Vinh danh Văn Miếu - Quốc Tử Giám và văn bia Tiến sĩ

Hôm nay, ngày 25-2, Lễ đón Bằng công nhận Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt và Bằng công nhận 82 bia Tiến sĩ triều Lê - Mạc là Di sản Tư liệu thế giới thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện này thêm một lần nữa khẳng định vị trí đặc biệt của di sản Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại.

Bác Hồ tham quan bia Tiến sĩ

tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám năm 1960

Giá trị trường tồn của di sản

Theo sử sách, Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng vào thời nhà Lý, thế kỷ XI. Với chức năng là nơi thờ Khổng Tử – nhà tư tưởng, người xây nền móng cho Nho học, vừa là nơi đào tạo, bồi dưỡng tri thức của Nhà nước phong kiến. Với bề dày gần 1000 năm trường tồn, nơi đây đã đào tạo nên hàng ngàn các bậc Đại khoa, hiền tài cho đất nước. Là trung tâm giáo dục lớn nhất nước ta thời xưa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đồng thời cũng là nơi hun đúc nên bao truyền thống văn hóa giáo dục quý báu, trong đó có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, truyền thống trọng hiền tài của dân tộc. Cũng vì thế, các thế hệ người Việt Nam xưa và nay đều tôn vinh Văn Miếu – Quốc Tử Giám là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam.

Trải qua gần 1.000 năm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn là biểu tượng của nền văn hóa và trí tuệ Việt, là biểu tượng văn hóa Nho học tiêu biểu nhất của Hà Nội và cả nước. Sau 25 năm được Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám quản lý và khai thác, lượng khách đến tham quan, tìm hiểu tăng từ 300.000 lượt người lên trên 2 triệu lượt người/ năm.

Có thể nói, trong hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa, phía cơ quan quản lý và khai thác di tích này đã biết cân bằng giữa hai thái cực: bảo tồn và phát triển Văn Miếu trong dòng chảy của cuộc sống đương đại. Được sự ủng hộ hết lòng của các nhà khoa học, Trung tâm hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tận dụng được trí tuệ của các nhà khoa học, chính trị, văn hóa, quản lý, công ty lữ hành, đều đồng tâm với mục đích, giữ gìn, phát huy giá trị của Di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân trong cả nước, cũng như khách tham quan.

Niềm tự hào chung của cả thế giới

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia: Khi được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã vượt ngoài tầm của Thủ đô và trở thành là di tích của cả nước. Điều đáng tự hào hơn, cách đây 3 năm, ngày 9-3-2010 tại Macau, Trung Quốc, trong phiên họp toàn thể thường niên Ủy ban Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, Hồ sơ 82 Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442 - 1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

82 tấm bia đá các khoa thi Tiến sĩ Triều Lê, Mạc đã ghi danh hơn 1000 tiến sĩ, chứng tỏ cha ông ta từ xa xưa luôn quan tâm tới đào tạo nhân lực và tạo điều kiện cho nhân lực đó tham gia vào việc quản lý chính quyền của triều đình. Bài học đó vẫn luôn thiết thực với chúng ta trong thời kỳ đổi mới. Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sĩ triều Lê, Mạc là Di sản Tư liệu Thế giới trên phạm vi toàn cầu là niềm tự hào về văn hóa của Việt Nam. Như vậy, tính đến nay Việt Nam có 3 di sản Tư liệu ký ức thế giới là Mộc bản triều Nguyễn, Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm và Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Điều này đã cho thấy giá trị của di sản Việt Nam trong kho tàng di sản của thế giới. Đồng thời cũng mở ra những cơ hội lớn cho phát triển du lịch di sản, du lịch tâm linh.

"Bia đá ở nước nào cũng có, nhưng những văn bia ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám quý hiếm vì có nội dung do những người đỗ đạt cao nhất soạn ra thể hiện được lịch sử nền Nho học Việt Nam, lịch sử thi cử Việt Nam, là pho sử sống về giáo dục, đào tạo ở Việt Nam. Cùng với những giá trị về lịch sử, 82 văn bia còn mang những giá trị to lớn về kiến trúc nghệ thuật với tính chân thật lịch sử của đất nước làm từ chất liệu đá. Mỗi một tấm bia là một tác phẩm điêu khắc đá, như một thư pháp điển hình của Việt Nam, làm phong phú đời sống văn hóa của đất nước ta và làm đa dạng di sản văn hóa thế giới” - TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh.

Ngọc Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=61443&menu=1420&style=1