Vĩnh biệt NSƯT Út Bạch Lan: Đóa hoa lan trắng đã bay về trời...

Thông tin nghệ sĩ Út Bạch Lan qua đời tối qua lúc 22g45 ngày 4.11.2016 đã để lại nhiều thương tiếc. Bởi bà được xem là “cây đại thụ” trong làng cải lương Nam Bộ, là một nữ nghệ sĩ hết lòng với nghề, với đời…

NSƯT Út Bạch Lan hồi trẻ đã được mệnh danh là “Sầu nữ” bởi bà ca bài vọng cổ Hoa lan trắng nghe mà não ruột. Biệt danh này được bắt đầu từ bài vọng cổ Hoa lan trắng do tác giả Viễn Châu viết tặng bởi nó nói lên cuộc đời đau buồn, nhiều nỗi niềm của bà.

NSƯT Út Bạch Lan khi còn trẻ

Nghệ sĩ Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai. Bà sinh năm 1935 tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An trong gia đình nghèo khó. Sự khởi nghiệp của bà là cùng danh cầm Văn Vĩ. Nhờ nhân duyên mẹ của hai người sống trong trạm gác cũ, kết nghĩa chị em hai. Văn Vĩ đánh đàn bà hát, nhờ một ông lão tốt bụng mở cho một lớp để hai người dạy đàn ca vọng cổ. Một hôm cô Năm Cần Thơ tìm tới mời hai người lên đài phát thanh Pháp Á để thu bài "Trọng Thủy – Mỵ Châu" rồi được ký luôn một hợp đồng làm việc cho đài. Từ đó bà chính thức bước vào nghề hát.

Nghệ sĩ Thành Được và nghệ sĩ Út Bạch Lan khi còn trẻ

Vào những của thập niên năm mươi, cặp diễn viên Út Bạch Lan – Thành Được đã làm rạng rỡ sân khấu Kim Chưởng. Bà và nghệ sĩ Thành Được đã làm nên thương hiệu của đoàn Thanh Minh Thanh Nga rồi sau đó kết hôn với nhau. Một thời gian thì cuộc tình cũng chia tay (1961-1964), bà phải nuôi bốn đứa con của chồng.

Không biết có phải do mang tên một loài hoa mỏng manh, u buồn, hay vì giọng ca u sầu đã "vận" vào mà cuộc đời của NS Út Bạch Lan lại có nhiều nỗi éo le, buồn tủi. Khi còn đứng chung trên sân khấu Thanh Minh, nghệ sĩ Út Bạch Lan cùng nghệ sĩ Thành Được chính thức kết duyên loan phượng trong chúc phúc của bạn bè đồng nghiệp và khán giả mộ điệu. NS Thành Được đẹp trai, có tài nên rất đào hoa, được nhiều phụ nữ theo đuổi. Vì thế, lấy nhau chưa được bao lâu, NS Út Bạch Lan đã phải nén đau đớn nuôi con riêng cho chồng để làm đẹp lòng chồng, giữ cho trong nhà yên ấm. Rồi lần thứ hai, thứ 3 nữa, người ta đã mang con tới nhà, nói là con của chồng mình, Út Bạch Lan đã khóc thật nhiều và lại nhận nuôi dưỡng những đứa con riêng của chồng. Hai người chia tay, bà lại nuôi hai đứa con riêng của chồng bởi cũng không nỡ bỏ chúng khi còn nhỏ dại, mà để chồng cũ nuôi thì bà lại chẳng thể yên tâm.

Không có được một đứa con chung, nuôi con chồng như con mình, rồi dựng vợ gả chồng, vậy mà khi mẹ ruột quay trở về xin nhận lại con, bà lại nhiệt tình hoàn tất thủ tục để trả con.

Nghệ sĩ Út Bạch Lan đã biết sống nhẫn nhịn giữa cuộc đời bằng tấm lòng nhân hậu. Những nỗi đau, những bất hạnh trải qua như giúp NS Út Bạch Lan hát hay hơn và sự yêu thương của khán giả cùng niềm yêu thương và tôn kính của bao lớp nghệ sĩ trẻ đã bù đắp cho những mất mát trong hạnh phúc riêng của bà.

Niềm vui cuối đời của bà là đi làm từ thiện, ăn chay trường tụng kinh, niệm phật. Ảnh: NLĐ

Chính vì nỗi buồn quá lớn này mà nhạc sĩ Viễn Châu phải cầm bút viết tặng bà bài vọng cổ để đời, Hoa lan trắng để rồi từ đó, đi đâu, người ta cũng yêu cầu bà hát bài này. Bài hát buồn, cuộc đời buồn thế là khán giả đặt cho bà biệt danh "Sầu nữ".

Lúc sinh thời, NSƯT Út Bạch Lan hay kể, bà đi đâu, hát gì cuối cùng khán giả cứ xin bà hát bài Hoa lan trắng, bài hát buồn mà khán giả thích nghe. Có lần bà hỏi khán giả: “Nghe Hoa lan trắng hoài cô bác không ngán sao?”. Bà con trả lời: “Không ngán, không ngán!”.

Nói về cuộc hôn nhân duy nhất của mình, có lần tâm sự trên báo, bà dịu dàng nói: “Bây giờ tôi không muốn nói gì dính tới Thành Được nữa, vì hai người đã già rồi, mọi thứ hãy cho qua. Nghĩ lại thì hồi trẻ ai cũng có lỗi. Ổng thì trăng hoa, còn tôi thì nhỏ nhặt. Đã biết có chồng đẹp trai, lại tài danh, nhiều cô đeo đuổi, thì mình cũng nên chịu đựng một chút. Đằng này mình cũng ghen. Nhưng vì giữ cho cái tên Thành Được - Út Bạch Lan vẫn là một “liên danh” đẹp trên sân khấu nên tôi có phần nhỏ nhẹ hơn. Mà nói gì thì cũng không nên nói tốt cho bản thân, nhất là khi kể chuyện một hồi thể nào cũng hưng phấn rồi nói quá lên. Thôi, vợ chồng không tình cũng nghĩa, bỏ qua hết”.

Khi tuổi đã xế chiều, bỏ lại sau lưng những nỗi buồn của cuộc đời, bà gửi tâm mình vào cửa Phật. Không xuống tóc quy y, bà ăn chay trường, đêm về đọc kinh, ngày chọn sân chùa làm sân khấu, hát những bài ca, những vở tuồng về Phật để lấy tiền trùng tu, sửa chữa chùa chiền.

Buổi tập cuối cùng của nghệ sĩ Út Bạch Lan vào ngày 24.10. Ảnh: NLĐ

Trước khi bà mất, dù căn bệnh ung thư gan đã chuyển nặng nhưng bà vẫn cố đến với sân khấu. Theo dự tính, bà sẽ diễn vở Mẹ ngồi sàng gạo (kịch bản: NSƯT Bắc Sơn) nhằm mục đích trao học bổng cho con em nghệ sĩ nghèo và công nhân sân khấu gặp hoàn cảnh khó khăn. Ngày 24.10 bà vẫn cố đến tập cùng mọi người tại rạp Công Nhân và đây cũng là buổi tập cuối cùng của bà bởi 4 ngày sau, gia đình thông báo sức khỏe của bà đã suy yếu, cạn kiệt. Đến khuya ngày 4.11, hơi thở của bà đã đứt, đóa hoa lan trắng đã bay về trời và tiếng hát thì xin gửi lại cho đời…

Minh Anh

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-thao-c-71/nsut-ut-bach-lan-doa-hoa-lan-trang-da-bay-ve-troi-46713.html