Vĩnh Phúc thực hiện đề án 01 với lĩnh vực giáo dục: Phải chuẩn bị kỹ nhân lực, vật lực trước khi triển khai

Mục đích quy hoạch lại mạng lưới các trường THPT trên địa bàn hướng tới các trường phải đạt chuẩn quốc gia trước năm 2020 theo Đề án 01 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đối với lĩnh vực Giáo dục dường như gặp nhiều lúng túng. Bên cạnh đó, thềm năm học mới cũng đã đến gần nhưng quyết định tách - sáp nhập trường chưa được ban hành, cơ sở vật chất, kế hoạch giảng dạy cho năm học mới vẫn bỏ ngỏ.

Vụ việc tách - sáp nhập Trường THCS và THPT Hai Bà Trưng quá gấp gáp vấp phải sự phản ứng của phụ huynh, học sinh. Ảnh: P.V

Quy hoạch vẫn thiếu chuẩn

Vừa qua, báo Lao Động có loạt bài liên quan tới việc tách - sáp nhập ngôi Trường THCS&THPT Hai Bà Trưng - ngôi trường liên cấp, có chất lượng giảng dạy, học tập với nhiều thành tích cao nhất, nhì trong tỉnh Vĩnh Phúc. Trong quá trình tìm hiểu, phân tích sự việc cho thấy nhiều bất cập trong quá trình thực hiện đề án số 01-ĐA/TU ngày 30.11.2016 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đối với lĩnh vực Giáo dục (sau đây gọi tắt là Đề án 01). Việc quy hoạch lại khối các trường THPT trong địa bàn tỉnh khiến các trường vốn có thể đủ điều kiện đạt chuẩn lại trở thành không đạt.

Cụ thể, đối với trường hợp sáp nhập khối THPT của Trường THCS&THPT Hai Bà Trưng vào Trường THPT Phúc Yên khiến trường không đủ diện tích đạt chuẩn quốc gia theo yêu cầu của tỉnh Vĩnh Phúc. Bởi lẽ, tiêu chuẩn riêng do UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề ra có nội dung để đảm bảo tiêu chuẩn đạt chuẩn quốc gia, diện tích bình quân phải đạt 30m2/học sinh.

Diện tích hiện tại của trường THPT Phúc Yên là 17.820m2 trên tổng số 587 học sinh, như vậy diện tích này đảm bảo 30,3m2/học sinh. Tuy nhiên nếu sáp nhập thêm 475 học sinh khối THPT của Trường THCS, THPT Hai Bà Trưng diện tích bình quân chỉ còn lại 16,77m2/học sinh. Như vậy, nếu sáp nhập lại, Trường THPT Phúc Yên sẽ thiếu diện tích để đạt chuẩn quốc gia.

Theo ông Trần Dũng Long - Phó Giám đốc Sở GDĐT Vĩnh Phúc - đây không phải chỉ là hiện trạng riêng đối với việc sáp nhập tại Trường THPT Phúc Yên mà tình trạng này xuất hiện ở hầu hết các huyện, thị còn lại.

“Ở thời điểm hiện tại, không có một trường sáp nhập nào có cơ sở vật chất chứa được cả 2 trường gộp lại cả, không riêng gì Trường THPT Phúc Yên. Tạm thời ở giai đoạn đầu, các trường THPT sau sáp nhập vẫn sử dụng cơ sở vật chất của hai nơi nhưng sau đó ngành GDĐT sẽ điều chỉnh quy mô để đảm bảo tất cả các trường sẽ vẫn đạt chuẩn quốc gia ở quy mô hiện tại.

Khi quy mô tăng lên ở những năm sau sẽ điều chỉnh, xây dựng mới những trường THPT hiện đại hơn. Ở giai đoạn tạm thời Trường THPT Phúc Yên sẽ chưa đạt chuẩn quốc gia. Trong đề án cũng ghi rõ, những năm tiếp theo sẽ điều chỉnh quy mô hoặc là mở rộng diện tích Trường THPT Phúc Yên hoặc xây dựng trường mới.

Sở GDĐT cũng đề xuất với thị xã Phúc Yên quy hoạch đất đai để Sở GDĐT đề xuất UBND tỉnh xây dựng một ngôi trường mới hiện đại cho trường này. Các cơ sở nhỏ hẹp như hiện nay sẽ bàn giao cho thị xã sử dụng cho mục đích giáo dục”, ông Long nói.

Trước câu hỏi, liệu trước năm 2020, tỉnh có thể xây dựng trường mới để đạt chuẩn, đại diện Sở GDĐT cho rằng, việc có xây dựng được trường mới trước năm 2020 hay không còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, nguồn lực của tỉnh. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GDĐT khẳng định, tỉnh sẽ không bỏ quy định về diện tích phải đủ 30m2/học sinh mới đạt chuẩn quốc gia.

Chưa chuẩn bị kế hoạch và cơ sở vật chất

Theo ghi nhận của PV, đến ngày 13.7, hai Trường THPT Phúc Yên và THCS&THPT Hai Bà Trưng mới chính thức được mời dự họp để thông báo về nội dung tách - sáp nhập.

Ông Nguyễn Vĩnh Long - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Yên - cho biết “Cho đến thời điểm này (ngày 21.7), BGH nhà trường vẫn đang chờ đợi quyết định chính thức của cấp trên về việc cụ thể sẽ sáp nhập như thế nào, đội ngũ quản lý ra sao, các thầy cô giáo cũng như học sinh của cả hai trường số lượng sẽ như thế nào… tất cả những điều đó chúng tôi vẫn đang chờ để có cơ sở xây dựng kế hoạch chuẩn bị cụ thể cho năm học mới”.

Cũng theo ông Long, hiện trường có 17 lớp với 23 phòng học. Số phòng học dư ra không nhiều, nếu có việc sáp nhập thì nhà trường sẽ bố trí thêm một số phòng thiết bị chưa sử dụng, chưa lắp đặt thiết bị, thậm chí, những phòng học cũ, lâu nay để chứa đồ, sẽ được sửa chữa lại để đáp ứng đủ phòng học. Còn về lâu dài chúng tôi sẽ có tờ trình đề nghị với Sở GDĐT cung cấp thêm cơ sở vật chất.

Nói về kế hoạch tựu trường khi cận kề năm học đã tới, ông Long cho biết, theo kế hoạch từ năm học trước thì ngày 1.8, học sinh của trường sẽ tập trung để nhận lịch trình học tập trong năm học mới. Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, việc sáp nhập khối THPT của Trường THCS và THPT Hai Bà Trưng vào Trường THPT Phúc Yên mới chỉ manh nha cách đây 2 tháng. Đến ngày 13.7, lãnh đạo 2 trường THPT có liên quan mới được thông báo. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu hoàn thành việc tách - sáp nhập trường trong tháng 7.2017. Như vậy, với thời gian ngắn, chưa chuẩn bị sẵn sàng về kế hoạch, cơ sở vật chất và trước sự phản ứng gay gắt của phụ huynh và học sinh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đưa ra các quyết định tách- nhập khiến dư luận đặt nhiều băn khoăn.

NHÓM PV

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/vinh-phuc-thuc-hien-de-an-01-voi-linh-vuc-giao-duc-phai-chuan-bi-ky-nhan-luc-vat-luc-truoc-khi-trien-khai-686091.bld