Vĩnh Phúc: Họp báo về việc sắp xếp mạng lưới trường học

THCL - Chiều 31/7/2017, tại hội trường Sở Giáo dục & Đào tạo Vĩnh Phúc, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức buổi họp báo về việc sắp xếp mạng lưới trường học trên địa bàn thị xã Phúc Yên.

THCL - Chiều 31/7/2017, tại hội trường Sở Giáo dục & Đào tạo Vĩnh Phúc, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức buổi họp báo về việc sắp xếp mạng lưới trường học trên địa bàn thị xã Phúc Yên.

Quang cảnh buổi họp báo

Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Vũ Khánh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông. Dự buổi họp báo có lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ngành liên quan; UBND thị xã Phúc Yên, phường Trưng Nhị, lãnh đạo Trường THCS và THPT Hai Bà Trưng. Đại diện một số cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc thì mục đích của việc sắp xếp lại mạng lưới trường học nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, cải thiện cơ sở vật chất các nhà trường, đồng thời, thực hiện nhiệm vụ chuẩn hóa các trường học theo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia. Việc sắp xếp lại mạng lưới trường học là một trong những nội dung quan trọng trong Đề án 01 của BTV Tỉnh ủy.

Để thực hiện nội dung trên, UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch thống nhất đối với bậc mầm non, tiểu học, THCS cơ bản giữ nguyên mạng lưới trường học như hiện tại; ở cấp THPT, huyện Vĩnh Tường giảm 1 trường, huyện Lập Thạch giảm 2 trường và thị xã Phúc Yên giảm 1 trường.

Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch, đề xuất UBND tỉnh cho thực hiện sáp nhập trường THPT Đội Cấn và THPT Hồ Xuân Hương của huyện Vĩnh Tường; sáp nhập Trường THPT Thái Hòa với THPT Liễn Sơn, Trường THPT Trần Nguyên Hãn với THPT Văn Quán của huyện Lập Thạch.

Riêng đối với thị xã Phúc Yên, việc chia tách, sáp nhập đối với Trường THCS và THPT Hai Bà Trưng khi mới có chủ trương đã xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều cũng như những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh học sinh.

Ngày 22/6, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với địa phương thống nhất đề xuất 1 trường THPT và tạm dừng giao chỉ tiêu tuyển sinh khối THCS của Trường THCS và THPT Hai Bà Trưng. Trên cơ sở đó, Sở đã có văn bản tạm dừng tuyển sinh lớp 6 năm học 2017 – 2018 đối với trường này để phối hợp với UBND thị xã chuyển khối học sinh THCS về Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý; sáp nhập khối THPT với Trường THPT Phúc Yên. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các văn bản, hồ sơ liên quan chuyển Sở Nội vụ thẩm định để báo cáo, xin ý kiến UBND tỉnh.

Đến ngày 20/7, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 5477 cho phép thành lập Trường THCS Hai Bà Trưng, thị xã Phúc Yên trên cơ sở tiếp nhận cơ sở vật chất Trường THCS và THPT Hai Bà Trưng. Ngày 21/7, UBND thị xã Phúc Yên đã ban hành Quyết định 1651 về việc thành lập Trường THCS Hai Bà Trưng. Ngày 28/7, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 2132 về việc tổ chức lại khối THPT của Trường THCS và THPT Hai Bà Trưng với Trường THPT Phúc Yên thành Trường THPT Hai Bà Trưng.

Tại buổi họp báo, đại diện phóng viên các cơ quan báo chí đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn đối với đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT xung quanh việc sắp xếp mạng lưới trường học trên địa bàn thị xã Phúc Yên, cụ thể về việc sáp nhập Trường THCS&THPT Hai Bà Trưng. Các câu hỏi tập trung vào các vấn đề như: Tính cấp thiết của việc sáp nhập? Những ưu điểm sau khi sáp nhập? Lộ trình sáp nhập đã phù hợp chưa? Những băn khoăn khi sáp nhập một trường có chất lượng cao với một trường THPT mới thành lập liệu có đảm bảo để nâng cao chất lượng giáo dục...

Trả lời các câu hỏi liên quan, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, UBND thị xã Phúc Yên đã giải trình làm rõ từng vấn đề cụ thể. Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT nhấn mạnh, về mặt lâu dài, sau khi sắp xếp lại mạng lưới trường học trên địa bàn thị xã Phúc Yên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục, trong tương lai gần, Trường THPT Hai Bà Trưng mới được sáp nhập sẽ sớm trở thành trường chuẩn quốc gia, trong khi đó, con em của phường Trưng Nhị có ngôi trường THCS riêng để học tập và phát triển. Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng khẳng định việc sáp nhập không phải là giải thể bất kỳ trường học nào mà đơn thuần chỉ là để đảm bảo yêu cầu sắp xếp lại bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng hoạt động của các trường học. Sau sáp nhập, tỉnh và các cơ quan liên quan sẽ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của toàn bộ đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng như học sinh các nhà trường.

Cũng tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông mong muốn, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với tỉnh để cung cấp tới độc giả những thông tin đúng đắn về sự cần thiết, mục đích, yêu cầu của việc thực hiện Đề án 01 của Tỉnh ủy, trước mắt là thông tin tới phụ huynh, học sinh các nhà trường về lợi ích của việc sáp nhập, từ đó, tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.

Long Trần

Nguồn TH&CL: http://thuonghieucongluan.com.vn/vinh-phuc-hop-bao-ve-viec-sap-xep-mang-luoi-truong-hoc-a40583.html