VNPT sẽ đổi mã vùng điện thoại cố định trong 2 tiếng vào ban đêm

VNPT hiện có gần 4,5 triệu thuê bao điện thoại cố định, chiếm khoảng 90% thị phần sẽ đổi mã vùng điện thoại cố định trong vòng 2 tiếng vào ban đêm để không ảnh hưởng đến dịch vụ của khách hàng.

Theo kế hoạch đã được Bộ TT&TT công bố ngày 22/11/2016, việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định được chia làm 3 giai đoạn và chính thức bắt đầu từ ngày 11/2/2017 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Ngày 22/11 vừa qua, Bộ TT&TT đã công bố kế hoạch chuyển đổi mã mã vùng điện thoại cố định. Việc điều chỉnh lần này nhằm đảm bảo kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường, công nghệ.

Trong thông tin cung cấp cho báo chí tại buổi họp công bố kế hoạch chuyển đổi mã vùng, Bộ TT&TT khẳng định, việc chuyển đổi mã vùng không ảnh hưởng đến số thuê bao, số thuê bao vẫn giữ nguyên như cũ. Ví dụ, số cố định tại Hà Nội là 23456789, sau khi chuyển đổi từ mã vùng cũ (4) về mã vùng mới (24) thì số cố định đó vẫn là 23456789. Nghĩa là, khi thực hiện cuộc gọi nội hạt (từ cố định đến cố định trong cùng một tỉnh, thành phố) sẽ không có gì thay đổi.

Tuy nhiên, các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định (các cuộc gọi có sử dụng mã vùng) sẽ chịu sự tác động của kế hoạch này. Với các cuộc gọi này, phải thay mã vùng cũ bằng mã vùng mới. Ví dụ, nếu gọi từ di động vào số cố định tại Hà Nội là 23456789, trước khi đổi mã vùng ta quay số 04.23456789, thì sau khi đổi mã vùng ta quay số 024.23456789. Nghĩa là chỉ thay mã vùng cũ (4) bằng mã vùng mới (24) khi quay số.

Bộ TT&TT cũng cho biết, theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông thì tổng lưu lượng của các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam. Như vậy, tác động thực sự tới các cuộc gọi không nhiều, hơn nữa tác động này cũng chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian, khi người sử dụng quen với mã vùng mới thì không còn ảnh hưởng nữa. Nói cách khác, khi thay đổi mã vùng tuy có ảnh hưởng nhưng tác động rất nhỏ, đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.

Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân cũng chịu sự tác động là có thể phải làm lại các sản phẩm có gắn với mã vùng ví dụ như: card visit, bao bì, biển quảng cáo...), phải sửa đổi lại mã vùng cho các số đã lưu trên điện thoại di động...

Mới đây, Tập đoàn VNPT đã cho biết, là doanh nghiệp nắm giữ số lượng lớn thuê bao điện thoại cố định hiện nay (gần 4,5 triệu thuê bao, chiếm khoảng 90% thị phần) và với kinh nghiệm 2 lần đổi số cho mạng cố định và mạng di động, VNPT đã chủ động lên kế hoạch chuyển đổi để giảm thiểu tối đa sự bất tiện cho khách hàng và hiện đã sẵn sàng thực hiện theo đúng lộ trình của Bộ TT&TT.

Cụ thể, VNPT đã xây dựng xong các phương án kỹ thuật như: phương án đổi mã tỉnh đối với thuê bao cố định và thuê bao Gphone; phương án định tuyến trên các tổng đài liên tỉnh, cổng quốc tế, cổng di động và Hệ thống âm thông báo để thông báo cho khách hàng khi thực hiện không đúng phương thức.

Bên cạnh đó, VNPT cũng đã tiến hành thử nghiệm phương án kỹ thuật trên các mạng cố định và di động, đồng thời xúc tiến làm việc với 13 doanh nghiệp khác như Viettel, MobiFone… để phối hợp.

Theo đánh giá của VNPT, việc đổi số được thực hiện vào ban đêm và sẽ chỉ thực hiện trong vòng 2 tiếng, vì vậy về cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến dịch vụ của khách hàng. Nếu có bất cứ nguy cơ ảnh hưởng nào, VNPT sẽ thực hiện khôi phục lại dịch vụ như cũ để đảm bảo sáng hôm sau khách hàng sử dụng bình thường.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng cho biết thêm, trước thời điểm đổi mã vùng, VNPT sẽ tổ chức truyền thông việc đổi mã vùng theo chủ trương của Bộ TT&TT đến khách hàng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua website của VNPT, qua Call Center, qua các đầu mối CSKH. VNPT cũng đang xây dựng ứng dụng để hỗ trợ khách hàng nhận biết mã vùng nhanh chóng.

Lộ trình chuyển đổi mã vùng điện thoại của 59 tỉnh, thành phố :

- Giai đoạn 1: Thực hiện chuyển đổi mã vùng của 13 tỉnh, thành phố là: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Thời gian bắt đầu từ ngày 11/2/2017.

- Giai đoạn 2: Thực hiện chuyển đổi mã vùng của 23 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng. Thời gian bắt từ ngày 15/4/2017.

- Giai đoạn 3: Thực hiện chuyển đổi mã vùng của 23 tỉnh, thành phố là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Tháp. Thời gian bắt đầu vào ngày 17/6/ 2017.

- Mã vùng của 4 tỉnh là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang giữ nguyên. Kế hoạch chuyển đổi mã vùng kết thúc vào ngày 31/8/2017. Trong 30 ngày đầu tiên sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ hỗ trợ người dân gọi số song song. 30 ngày tiếp theo sẽ ngưng kết nối và phát thông báo về việc đổi mã vùng để người dân gọi theo số mới.

PV

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/vien-thong/vnpt-se-doi-ma-vung-dien-thoai-co-dinh-trong-2-tieng-vao-ban-dem-146498.ict