Vĩnh biệt vị tướng canh trời giữ biển

Nổi bật nhất trong đời quân ngũ của Chuẩn Đô đốc, Thiếu tướng Trần Văn Giang là người chỉ huy sắc sảo trong chiến đấu, tác phong giản dị và yêu quí bộ đội như ruột thịt của mình. Đó là đức tính “dĩ bất biến” của người lãnh đạo, mà thế hệ sĩ quan chỉ huy nào cũng cần học tập và noi gương.

Vang vọng mãi một thời trận mạc

Sáng 5-11, tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Phạm Ngũ Lão, Quận Gò Vấp, TP.HCM, hàng ngàn lượt tướng lĩnh quân đội, cán bộ chiến sĩ, đồng chí đồng đội, bạn bè, thân hữu, gia quyến đến tiễn biệt thiếu tướng Trần Văn Giang, nguyên chính ủy Quân chủng Hải quân về nơi an nghỉ cuối cùng.

Thiếu tướng Trần Văn Giang được biết đến là một trong những nhân vật đặc biệt của lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông là chính ủy Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội và sau này là Chính ủy Quân chủng Hải quân.

Ông đã về với mây trời, biển lặng ngày 3-11 ở tuổi 93, song những cống hiến to lớn của ông cho đất nước còn đọng mãi. Ngay trong buổi tiễn biệt ông, nhiều sĩ quan quân đội cùng thời với ông vẫn nhắc “Tướng Giang là hiện thân của một phần lịch sử quân sự Việt Nam”.

Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang (thứ hai từ trái) trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia Liên Xô , ảnh TL gia đình.

Trong điếu văn tưởng niệm của ban lễ tang tại lễ truy điệu Chuẩn Đô đốc Trần Văn Giang tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng sáng 5-11, nêu rõ công lao to lớn của Thiếu tướng Trần Văn Giang trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

“Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang là hiện thân của lòng dũng cảm trong chiến dịch Điện Biên Phủ… Thế hệ cán bộ chiến sĩ đời đời nhắc nhớ, Tổ quốc và nhân dân mãi ghi công ông, thế hệ trẻ noi gương đồng chí về tính kiên trung và lòng dũng cảm”

Ông là một trong số cán bộ trực tiếp tham gia, chỉ huy đơn vị trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và trận Điện Biên Phủ trên không (12-1972). Mặc dù trẻ tuổi, song ông đã có chí khí của người chỉ huy trên chiến trường đánh giặc. Thực hiện chỉ lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông chỉ huy bộ đội “đánh nhanh thắng nhanh, sang đánh chắc tiến chắc”, phối hợp với các đơn vị tham gia chiến dịch tiêu diệt nhiều giặc trời trên bầu trời Điện Biên Phủ, góp phần đưa trận đánh đến thắng lợi hoàn toàn.

Có mặt trong lễ tiễn đưa người đồng đội, Đại tá Hoàng Kim Nông, nguyên Phó Lữ đoàn trưởng chính trị Lữ đoàn 171 không cầm được nước mắt. Ông nghẹn lòng nói trong niềm thương tiếc: “Với tôi, anh Giang là đồng đội, một người anh chỉ huy gương mẫu sáng tạo đặc biệt. Anh đã có nhiều đóng góp cho quân đội và cách mạng. Dẫu qui luật của đời người là sinh tử, nhưng tôi thấy lòng đau quá”.

Cố Chuẩn Đô đốc Trần Văn Giang.

Đại tá Nông kể lại, sau chiến dịch Điện Biên phủ, ông được điều động giữ chức vụ chính ủy Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội rồi chính ủy Bộ tư lệnh Phòng không Hải Phòng. Đây cũng là thời gian chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc. Với chức trách được giao, Chính ủy Trần Văn Giang hoàn thành tốt nhiệm vụ

Tháng 7-1974, vị chính ủy của Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội Trần Văn Giang được bổ nhiệm làm Chính ủy Quân chủng hải quân. Ông đã chỉ huy một cánh quân hải trình ra giải phóng quần đảo Trường Sa năm 1975.

Trực tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho chính ủy Trần Văn Giang cùng đơn vị chuẩn bị lực lượng giải phóng Trường Sa.

“Trong chiến đấu, Anh Giang luôn là người chỉ huy xung trận trước. Trong một trận đánh địch năm 1967, đơn vị có 10 chiến sĩ hi sinh. Nén đau thương, anh Giang vẫn dẫn quân ra trận. Chính lòng dũng cảm và tính quyết đoán của người chỉ huy đã giữ vững trận địa tư tưởng cho bộ đội yên tâm chiến đấu. Anh Giang ra đi, nhưng trận mạc của anh vẫn còn vọng mãi để thế hệ bộ đội Việt Nam hôm nay tự hào và tiếp bước”, Đại tá Nông, nói

Thi sĩ của biển khơi

Cán bộ chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam còn biết đến người chỉ huy của mình là một thi sĩ tài năng với nhiều cuốn sách làm say lòng độc giả, trong đó có những cuốn sách được tái bản đến 8 lần như cuốn: Bác Hồ kể chuyện Tây du ký.

Trong “góc văn chương” ấy, có những bài thơ sống mãi trong lòng người mến mộ. Đó là bài thơ được phổ thành bài hát và được cán bộ chiến sĩ hải quân vẫn truyền tụng hát như một sự chân thành biết ơn, như tác phẩm “Chim nhạn”, “Có những tuổi 20 như thế”, “Còn có kiếp sau”, “Mãi còn yêu”...

Tướng Giang quê gốc ở Hải Phòng nhưng lại chọn TP Hồ Chí Minh làm quê hương thứ hai của ông. Ông có ba người con. Các con cháu của ông đều thành đạt. Người con trai cả là tiến sĩ đang giảng dạy trong một trường đại học tại Úc. Con rể là Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn giám đốc Bệnh viện 175.

Bài thơ “Có những tuổi 20 như thế” của ông được con rể Thiếu tướng Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn phổ nhạc thành những lời ca xúc động như lời cuối viếng người cha vợ kính yêu: Tôi ngã xuống giữa lòng đất mẹ đỏ/ Tôi nằm đây thanh thản một cuộc đời/ Cỏ cây xanh mỗi ngày mỗi mới/ Và bầu trời xanh thẳm phủ trên tôi/ Có những tuổi hai mươi như thế/ Có những tuổi hai mươi như tôi

Thiếu tướng Trần Văn Giang sinh năm 1924; quê quán: Xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng; trú quán: Số 26, Yên Thế, phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cán bộ lão thành cách mạng; nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân.

Ông mất lúc 12g15 ngày 3-11-2016 tại Bệnh viện quân y 175 hướng thọ 93 tuổi. Do có nhiều công lao đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Chiến công hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huân chương Hữu nghị do Nhà nước Cu-ba, Liên Xô trao tặng; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Lê Đình

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thoi-su/vinh-biet-vi-tuong-canh-troi-giu-bien-415726/