Vinh danh nhưng không để lợi dụng, biến tướng

Tối 1-12 theo giờ Việt Nam, một sự kiện văn hóa đã diễn ra tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO ở Ethiopia: di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Với sự kiện văn hóa này, hẳn những tranh cãi lâu nay về Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (trong đó, nghi lễ quan trọng nhất là hầu đồng), không chỉ sẽ chấm dứt, mà Thực hành Tín ngưỡng này còn được vinh danh đúng với vị trí của nó trong đời sống tinh thần người Việt. Mấy năm trước, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội đã vài lần tổ chức liên hoan nghi lễ chầu văn, nhưng vẫn gặp phải những ý kiến trái chiều.

Rõ ràng, việc các nhà văn hóa, cơ quan quản lý văn hóa dần đưa Thực hành Tín ngưỡng về lại với công chúng, để xóa bỏ những nghi ngờ, gán ghép với mê tín dị đoan, qua đó thông tin đầy đủ hơn về một tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền của người Việt, là con đường đi đúng đắn để di sản văn hóa này được nhận diện và tôn vinh.

GS. Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, chia sẻ: Lâu nay người ta cứ đồn thổi về hầu đồng, rằng nó ghê gớm lắm và che phủ nó bởi một bức màn huyền bí và đầy nghi hoặc. Vì thế, việc giới thiệu với công chúng là sự cần thiết, để vén bức màn bí ẩn mà người ta đã dựng lên quanh hầu đồng và cũng là cách dần đưa hoạt động hầu đồng - hát văn dần trở về với quỹ đạo vốn có của nó.

Theo GS. Ngô Đức Thịnh, hầu hết Thanh Đồng đều có tâm lý không bình thường, hoặc từng chịu những biến cố, như ốm đau liên miên, mà trong nghề gọi là có “căn số”, bị “cơ đày”. Tính cách và bối cảnh sống có thể gây cho người ta ẩn ức, làm rối loạn tâm lý và nghi lễ lên đồng là một môi trường để khai mở sự vô thức, giúp trở lại trạng thái cân bằng. Về mặt khoa học, điều này phù hợp với nghiên cứu phân tâm học của bác sĩ tâm lý nổi tiếng người Áo Sigmund Freud.

Hầu đồng là hình thức tự thôi miên, để hiện thân cho vị thánh được nhập vào. Vì thế, các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, nghi lễ chầu văn thực chất là ca ngợi các vị anh hùng dân tộc, truyền bá tình yêu quê hương, đất nước thông qua hình thức diễn xướng nghệ thuật sinh động.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mang đến sự thưởng thức cả về nghệ thuật thị giác và thính giác, qua âm nhạc và dân vũ trong những trang phục truyền thống sặc sỡ trên sân khấu tâm linh. Các làn điệu trong nghi lễ có tính mở, nên từ 30 làn điệu gốc nay có khoảng 60-70 làn điệu.

Trong sự giao thoa, nghi lễ có tính bản địa hóa cao các bài dân ca của nhiều vùng: ở trung du thì thêm điệu Then, về miền Trung thì xen vào những giai điệu của dân xa xứ nghệ, vào tới miền Nam thì lại mang âm hưởng của vọng cổ… Vì thế, chứng kiến nghi lễ hầu đồng, nhiều người ngỡ ngàng về sự phong phú của các làn điệu, khi hầu đồng hôm nay có các ca khúc hiện đại được biến tấu, như “Hoa đẹp chăm-pa”, “Làng quan họ quê tôi”, “Người Mèo ơn Đảng” vv... Xưa kia, cung văn chỉ có 2 người: một đàn nguyệt, một phách, còn nay, có cả nhị, kèn tàu, sáo, thập lục, trống cái vv…

Anh Nguyễn Phạm Thanh Long, một cung văn nổi tiếng trong giới chầu văn ở Hà Nội cho biết: Anh đã có gần 20 năm theo nghiệp hát văn và vẫn luôn bất ngờ trước sự phong phú, linh hoạt của chầu văn. Đến mỗi vùng, miền, chầu văn lại có sự tiếp biến mạnh mẽ, nhưng không mất đi sự mộc mạc vốn có. Hầu hết những người hát chầu văn đều do truyền khẩu từ gia đình, hoặc từ những người giỏi hát văn, nên cùng với chất giọng mượt mà, ngọt ngào, là kỹ thuật thanh âm rất chuẩn. Đặc biệt là trong nghi lễ, các cung văn phải hát trực tiếp, vì thế, chưa một ai chứng kiến người hầu đồng mà lại mở băng đĩa dù các cung văn, các nghệ sĩ chèo phát hành nhiều băng đĩa.

Tuy nhiên, cùng với việc vinh danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, cũng cần hết sức thận trọng trong việc tuyên truyền và quản lý, để hầu đồng không bị lợi dụng, biến tướng.

GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng, do lâu nay hầu đồng bị cho là mê tín nên hiểu biết về nó của người dân còn rất hạn chế. Ngay cả những người tự xưng là ông đồng, bà cốt thì có tới 9/10 người không hiểu rõ về tín ngưỡng họ đang theo đuổi, dẫn tới việc thực hành sai lạc, thậm chí lừa đảo. Không như nhiều nghi lễ khác, nói chung các thanh đồng không thể học mà thành, mà thường phải là những người có “căn” có “cốt”.

Nhưng bây giờ, bên cạnh những người được coi là có “căn” ấy, vẫn tồn tại một lượng lớn người có thời gian, tiền bạc và thích ra hầu đồng mà những người trong giới gọi họ là “đồng đú, đồng đua”. Phần lớn việc trục lợi, mang lại tiếng xấu cho hầu đồng xảy ra với bộ phận này, như cho rằng đặt nhiều lễ vật, đốt nhiều đồ mã là linh thiêng, là cầu được nhiều tài lộc.

GS. Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng, không phải cứ ra trình đồng, hầu đồng, nhiều lễ vật thì thánh sẽ “đỡ” cho mọi sự tai qua nạn khỏi, bách bệnh tiêu tan, mà khi ốm đau vẫn phải đi bệnh viện. Đến với hầu đồng bởi đó là một nơi gửi gắm niềm tin, tạo nên một sức mạnh tinh thần, chứ không phải là các nghi lễ mang mầu sắc huyễn hoặc. Việc hiểu không đúng về nghi lễ hầu đồng, hát văn sẽ dẫn đến việc thực hành nghi lễ sai, thậm chí biến dạng, không còn giữ được quy chuẩn của thuở ban đầu.

Theo hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, đây là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi. Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo. Nam Định được coi là trung tâm Thực hành Tín ngưỡng này với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu. Thực hành Tín ngưỡng này như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/vinh-danh-nhung-khong-de-loi-dung-bien-tuong-419675/