VN ứng phó thế nào trước nguy cơ từ các con đập?

- Nếu dừng xây dựng thủy điện ở thượng lưu sông Mekong trong 10 năm, đúng là tốt cho Việt Nam nhưng có thể nói phát triển thủy điện hầu như ’không thể đảo ngược’! Không nơi nào trên thế giới này có nguồn thủy năng mà bị bỏ qua. Vậy Việt Nam nên ứng phó như thế nào?

Bài viết của TS Tô Văn Trường tiếp tục phân tích về tác động của những đập nước ở hạ lưu sông Mekong. Các đập nước sẽ gây lệch mùa? Về vấn đề bồi lắng, phù sa thực sự rất phức tạp, không dễ nghiên cứu kể cả về mặt lý thuyết và thực tế. Ngày nay, các nhà khoa học đã làm chủ được công nghệ các mô hình toán về thủy văn, thủy lực, cân bằng nước nhưng vấn đề nghiên cứu về bùn cát, bồi lắng chưa có một mô hình nào thực sự hữu hiệu để mô phỏng sự bồi lắng, di chuyển bùn cát cho đúng với thực tế. Trên thực tế, số liệu đo đạc về bùn cát, bồi lắng cũng không được đầy đủ như số liệu về các yếu tố khí tượng, về mưa, dòng chảy, mực nước. Trước đây, trên lưu vực sông Mekong hoạt động phát triển nông nghiệp chưa phát triển nhiều, rừng còn dày và lớp phủ tốt, việc xói mòn ít, phù sa về hạ lưu có mức độ. Ngày nay, các hoạt động phát triển nông nghiệp nhiều (cày xới nhiều), rừng phá đi để dành cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, các lớp thực bì ít đi, tăng độ xói mòn, phù sa về hạ lưu theo lý thuyết phải nhiều lên. Vấn đề là số liệu cụ thể như thế nào, đo đạc ra sao cần phải có những kiểm chứng. Phù sa trong đồng ruộng ở ĐBSCL ít đi là thực tế còn do nguyên nhân xây dựng hệ thống đê bao, bờ bao, cống bọng để chống lũ làm cho nước lũ ít vào đồng dẫn đến phù sa ít đi. Theo quan sát của Anh Bẩy Nhị nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, trên sông Hậu thường những cơn mưa lớn, nhất là có bão và áp thấp vào thượng Lào thì một tuần sau thấy nước sông Hậu lên nhanh và đỏ hơn. Thực tế năm nay không có tình hình đó. Từ đầu mùa tới nay nước toàn một màu bạc của đất sét (cao lanh) ở Campuchia. Màu hồng có xuất hiện thời gian gần như đỉnh lũ, nhưng cũng nhợt nhạt, không còn màu của đất Bazan của thượng Lào và Trung Quốc cho nên các đập nước sẽ gây ra lệch mùa: mùa nước nổi và mùa khô vốn có của tự nhiên, và làm kiệt nước hạ lưu đầu mùa mưa, tăng ngập lụt khi mưa vượt bình thường và các hồ sẽ xả lũ lúc đó sẽ là tai họa vì đã quen với tập quán lũ kém. Khối lượng phù sa mất đi do xây dựng hồ chứa là chắc chắn, nhưng không nhiều. Theo số liệu của MRC, năm 2009, trên lưu vực có 40 hồ chứa lớn trên sông nhánh với tổng dung tích 22 tỷ m3, và phía thượng lưu thuộc Trung Quốc có các hồ chứa với tổng dung tích là 21 tỷ m3. Như vậy, tổng dung tích khoảng 43 tỷ m3. Nếu thử tính tổng dung tích chết của các hồ bằng 10% tổng dung tích trên tức là 4,3 tỷ m3. Tạm coi đây là phần phù sa bị mất đi do trữ lại trong hồ. Nếu đem thể tích này chia đều cho diện tích vùng ĐBSCL là 39000 km2 thì đúng là hạ lưu sẽ không được bồi đắp khoảng 10cm. Tuy nhiên, giả thiết này thiên lớn vì không phải toàn bộ phù sa đề được lắng đọng ở đây. Mặt khác, cũng cần thấy rằng, khi xây dựng các công trình hồ chứa, người thiết kế phải quan tâm đến tuổi thọ công trình, liên quan mật thiết đến dung tích bồi lắng trong hồ. Do vậy, các công trình hồ chứa đều có công trình xả cát, phù sa để sự bồi lắng duy trì được cho đến hết tuổi thọ công trình. Việt Nam nên ứng phó như thế nào? Theo ý kiến của GSTS Phạm Hồng Giang chủ tịch hội đập lớn và nguồn nước Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là nếu dừng xây dựng thủy điện ở thượng lưu sông Mekong trong 10 năm, đúng là tốt cho Việt Nam nhưng có thể nói phát triển thủy điện hầu như ’không thể đảo ngược’! Không nơi nào trên thế giới này có nguồn thủy năng mà bị bỏ qua. Có điều trớ trêu là trong khi có nhiều ý kiến phản đối việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng sông Mekong thì một số tập đoàn kinh tế và Công ty của Việt Nam sang giúp Lào xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông Mekong!? Trên trang Web chính thức của Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đưa tin (Vietnam plans Mekong mega-dam in Laos 07:19 11/01/2008)! Tập đoàn Petro Việt Nam giúp Lào nghiên cứu khả thi đập thủy điện lớn gần Luang Prabang. Các công ty Việt Nam giúp Lào xây dựng đập các thủy điện như Sekaman 290 MW, và đập thủy điện Sekaman 250 MW (Sekaman bắt nguồn ở Quảng Nam, vùng biên giới VN-Lào, là phụ lưu của Sekong. Sekong đổ vào Mekong ở Attapu, Hạ Lào). Người ta có quyền đặt ra câu hỏi phải chăng đây là quyền lợi của một số nhóm lợi ích? Tuy nhiên, có ý kiến lập luận nếu Việt Nam không tham gia xây dựng thủy điện ở Lào thì Trung Quốc và Thái Lan sẽ làm ngay. Việt Nam xây dựng thủy điện ở Lào để đưa điện về Việt Nam và ta còn có thể ít nhiều tác động đến quy trình vận hành có lợi cho hạ du. Việt Nam là nước ở hạ nguồn, giải pháp tốt nhất là phối hợp chặt chẽ với MRC để có những nghiên cứu đánh giá toàn diện về quy hoạch phát triển lưu vực (BDP). Tiếp tục nghiên cứu đánh giá chi tiết, thấu đáo hơn tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đối với vùng hạ lưu vực là rất cần thiết. Cần có những quy định chặt chẽ ràng buộc về dòng chảy môi trường (dòng chảy cần thiết xả về phía hạ lưu các hồ bao gồm cả dòng chảy kiệt và dòng chảy lũ, thời gian duy trì dòng chảy), và cơ chế giám sát cũng như các biện pháp chế tài hữu hiệu để chia sẻ lợi ích, giảm thiểu các tác động đến môi trường cùng khai thác sử dụng dòng sông Mekong một cách vững bền. TS Tô Văn Trường

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/3724/201010/VN-ung-pho-the-nao-truoc-nguy-co-tu-cac-con-dap-1770952/