Vợ chồng có cần góc riêng tư?

Dù ở chung một nhà, ngủ chung một giường, ăn chung một mâm, sở hữu chung tài sản, có chung những đứa con chung... nhưng vợ chồng vẫn là hai cá thể riêng biệt với những cá tính, sở thích, thói quen... riêng.

Ảnh minh họa

Dù đã “góp gạo thổi cơm chung”, nhưng người trong cuộc vẫn luôn muốn có những góc riêng của mình. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu và thông cảm để không “xâm phạm”. Hậu quả là cuộc sống vợ chồng trở nên ngột ngạt hoặc sóng gió .

Cặp đôi Linh và Sơn thường nghe bạn bè bình luận là quá khác biệt bởi trong khi Sơn là người sôi nổi, hay nói, ưa hoạt động thì Linh lại sống nội tâm và lãng mạn. Nhưng họ vẫn yêu nhau và lấy nhau.

Một buổi tối, Sơn thấy Linh đang ngồi mở album, dở từng tấm ảnh hồi còn thiếu nữ ra ngắm nghía, vẻ tư lự, thì đâm ra ngờ vực: “Này! Em lại đang tiếc nuối mối tình đầu phải không? Cái thằng ấy bây giờ ở đâu? Làm gì? Khai ngay!”. Linh cất những tấm ảnh, khoát tay, bực bội: “Anh chỉ nói vớ vẩn!”. Sơn trợn mắt: “A! Bắt quả tang rồi còn chối hả?”. Linh không trả lời. Chỉ thế mà vợ chồng giận nhau mấy ngày liền.

Hùng, một nhân viên kinh doanh tâm sự: “Có những ngày ở công ty gặp rắc rối như đối tác hủy hợp đồng, bị sếp chỉnh, đồng nghiệp chơi đểu... Về nhà tôi chỉ muốn có khoảng thời gian và không gian cho riêng mình để suy nghĩ, tĩnh tâm... Nhưng chẳng bao giờ vợ để cho yên. Vừa thấy mặt là bà ấy lại léo nhéo làm cái này cái kia. Có khi đang mải suy nghĩ, cô ấy hỏi, tôi chưa kịp trả lời là hờn dỗi...”.

Không ít người xâm phạm vào góc riêng của người kia bằng cách kiểm tra tin nhắn, túi xách, ví tiền và đôi khi, cả quần áo... Có người thường xuyên lục lọi facebook, email... tìm kiếm, dò hỏi những mối quan hệ của bạn đời... khiến người kia cảm thấy thiếu tôn trọng và ngột ngạt, dẫn đến suy giảm tình yêu, tan vỡ hôn nhân...

Ngược lại, có những cặp vợ chồng lại quá tôn trọng cuộc sống riêng tư của nhau bằng cách mỗi người một phòng riêng. Điều này có cái hay là những hôm bận làm việc khuya quá, để không làm người kia thức giấc, căn phòng riêng là nơi lý tưởng để cả hai nghỉ ngơi. Hay những lúc “chiến tranh lạnh”, “bất đồng quan điểm”, mỗi người có “hầm trú ẩn” để “nương náu”, không ai quấy rầy ai.

Đó là trường hợp của cặp đôi Thanh - Lương. Cả hai đều cảm thấy sống như thế thật thoải mái. Ví dụ, Lương cứ việc đóng cửa mà xem bóng đá trên tivi, không sợ tiếng hò hét làm vợ khó chịu. Còn Thanh tha hồ thức khuya để theo dõi những bộ phim Hàn ưa thích, không sợ bị chồng cằn nhằn...

Tuy vậy, một thời gian sau, cả hai đều cảm thấy sống như vậy không ổn. Đôi khi, Lương muốn “gặp gỡ đối tác” nhưng Thanh lại không muốn bỏ dở đoạn phim đến hồi gay cấn. Có lúc, gặp chuyện buồn, Thanh chạy sang định kể cho chồng thì anh ta đã ngáy khò khò...

Dần dần, vợ chồng đều “ngại” chia sẻ, tâm sự với nhau vì cả hai đã quá quen với việc ai về phòng riêng người ấy, đóng cửa và suy ngẫm một mình. Nhu cầu nói chuyện, trao đổi với nhau ngày càng hiếm hoi. Tình yêu vốn nồng cháy một thời bắt đầu có dấu hiệu tàn lụi.

Theo các nhà tâm lý, “góc riêng” trong cuộc sống chung của các cặp vợ chồng là cần thiết. Đó là sự tôn trọng những sở thích cá nhân, những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, những phút giây riêng tư trong tâm hồn của mỗi người..

Tuy nhiên, vợ chồng cần có những góc chung là thời gian bên nhau. Đó thường là những buổi tối quây quần bên mâm cơm, với những câu chuyện vui vẻ, thú vị. Hoặc có thể là những ngày nghỉ cùng nhau ra ngoại ô ngắm cảnh, đi xem phim hay dạo phố, thăm họ hàng, bạn bè...

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/vo-chong-co-can-goc-rieng-tu-post179268.html