Vĩnh Phúc thu hút nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư

Với hơn 100 dự án đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc, Hàn Quốc là quốc gia có số dự án đứng đầu trong số 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh trong những năm qua. Đặc biệt là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực cuối năm 2015, thu hút vốn đầu tư Hàn Quốc vào Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi.

Với nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng cùng với cơ chế chính sách thông thoáng, trong những năm qua, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào tỉnh có chuyển biến tích cực.

Theo thống kê, tính đến hết tháng 8/2016, toàn tỉnh có 227 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 3,45 tỷ USD. Các quốc gia, vùng lãnh thổ có tổng vốn đầu tư lớn vào Vĩnh Phúc gồm: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về tổng vốn đăng ký đầu tư, số dự án đầu tư vào Vĩnh Phúc. Tính đến cuối tháng 8/2016, trên địa bàn tỉnh có 100 dự án đầu tư của Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư hơn 922,7 triệu USD, chiếm 44% tổng số dự án đầu tư FDI của tỉnh, hiện có 76 dự án đã đi vào sản xuất. Các dự án này góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số dự án được thực hiện bởi các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc như: Công ty TNHH Haesung Vina với tổng số vốn đăng ký là 59 USD; Công ty Jahwa Vina có số vốn đăng ký 45,2 triệu USD; Công ty Partron Vina với vốn đăng ký hơn 153 triệu USD…

Năm 2015, Vĩnh Phúc và Hàn Quốc ký kết Hiệp định VKFTA với nhiều ưu đãi trong cả lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, lẫn đầu tư. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp 2 nước có điều kiện để khai thác ưu đãi đầu tư mà cả hai dành cho nhau trong Hiệp định. Sau khi Hiệp định có hiệu lực, đến hết tháng 8/2016, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 10 dự án đầu tư mới đến từ Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký 45,07 triệu USD. Điển hình như dự án Solum Electronics Việt Nam và Dự án Nhà máy Samjin Vina thuộc lĩnh vực sản xuất, lắp ráp điện tử, máy tính, công nghiệp, xây dựng tại KCN Bá Thiện II với số vốn đăng ký lần lượt là 20 triệu USD và 10 triệu USD.

Bên cạnh những thuận lợi về vị trí địa lý, dân số, cùng với những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh như: Chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề và giải quyết việc làm; xây dựng cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc… đến hàng rào khu công nghiệp; áp dụng giá thuê đất ở mức thấp nhất trong khung quy định của Nhà nước, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm; thủ tục hành chính được công khai về quy trình, thành phần hồ sơ, mẫu biểu và được giám sát giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông qua phần mềm điện tử và được giải quyết theo cơ chế “một cửa liên thông”… Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm phối hợp cùng doanh nghiệp, thông qua các buổi gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp, qua đó nắm bắt những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong triển khai thực hiện dự án cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh PCI năm 2015 của tỉnh có bước tiến vượt bậc, tăng 2 bậc so với năm 2014, đứng vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư Hàn Quốc nói riêng và thu hút đầu tư FDI nói chung trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện xúc tiến đầu tư tại chỗ để thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và kết cấu hạ tầng.

Nhật Nguyên

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/vinh-phuc-thu-hut-nhieu-doanh-nghiep-han-quoc-den-dau-tu.html