Virút Zika và những mối nguy cơ

Mới đây, Việt Nam phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm virút Zika. Tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Nam, chỉ số muỗi Aedes luôn cao, nên nguy cơ bệnh lây trong cộng đồng là rất cao. Ngoài ra, bệnh do virút Zika còn có khả năng lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn và truyền máu không an toàn.

Bệnh do virút Zika là bệnh tái nổi và lần đầu được phát hiện ở Uganda năm 1947 trên khỉ Rhesus và năm 1948 trên muỗi Aedes. Ổ dịch bệnh do virút Zika trên người được phát hiện vào năm 1952 tại Uganda và Tanzania. Trong những năm 2015 và 2016 tại khu vực Mỹ Latin ghi nhận sự gia tăng đột biến số ca nhiễm vi rút Zika và hiện đang có những diễn biến lây lan tại các khu vực khác trên thế giới, trong đó Đông Nam Á là một khu vực trọng điểm.

Vài nét về tình hình dịch bệnh

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tín đến ngày 14/9/2016 đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo có ca bệnh Zika, trong đó có 12 quốc gia có bằng chứng cho thấy có sự lây truyền trực tiếp Zika từ người sang người. Về hậu quả do nhiễm virút Zika, đến nay có 20 quốc gia báo cáo có ca bệnh đầu nhỏ và/hoặc rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương của bào thai có khả năng liên quan đến nhiễm Zika trong thai kỳ và có 18 quốc gia thông báo có sự gia tăng tỉ suất mới mắc các trường hợp GSB và/hoặc các trường hợp được xác định nhiễm Zika trong số các ca GBS. Tại khu vực Đông Nam Á, ca bệnh do virút Zika đã được ghi nhận tại 8/11 quốc gia bao gồm: Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Philippines, Indonesia, Lào, Malaysia.

Tại Việt Nam, bệnh Zika đã xuất hiện rải rác. Kể từ khi dịch Zika bùng phát mạnh trên khắp thế giới đến nay Việt Nam đã ghi nhận 3 ca xác định mắc bệnh Zika tại Khánh Hòa (tháng 3/2016), TP.HCM (tháng 4/2016), tại Phú Yên (tháng 8/2016). Mới đây, Việt Nam phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm virút Zika. Đến nay chưa ghi nhận trường hợp tử vong do nhiễm virút Zika tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận thông tin phản hồi từ các nước về những trường hợp bệnh Zika có tiền sử du lịch tại Việt Nam gồm: Úc (1 trường hợp), Hàn Quốc (1 trường hợp). Trong tháng 9/2016, một công dân Đức sinh sống và làm việc tại TP.HCM, được phát hiện nhiễm virút Zika khi du lịch tại Nhật Bản, và một công dân Đài Loan về Trà Vinh hơn 10 ngày, khi quay lại Đài Loan vài ngày thì được phát hiện nhiễm virút Zika.

Triệu chứng và những mối nguy cơ

Bệnh do virút Zika có thời gian ủ bệnh là từ 3 - 12 ngày và thường gây bệnh cảnh nhẹ, trong đó có đến 80% trường hợp là không triệu chứng. Những trường hợp có triệu chứng thường nhẹ như phát ban, sốt, viêm kết mạc không mưng mủ, đau cơ/đau khớp. Các triệu chứng bệnh thường kéo dài từ 2 - 7 ngày. Nguy cơ tử vong khi nhiễm virút Zika là thấp. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt trong ba tháng đầu, nhiễm virút Zika có nguy cơ gây dị tật về hệ thần kinh cho thai nhi, đặc biệt là di tật não nhỏ. Đây được coi là hậu quả nặng nề nhất của việc nhiễm virút Zika. Ngoài ra, người nhiễm virút Zika có nguy cơ mắc bệnh Guillain-Barré (GSB) cao hơn (GSB trong nhóm viêm đa rễ dây thần kinh, là một hội chứng với các biểu hiện tổn thương lan tỏa nơron thần kinh ngoại vi cả vận động và cảm giác; giảm vận động, cảm giác ở ngoại vi, thường biểu hiện cả hai bên, có tính chất đối xứng, ở gốc chi nhiều hơn ngọn chi, tổn thương có tính chất lan lên).

Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) và bệnh do virút Zika đều có thể bệnh nhẹ và không biểu hiện triệu chứng. Ở thể bệnh nhẹ, rất khó phân biệt giữa SXHD và Zika do cùng có các biểu hiện như: sốt nhẹ, đau nhức mình mẩy, nhức đầu… SXHD thường có biểu hiện sốt cao, đau nhức cơ nặng. Biến chứng nặng xuất hiện sau khi hết sốt vì vậy phải chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo như xuất huyết. Bệnh có thể gây tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Virút Zika lây truyền qua muỗi Aedes, tương tự như bệnh sốt xuất huyết. Tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Nam chỉ số muỗi Aedes luôn cao, nên nguy cơ bệnh lây trong cộng đồng là rất cao. Ngoài ra, bệnh do virút Zika còn có khả năng lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn và truyền máu không an toàn.

Đối tượng cần xét nghiệm virút Zika

Bệnh do virút Zika chưa thuốc điều trị đặc hiệu và hiện chỉ là điều trị hỗ trợ nâng đỡ. Việc dự phòng, điều trị bệnh nói chung, bệnh Zika nói riêng, với cá nhân phải được khám, khai thác tiền sử dịch tễ, lâm sàng đối với từng người cụ thể, không chỉ làm xét nghiệm. Hơn nữa các cơ sở xét nghiệm được Bộ Y tế chỉ định, trước khi xét nghiệm phải có các thông tin trên từ các cơ sở y tế gửi về cùng với mẫu xét nghiệm theo đúng chỉ định, quy định chuyên môn.

Hiện nay, việc xét nghiệm thực hiện cho những người nghi ngờ mắc Zika (có phát ban và có ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau: sốt, viêm kết mạc mắt, đau khớp, đau cơ):

- Ở nơi đã xác định ổ dịch hoặc nhập cảnh từ quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh do virút Zika.

- Có kháng thể IgM kháng virút Zika mà không có bằng chứng nhiễm virút flavi khác.

- Trên đối tượng phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Diệt muỗi và lăng quăng

Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh và biện pháp phòng ngừa bệnh do virút Zika hiệu quả nhất hiện nay vẫn là diệt muỗi và lăng quăng. Thêm vào đó, người dân cần chung tay với chính quyền và ngành Y tế thực hiện các biện pháp cơ bản sau:

- Dành 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và dẹp sạch lăng quăng ở trong và ngoài nhà.

- Tự bảo vệ mình để không bị muỗi chích bằng cách ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, sử dụng kem xua muỗi và bình xịt muỗi cầm tay.

- Mở cửa nhà và hợp tác với chính quyền, Y tế trong phun hóa chất diệt muỗi và tích cực tham gia diệt lăng quăng trong các chiến dịch ở địa phương để phòng bệnh SXHD và bệnh do virút Zika.

Ngoài ra, đối với người dân cần lưu ý các khuyến cáo sau:

- Không hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương; tuy nhiên, người đi, đến, về từ vùng có dịch bệnh do virút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.

- Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc từ vùng dịch trở về, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong suốt quá trình mang thai hoặc dự định có thai, hoặc hoặc trong ít nhất 6 tháng để phòng lây truyền Zika qua đường tình dục.

- Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh do virút Zika chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

Với phụ nữ mang thai hoặc dự định có thai:

Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virút Zika.
Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch và đi về từ vùng có dịch nếu có các triệu chứng như: sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, khám thai định kỳ.

Điều đáng lo ngại nhất là đối với phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần được xét nghiệm phát hiện virút Zika.
Các cặp vợ chồng, bạn tình đang sống tại vùng có dịch hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám và tư vấn trước khi quyết định mang thai.
Người từ vùng dịch trở về, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong suốt quá trình mang thai hoặc trong ít nhất 6 tháng để tránh lây truyền virút Zika.

TS.BS. Nguyễn Vũ Thượng

(Viện phó Viện Pastuer TP.HCM)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/virut-zika-va-nhung-moi-nguy-co-n124102.html