Vở diễn 'Nước mắt không chảy ngược'

Tác phẩm mới ra mắt của Nhà hát Cải lương Hà Nội có tựa đề “Nước mắt không chảy ngược” đề cập đến vấn đề muôn thuở là chữ “hiếu” ở đời, nhưng với sự nhuần nhuyễn, ăn ý, vở diễn đã chạm đến trái tim mỗi người. Và buổi tổng duyệt chật kín người xem mới đây của Nhà hát đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả.

Một cảnh trong vở diễn “Nước mắt không chảy ngược”.

Vở diễn thuộc thể loại tâm lý, rất giản dị, không cầu kỳ mảng miếng, không chiêu trò chú ý hay thử nghiệm mới mẻ. Chỉ bằng lời ca tiếng hát, khả năng diễn xuất của nghệ sĩ cũng đã đủ đem đến thành công cho tác phẩm. “Nước mắt không chảy ngược” dựng từ kịch bản của nữ tác giả Vương Huyền Cơ. Trong gia đình có 3 anh em Minh - Hiếu - Mẫn thì Hiếu là con nuôi, lại chính là người chăm sóc mẹ già bị bệnh đãng trí ở quê, còn anh cả Minh và em gái Mẫn ở thành phố, người làm công chức thành đạt, người làm diễn viên nổi tiếng. Bỗng một ngày, cả hai ở thành phố trở về quê đòi đón mẹ lên phụng dưỡng, vì cô em cần mẹ để trả lời phỏng vấn với báo chí về gia đình truyền thống, gia giáo, còn anh cả muốn chứng tỏ với cấp trên - một người đang vô cùng đau buồn vì mẹ mới mất - rằng mình rất hiếu nghĩa. Ngòi bút tài tình Vương Huyền Cơ tiếp tục chuyển tải nhuần nhuyễn mọi vấn đề từ cuộc sống vào kịch bản. Những tình tiết tinh tế về va chạm giữa hai thế hệ, giữa toan tính và thật tâm cho thấy những trải nghiệm và quan sát tỉ mỉ của nữ tác giả này.

Câu nói “Một mẹ nuôi được 10 con, nhưng 10 con không nuôi nổi một mẹ” đã được ê kíp sáng tạo dẫn dắt bằng một loạt tình huống, diễn biến trớ trêu đan cài trong suốt vở diễn. Muốn tốt cho con, nhưng vì tuổi già, nhớ nhớ quên quên mà mẹ vô tình gây chuyện. Mẹ nhớ những chuyện về thời khốn khó, tần tảo nhặt rác nuôi con nhưng quên những điều con dặn dò khi sống ở thành thị. Lúc cần mẹ kể chuyện thật về gia đình với người ta thì mẹ sợ con tổn thương mà nói ngược lại. Thế là vì sự ích kỷ, vì muốn đạt được mục đích mà những đứa con đã nhiếc mắng mẹ, đẩy mẹ vào cảm giác tội lỗi. Người mẹ ấy ra đi, chỉ với chiếc gậy đầy vết khắc đo từng ngày khôn lớn của 3 đứa con và nghĩ rằng sẽ không còn gây phiền toái cho chúng. Hai con đẻ quay ra chỉ trích nhau, trong khi họ của mẹ mình cũng không nhớ rõ để còn đi tìm… Những chi tiết đời thường được sử dụng rất “đắt” đã khía vào lòng mỗi người xem, lấy được nước mắt và sự thấm thía nơi khán giả. Một cái kết cũng để lại day dứt: Khi những người con nhận ra mình đã đối xử không phải với mẹ, ân hận thì mẹ cũng đã ra đi…

Vở diễn được chuyển thể cải lương, rất khéo chiều khán giả bằng nhiều đoạn ca, nhất là ở những cao trào. Nên dù xem cải lương đề tài hiện đại nhưng không thấy bị kịch nói hóa như nhiều vở trước đây vấp phải. Đạo diễn Trần Quang Hùng một lần nữa thể hiện thế mạnh trong dàn dựng vở tâm lý hiện đại khi đưa đẩy các tình tiết hợp lý tạo cảm xúc cho diễn viên thăng hoa hơn. NSND Thanh Hương trong vai người mẹ. Chị nhập vai và đi sâu vào nhân vật từ bước đi, dáng điệu đến tiếng ho, cách nhả chữ chậm rãi khiến khán giả không để ý đến chất giọng hơi trẻ quá so với nhân vật. Những đan xen bằng âm nhạc, bài hát xúc động về tình cảm gia đình, mẹ con như “Niềm quê”, “Gặp mẹ trong mơ”… đẩy tác phẩm thêm phần xúc động.

Một câu chuyện buồn, vương nhiều nước mắt nhưng vở diễn vẫn đọng lại trong khán giả tình cảm ấm áp, vị tha của người mẹ ấy, giống như bất cứ người mẹ nào trên đời, dù thế nào thì “nước mắt chảy xuôi”, thương và yêu con vô điều kiện. Tất nhiên, trong một vài cảnh nhỏ, một vài diễn xuất còn chưa thật hợp lý, cần sự tiết chế hơn.

“Nước mắt không chảy ngược” sẽ được đưa đi lưu diễn tại nhiều quận, huyện của Hà Nội cùng các tỉnh lân cận trong tháng 11 tới.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/852144/vo-dien-nuoc-mat-khong-chay-nguoc-