Vĩnh Phúc: Nhiều công trình hồ đập cần đầu tư sửa chữa, nâng cấp

Trong mỗi mùa mưa bão, an toàn hồ đập tại các địa phương được đặt lên hàng đầu để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên hiện nay, theo thống kê trên địa bàn toàn tỉnh Vĩnh Phúc còn 55 hồ đập đang “ngắc ngoải” chờ nguồn kinh phí của tỉnh, điều đó có nghĩa cuộc sống của người dân đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” bởi nguy cơ mất an toàn từ các hồ đập này là rất lớn, nhất là khi thời điểm này chính là mùa mưa bão.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Xây dựng, tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 441 hồ, đập lớn nhỏ. Các công trình này đều do các Cty Thủy lợi quản lý; trong đó có 10 hồ lớn dung tích trên 2 triệu m3 và 1 đập dâng có quy mô lớn còn lại là các hồ đập nhỏ nằm rải rác tại các huyện trung du và miền núi. Hầu hết các hồ đập này đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, trong số đó hiện có 55 hồ, đập chứa nước đang bị rò rỉ nước thấm qua thân đập, cống lấy nước bị hư hỏng, tràn xả lũ không được gia cố, không đảm bảo thoát lũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố. Điển hình là 2 hồ lớn và có dung tích chữ lượng nước lớn là hồ Vân Trục hiện nay Tràn xả lũ phần đuôi tràn bị sạt, sói phần đá lát mái khoảng 10m3, chưa được sửa chữa; Hồ Bò Lạc, tràn xả lũ được gia cố bằng bê tong cốt thép, phần đuôi tràn phía bể tiêu năng bị sạt 3-4m từ năm 2008 chưa được sửa chữa, nguy cơ mất an toàn cho hạ du… Ngoài ra, còn các hồ khác đa phần hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều được xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng cách đây hàng chục năm, cùng với sự tác động của thời tiết, nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Các Cty thủy lợi tu sửa tạm thời những hồ đập bị hư hỏng.

Trước những cấp bách của nguy cơ mất an toàn của hồ đập, trong những năm qua, với vai trò là đơn vị quản lý theo đúng chức năng UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng phương án tu sửa lại các hồ đập, đồng thời xây dựng phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn các hồ đập. Tuy nhiên nguồn vốn không đủ để tu bổ, sửa chữa 55 hồ đập nói trên. Hiện nay Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc đã trình UBND tỉnh Vĩnh Phúc phương án hỗ trợ kinh phí để tu sửa hồ đập nhưng UBND tỉnh vẫn chưa có phương án để bổ sung kinh phí cho các hồ đập này. Đến khi nào UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới có phương án thông qua chương trình bổ sung nguồn vốn để tu sửa 55 hồ đập đang nguy cơ vỡ bất kỳ lúc nào, trong khi mùa mưa bão đã đến, người dân đang “thoi thóp” với từng cơn bão đổ bộ về, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp khó lường?

Thiết nghĩ, tỉnh Vĩnh Phúc cần khẩn trương bố trí kinh phí để các đơn vị quản lý hoàn thành quy trình vận hành, đặc biệt là 10 hồ đập có dung tích trên 3 triệu m3, cấp kinh phí xây dựng phương án bảo vệ hạ du các hồ chứa lớn, đặc biệt là hồ Đại Lải. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cắm mốc chỉ giới bảo vệ đập và lòng hồ, kiểm định các hồ chưa đúng thời gian quy định… Việc tỉnh Vĩnh Phúc sớm có phương án phòng bổ sung kinh phí tu sửa hồ đập và hạn chế thiên tai cụ thể, chi tiết cho từng công trình hồ, đập sẽ góp phần xử lý nhanh, kịp thời các tình huống xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ngọc Minh – Tuyết Tuyết

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/vinh-phuc-nhieu-cong-trinh-ho-dap-can-dau-tu-sua-chua-nang-cap.html