Vợ bí thư đốt xác thoát án tử: Chứng minh không ổn

Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao cho rằng, quyết định giảm án cho bị cáo Hường là không phù hợp.

Liên quan đến việc bị cáo Lê Thị Hường (vợ nguyên bí thư xã Kim Long, huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) được giảm án từ tử hình xuống còn 20 năm tù về tội giết người (chưa đạt) khiến dư luận băn khoăn, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao cho rằng, quyết định giảm án cho bị cáo Hường là không phù hợp.

Để chứng minh cho điều này, ông Quế dẫn ra bảy điểm không phù hợp của quyết định giảm án cho bị cáo Lê Thị Hường bao gồm:

Thứ nhất, tháng 3-2014, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên án tử hình với bà Lê Thị Hường và bản án hình sự phúc thẩm ngày 8-7-2014 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm. Ngày 11-7-2014, bà Lê Thị Hường có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm án tử hình và đang trong thời gian xem xét thì BLHS 2015 và BLTTHS 2015 mới được Quốc hội thông qua.

Thứ hai, bản án hình sự phúc thẩm cũng không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Vụ án đang được Chủ tịch nước xem xét đơn xin ân giảm án tử hình của Lê Thị Hường. Thế mà chánh án TAND Tối cao lại căn cứ vào quy định có lợi cho người phạm tội để ra quyết định giảm án cho bị cáo Hường xuống 20 năm tù là không đúng trình tự.

Bị cáo Lê Thị Hường

Thứ ba, căn cứ vào hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm thì Lê Thị Hường không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 7, khoản 3 Điều 40 hay khoản 3 Điều 57 BLHS 2015. Bởi vì các điều luật này chỉ áp dụng đối với người phạm tội khi bị phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích…

Thứ tư, nếu căn cứ vào quy định của BLHS 2015 thì trường hợp của bà Hường chỉ bị áp dụng hình phạt 20 năm tù. Nhưng BLHS 2015 cũng như BLTTHS 2015 không có quy định người bị kết án tử hình đang được Chủ tịch nước xem xét đơn xin ân giảm thì có được áp dụng không và nếu được thì thủ tục thế nào.

Thứ năm, theo khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 144/2016 thì tiếp tục áp dụng BLHS 1999 và BLTTHS 2003 cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 có hiệu lực thi hành.

Cũng theo Nghị quyết 144/2016, kể từ ngày 1-7-2016 thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015 về việc thi hành BLHS; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết 109/2015; áp dụng các quy định của BLTTHS 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015 và Nghị quyết 109/2015.

Như vậy, Lê Thị Hường bị kết án và bản án có hiệu lực pháp luật trước khi BLHS 2015 ban hành nên không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 40 hoặc khoản 3 Điều 57 BLHS 2015. Ở đây chỉ có thể nói trước khi bị thi hành án tử hình thì BLHS và BLTTHS có quy định theo hướng có lợi cho người bị kết án.

Thứ sáu, nếu căn cứ vào khoản 2 Điều 367 BLTTHS 2015 thì Lê Thị Hường cũng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của BLHS 2015. Giả thiết có thuộc trường hợp này thì chánh án TAND Tối cao cũng chỉ chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho Lê Thị Hường chứ không thể chuyển từ tử hình xuống hình phạt 20 năm tù được.

Thứ bảy, giả thiết sau khi chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt tử hình xuống hình phạt 20 năm tù cho Lê Thị Hường mà Chủ tịch nước lại có quyết định bác đơn xin ân giảm (hoặc cho ân giảm từ tử hình xuống chung thân) cho bà Hường thì giải quyết ra sao?

Từ những luận điểm trên, ông Quế cho rằng, trong trường hợp này chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao cần trình với Chủ tịch nước xin rút lại tờ trình về việc xét đơn xin ân giảm án tử hình đối với Lê Thị Hường.

Khi đó, hồ sơ vụ án trở lại TAND Tối cao. Tiếp đó, chánh án TAND Tối cao mới xem xét cho Lê Thị Hường được hưởng các quy định của BLHS năm 2015.

Ngoài ra, chánh án TAND Tối cao cần xem xét, rút lại quyết định chuyển hình phạt từ tử hình xuống còn 20 năm tù đã ký.

Chiều 15/1/2013, tại nhà riêng của vợ chồng bị cáo Lê Thị Hường, bị cáo Hường đã dùng dao rựa chém 17 nhát vào đầu, người ông Nguyễn Chí Hùng (ngụ tại xã Cù Bị, huyện Châu Đức) và chém hai nhát vào đầu bà Phạm Ngọc Nga (vợ ông Hùng).

Vợ chồng ông Hùng, bà Nga là chủ nợ của bị cáo Hường, được Hường điện thoại gọi đến nhà chơi rồi tìm cơ hội chém họ. Theo kết quả giám định, ông Hùng bị thương với tỉ lệ thương tật gần 80%, bà Nga gần 30%..

Không chỉ chém vợ chồng chủ nợ mà bị cáo Hường còn đốt xác bà Dương Thị Thủy Bình Hà (thủ quỹ xã Kim Long, huyện Châu Đức) vào ngày 14/5/2012.

Ngày 14/5/2012, Hường chở bà Dương Thị Thủy Bình Hà đến nhà mình chơi. Đến nhà, Hường nhờ bà Hà ra vườn đóng cầu dao điện để bơm nước.

Chờ một lúc, không thấy bà Hà quay lại, Hường đến chỗ cầu dao điện thì thấy bà Hà đã chết. Sợ bị liên lụy, Hường đưa xác bà Hà đi đốt.

Trong lúc hốt tro cốt, Hường lấy chiếc lắc vàng và ĐTDĐ của bà Hà đem đi cất, sau đó mang bán. CQĐT khám xét nơi ở của Hường, kiểm tra vườn cây và thu giữ được một số mảnh xương của nạn nhân.

Tháng 3/2014, bị cáo Lê Thị Hường bị TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên án tử hình về tội giết người (phạm tội chưa đạt).

Hoàng An (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/phap-dinh/vo-bi-thu-dot-xac-thoat-an-tu-chung-minh-khong-on-3327667/