Vĩnh biệt ông Nguyễn Phúc Giác Hải - người cãi lại 'ngày tận thế'

Ông Nguyễn Phúc Giác Hải là cán bộ khoa học đầu tiên nghiên cứu về khả năng đặc biệt của con người, không học hàm, học vị nhưng ông từng một mình 'cãi' lại thông tin 21/12/2012 là ngày tận thế…

Người kết thúc tranh cãi tác quyền bài hát Tiến Quân Ca

Ngày 31/8, tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) đã diễn ra lễ viếng và truy điệu ông Nguyễn Phúc Giác Hải - một nhà khoa học không học hàm, học vị nhưng tên tuổi đã quen thuộc với người dân cả trong và ngoài nước. Ông đã dành cả cuộc đời nghiên cứu về những vấn đề tâm linh. Và cuộc đời ông có rất nhiều điều kỳ lạ.

Lễ tang long trọng của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải ngày 31/8/2016 tại Nhà tang lễ Quốc gia. Ảnh: Hà Dương

Lễ tang long trọng của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải ngày 31/8/2016 tại Nhà tang lễ Quốc gia. Ảnh: Hà Dương

Ông Nguyễn Phúc Giác Hải sinh ngày 29/11/1934 tại Hải Phòng trong một gia đình nhà giáo. Quê ông ở Phú Xuyên, Hà Tây cũ.

Từ bé ông đã có những tố chất thông minh, ham học, ham hiểu biết và thích khám phá. Ông thích đọc sách và ham sáng tác truyện thám hiểm các vùng đất mới, nhất là Tây Nguyên…

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm bằng giỏi về ngành Sinh học, ông về giảng dạy tại trường Bổ túc Công nông Trung ương, rồi làm công tác nghiên cứu về di truyền học tại Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam).

Ông là một trong những cán bộ khoa học đầu tiên ở Việt Nam ủng hộ học thuyết di truyền của Menden và Morgan – mà khoa học chính thống nhiều năm sau mới thừa nhận.

15 năm trước rộ lên chuyện tranh cãi tác quyền quốc ca Việt Nam (trong khi nhạc sĩ Văn Cao còn sống) và có phần càng phức tạp. Cơ quan bảo vệ quyền tác giả Việt Nam đã cho đăng nguyên văn bài viết của Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải với kết luận nhạc sĩ Văn Cao là tác giả Tiến quân ca - và coi đó là kết luận của cơ quan bảo vệ quyền tác giả Việt Nam, chấm dứt cuộc tranh luận.

Người “cãi” lại dự báo ngày tận thế 21/12/2012

Ông Nguyễn Phúc Giác Hải là một trong những cán bộ khoa học đầu tiên nghiên cứu về khả năng đặc biệt của con người.

Thập kỷ 70 của thế kỷ XX, ở làng Đại Yên (Hà Nội) có cụ Nguyễn Đức Cần (cụ Trưởng Cần) chữa khỏi bệnh mà không dùng thuốc, không lấy tiền và có thể chữa từ xa – đã bị dư luận phủ nhận.

Nhưng hiện tượng lạ và đặc biệt đó khiến ông và một số nhà khoa học đã âm thầm nghiên cứu và khẳng định khả năng đặc biệt của cụ Cần, được coi là bước đi đầu tiên của khoa học ngoại cảm Việt Nam.

Đặc biệt ông đã đầu tư công sức, trí tuệ tìm hiểu về tên nước Việt Nam, dầy công nghiên cứu sấm Trạng Trình, thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, văn bia, sang tận London (Anh) tìm tư liệu và kết luận: Quốc hiệu Việt Nam đã xuất hiện từ thế kỉ XVI.

Năm 1990, ông trở lại làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam, chuyển hướng nghiên cứu về những người có khả năng đặc biệt, trở thành người quy tụ các nhà ngoại cảm, những người có khả năng đặc biệt.

Khi về hưu, ở cương vị Chủ nhiệm bộ môn Dự báo trong Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (thuộc Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam), ông tiếp tục tìm kiếm bằng chứng khoa học về thế giới vô hình, chụp ảnh người âm, nghiên cứu khả năng thấu thị của các nhà ngoại cảm trong việc tìm mộ liệt sĩ và tìm tài sản quốc gia…

Ngày 21/12/2012, thông tin “ngày tận thế” làm nhiều người lo lắng. Nhiều báo đã phỏng vấn ông – khi đó là Chủ nhiệm Bộ môn Thông tin dự báo - Viện Nghiên cứu ứng dụng Tiềm năng con người, Ủy viên BCH Hội Thiên văn - Vũ trụ Việt Nam. Và ông đã hùng hồn công bố với báo giới rằng: “Ngày 21/12/2012 mọi người hãy yên tâm ngồi uống cà phê, vì sẽ không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra”. Trưa ngày 21/12/2012 ông đã vui vẻ nhận lời uống cà phê cùng nhiều nhà tâm linh trẻ ở quán cà phê 32 Hào Nam.

Và “ngày tận thế” đã không xảy ra như đồn đoán.

Nhà khoa học tâm linh nhiệt tâm

Ông Nguyễn Phúc Giác Hải đã 3 lần bị đột quỵ. Sau mỗi lần hồi phục, ông tiếp tục viết cuốn sách về Hằng số vũ trụ. Nằm trên giường bệnh, điện thoại ông vẫn reo liên tục, bởi các nhà ngoại cảm luôn tục hỏi ý kiến, các phóng viên xin phỏng vấn, các đồng nghiệp chia sẻ công việc… Ông phải tuyển một thư ký chuyên ở bên cạnh nghe ông đọc và đánh máy ngay lại những điều ông nói.

Lần thứ 3 căn bệnh hiểm nghèo ập đến… khi công việc còn dang dở. Và lần này thì rất nặng. Trước khi vào bệnh viện, ông vẫn gọi điện bảo đồng nghiệp: “Có mấy ngày chờ đợi nhập viện, tôi có thể tranh thủ làm gì đó có ích cho viện mình”. Ông tiếp tục vận động kinh phí cho Hội nghị khoa học “Nghiên cứu và Ứng dụng khả năng đặc biệt của con người” toàn quốc sắp tới.

Đông đảo các nhà tâm linh, ngoại cảm đã tiễn đưa nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải về cõi vĩnh hằng. Ảnh: Hà Dương

Hồi 14 giờ 27 phút ngày 27/8/2016 (tức 25/7 năm Bính Thân), trái tim đầy nhiệt huyết của nhà khoa học tâm linh Nguyễn Phúc Giác Hải đã ngừng đập tại Bệnh viện Hữu nghị.

Sự ra đi của nhà nghiên cứu đầy nhiệt tâm, say mê, xả thân vì khoa học là tổn thất rất lớn cho gia đình, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người nói riêng và lĩnh vực nghiên cứu tiềm năng con người Việt Nam nói chung.

Nhà khoa học nghiên cứu thông tin dự báo Nguyễn Phúc Giác Hải là một trong những thành viên chủ chốt sáng lập ra Viện Nghiên cứu & Ứng dụng Tiềm năng con người, đảm nhận cương vị Phó Viện trưởng, Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học dự báo…

Năm 1963, ông viết cuốn “Những điều kỳ lạ trong thế giới sinh vật”, NXB Giáo dục xuất bản, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên gửi tặng bằng khen.

Ông là đồng tác giả cuốn sách quý: “Nguyễn Đức Cần, Nhà văn hóa tâm linh”. Năm 1994 ông viết cuốn: “Từ nguyên tử đến con người do NXB Giáo dục xuất bản.

Năm 1983, tờ Tuần tin tức Mat-xcơ-va (Les Nouvelles de Moscow) tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu về nước Nga, ông Nguyễn Phúc Giác Hải đã gửi bài dự thi bằng tiếng Pháp, giành giải Nhất.

Cuộc thi nhân dịp Kỷ niệm 40 năm chiến thắng phát xít của Đài PT&TH Tasken, ông cũng giành giải Nhất.

Năm1985, ông được mời sang thăm nước CHXHCN xô viết Uzbekistan, được đài truyền hình mời trò chuyện, mời viết lưu bút "Nhân danh sự sống trên Trái Đất" tại nghĩa trang liệt sĩ vô danh, và báo chí Nga đã viết rất nhiều về ông.

Hà Dương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vinh-biet-ong-nguyen-phuc-giac-hai-nguoi-cai-lai-ngay-tan-the-20160831175710638.htm