Vĩnh Phúc đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chính sách, giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh cơ chế, chính sách, Vĩnh Phúc còn thường xuyên đôn đốc các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền để mọi người dân có đầy đủ thông tin về lao động, việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động của một số nước...

Giai đoạn 2011- 2015, toàn tỉnh đã đưa được trên 6.700 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Số lao động xuất khẩu hàng năm có xu hướng tăng cao, nếu như năm 2011, Vĩnh Phúc có 806 người đi xuất khẩu lao động thì đến năm 2015 có 2.100 người đi xuất khẩu lao động. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đề ra mục tiêu bình quân mỗi năm đưa khoảng 2.000 người đi xuất khẩu lao động...

Để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định ban hành quy định về quản lý, tổ chức thực hiện một số chính sách nhằm hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Đây là một quyết định được các gia đình nghèo coi như pháo cứu sinh, tạo động lực cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Đối với hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng và một số chi phí xuất cảnh: Mức hỗ trợ đối với người là thân nhân người có công, là người dân tộc thiểu số, là lao động thuộc hộ nghèo đi làm việc, đi thực tập kỹ thuật có thời hạn ở nước ngoài được hỗ trợ học nghề ngắn hạn là 1.000.000 đồng/người/khóa học; hỗ trợ học ngoại ngữ: 3.000.000 đồng/người/khóa học; hỗ trợ học bồi dưỡng kiến thức cần thiết 530.000 đồng/người/khóa; hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học bồi dưỡng kiến thức cần thiết (thời gian ghi trên chứng chỉ học bồi dưỡng kiến thức cần thiết) là 15.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ chi phí đi lại cho người lao động từ nơi cư trú đến nơi học (01 lần cho cả khóa học) với người lao động thuộc các xã miền núi 400.000 đồng/lao động và người lao động thuộc các xã còn lại 300.000 đồng/lao động; hỗ trợ chi phí làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp mức 2.000.000 đồng/người. Riêng từ năm 2013 đến 2015, tỉnh đã dành trên 171,6 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, cho vay giải quyết việc làm và vay vốn xuất khẩu lao động.

Để bảo vệ các quyền lợi cho người lao động, giúp người lao động không bị lừa gạt... Vĩnh Phúc đã yêu cầu các doanh nghiệp, các tổ chức liên quan đến công tác xuất khẩu lao động phải nghiêm túc trong công tác tuyển dụng lao động và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có các hành vi, thủ đoạn lừa gạt người lao động để trục lợi. Tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh kiểm tra, rà soát, thẩm định các đơn vị, tổ chức có uy tín năng lực để phối hợp tìm hiểu thị trường lao động, mức thu nhập bình quân, sự ổn định công việc... để công tác xuất khẩu lao động đạt hiệu quả cao...

Văn Nhất

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/vinh-phuc-day-manh-cong-tac-xuat-khau-lao-dong.html