có gió lộng. Anh trèo lên cây mưng sau nhà trên đường đi ra “bộng”, ngắt một lá non ăn sống, nhấm nháp vị cay cay chát chát của nó. Trên cành cây, anh đọc đi đọc lại nhiều lần tập tài liệu bí mật. Lần đầu tiên anh được đọc một tập tài liệu giải thích rõ ràng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc tế. Anh xin phép ông thân vào Huế để tiếp tục học và kiếm việc làm. Ông cụ bằng lòng với điều kiện là anh nhận làm rể nhà ông Bá. Anh Giáp kéo chú Nho ra vườn sau, nói: - Tao phải ra đi. Thầy bảo tao lấy vợ. Tao phải lập kế thế này… thế này… Anh Giáp đóng khăn xếp, mặc áo dài đen, quần vải trắng, chân đi guốc đến nhà ông Bá. Cô Bá tiếp đãi nồng nhiệt, đem ra cả chục trứng gà và cho tiền để anh Giáp đi Huế. Anh Giáp nói: - Cảm ơn, tôi không dám nhận. Cô Bá cười: - Cậu làm cao! Sau này lại không đòi nhà, đòi ruộng ấy à! Ông cụ thấy anh Giáp đến thăm ông Bá, đồng ý cho anh đi Huế. Anh Giáp xuống bếp nói với mẹ: - Con không kết hôn với con gái cô Bá đâu. Thầy thím đừng thu xếp. Hôm sau anh Giáp ra đi. Một con đò dọc bốn chèo đưa anh ra ga Mỹ Trạch. Chú Nho, Doãn và Giám Đính đi theo tiễn. Trong lúc chờ tàu, anh Giáp nói với Giám Đính: - Tôi rất tôn trọng gia đình anh, nhưng tôi không thể kết hôn với em gái anh được. Tôi và cô ấy không hợp nhau. Nhờ anh về thưa lại với gia đình… Nói đoạn, anh Giáp đáp xe lửa vào Huế.

Nguồn DVT.vn: http://dvt.vn/2011082408212819p0c93/vo-nguyen-giap-tu-hon-va-vao-dang-nhu-the-nao.htm