Vĩnh biệt một người bạn Cu-ba thân thiết của Việt Nam!

QĐND - Chính phủ Cu-ba ngày 10-11 đã ra thông cáo chính thức cho biết, đồng chí Ra-un Van-đết Vi-vô (Raul Valdes Vivo), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba, nguyên Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nico Lopez, đã từ trần vào chiều 9-11, hưởng thọ 84 tuổi. Sáng 10-11, Đoàn đại biểu Đại sứ quán Việt Nam tại Cu-ba do Đại sứ Dương Minh dẫn đầu, đã tới viếng đồng chí V.Vi-vô.

QĐND - Chính phủ Cu-ba ngày 10-11 đã ra thông cáo chính thức cho biết, đồng chí Ra-un Van-đết Vi-vô (Raul Valdes Vivo), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba, nguyên Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nico Lopez, đã từ trần vào chiều 9-11, hưởng thọ 84 tuổi. Sáng 10-11, Đoàn đại biểu Đại sứ quán Việt Nam tại Cu-ba do Đại sứ Dương Minh dẫn đầu, đã tới viếng đồng chí V.Vi-vô.

Đồng chí V.Vi-vô

Đồng chí V.Vi-vô, một người bạn thân thiết của Việt Nam, ra đi để lại những tác phẩm báo chí và văn học được đánh giá là ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử mối quan hệ giữa hai dân tộc anh em Việt Nam và Cu-ba. Có thể nói, một phần cuộc đời và sự nghiệp của ông đã gắn bó với Việt Nam vào những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước. Ông chính là một trong những Đại sứ của nước Cộng hòa Cu-ba tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng là vị Đại sứ nước ngoài duy nhất trước Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có trụ sở tại vùng căn cứ giải phóng trong rừng.

Trước đó, năm 1965, với tư cách là đại diện của Ủy ban Cu-ba đoàn kết với miền Nam Việt Nam, ông cùng nữ nhà báo Cu-ba Mác-ta Rô-hát (Marta Rojas) đã có chuyến thăm và tác nghiệp tới Việt Nam. Hai người đã đến tận các vùng giải phóng dưới sự kiểm soát của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam . Với chuyến đi này, ông chính là một trong hai nhà báo Cu-ba duy nhất đã có cơ hội hiếm hoi thực hiện giấc mơ của tất cả các nhà báo Cu-ba thời kỳ ấy, là đến được các căn cứ trong rừng rậm ở miền Nam Việt Nam, để mô tả về tình yêu Tổ quốc, sự kiên cường và bất khuất của một dân tộc đang chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

Ông cùng nhà báo M.Rô-hát đã trải qua 45 ngày cùng ăn, cùng ở với các chiến sĩ giải phóng trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn và cực kỳ nguy hiểm bởi bom đạn chiến tranh. Khi là đặc phái viên của Báo Gran-ma, ông đã đi khắp từ miền Bắc, đến Vĩ tuyến 17 của Việt Nam, gặp gỡ nhiều người Việt Nam khác nhau, từ những chiến sĩ ở mặt trận đến người dân bình thường ở hậu phương. Băng rừng, lội suối, sống dưới địa đạo và trực tiếp cảm nhận những trận oanh tạc của máy bay địch trên mặt đất hay dưới hầm sâu…, nhà báo V.Vi-vô đã có điều kiện mô tả chân thực và sinh động về cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam qua các bài ghi chép, những câu chuyện xúc động, hay các bài phỏng vấn nóng hổi từ chiến trường.

Trên tất cả, đó còn là sự đồng cảm, sẻ chia gian khó và cổ vũ, động viên của một người bạn chí tình từ bên kia bán cầu, cùng chung chí hướng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Qua một số bài phỏng vấn các tù binh Mỹ bị bắt, hay mô tả các trận rải bom miền Bắc tàn bạo của máy bay Mỹ…, ông đã vạch trần tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược cũng như những đau thương, mất mát của người dân Việt Nam . Ông từng tường thuật bằng điện tín về Cu-ba một trong những trận mưa bom ác liệt nhất của Mỹ trút xuống thủ đô Hà Nội. Có một câu hỏi ông hay phỏng vấn các tù binh Mỹ là: “Liệu cuộc chiến do Mỹ gây ra có cần thiết hoặc có chính nghĩa hay không?”. Thường những tù binh Mỹ được hỏi không trả lời trực tiếp câu hỏi sắc sảo này của ông. Nhưng nhà báo V.Vi-vô không bỏ qua mà tiếp tục truy vấn: “Liệu có cần thiết phải ném bom các trường học, các bệnh viện hay không?”… hoặc những câu tương tự như thế.

Người ta dễ nhận ra một lối viết quen thuộc của ông khi mô tả cuộc sống và chiến đấu của quân dân Việt Nam, đó là xen vào những cảm xúc và suy nghĩ riêng của mình. “Một tình yêu to lớn, nảy nở trong gian khó và tràn đầy hy vọng, cùng lớn lên bên tình yêu Tổ quốc” là dòng cảm nhận ghi chép lại trong một bài báo sau lần ông gặp một phụ nữ Việt Nam thủy chung chờ đợi người chồng đi chiến đấu đã nhiều năm trời. Đọc tác phẩm của ông, người ta cũng cảm nhận rõ sự khâm phục của tác giả đối với những con người Việt Nam luôn tràn đầy tinh thần lạc quan trong gian khó và sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Ông cùng nữ đồng nghiệp M.Rô-hát đã hiểu vì sao những người đồng chí Việt Nam lại chiến thắng.

Trở về Cu-ba, họ đã nói lên những tiếng nói trung thực về cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam . Các bài báo, phỏng vấn, bút ký của họ được in thành sách và tái bản nhiều lần. Đọc các tác phẩm ấy, người ta còn thấy rõ tình đoàn kết quốc tế trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam và Cu-ba trong thời kỳ kháng chiến với tinh thần “Vì Việt Nam, Cu-ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”-câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô. Sau này, thời kỳ hòa bình, trên cương

Một tác phẩm in chung của nhà báo V. Vi-vô và M.Rô-hát.Ảnh tư liệu

vị mới, V.Vi-vô vẫn thường xuyên tới thăm và làm việc tại Việt Nam, đóng góp tích cực cho quan hệ và tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em. Là người may mắn từng được gặp Bác Hồ nhiều lần và được Bác tiếp chuyện, sau này ông là một trong những đại biểu quốc tế thường được mời sang Việt Nam dự một số cuộc hội thảo, tọa đàm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong một bài tham luận, ông đã cho rằng câu nói “Hãy tạo ra hai, ba và nhiều Việt Nam nữa” của người anh hùng Chê Ghê-va-ra từ thời kỳ nhân dân Việt Nam đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vẫn còn nguyên giá trị bởi tấm gương thành công của Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

Ông V. Vi-vô bắt đầu hoạt động báo chí từ năm 1946 và tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ. Ông từng là Phó tổng biên tập Báo Hoy (Ngày nay), tiền thân của Báo Gran-ma, Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cu-ba. Ông còn là một nhà lý luận có uy tín ở Cu-ba, có bằng tiến sĩ Xã hội học và là giáo sư của các trường đại học và trường Đảng tại Cu-ba về các chuyên ngành xã hội học, kinh tế học và quan hệ quốc tế.

Ông có nhiều tác phẩm viết về đất nước, con người Việt Nam trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, trong đó có những tác phẩm đã được dịch và giới thiệu ở Việt Nam như “Chuyện kể về miền Nam Việt Nam,” “Miền Nam Việt Nam: Vũ khí chiến lược của nhân dân,” “Vĩ tuyến 17 và Đại sứ quán trong rừng” và “Bí mật đường Hồ Chí Minh”…

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/3/102/102/272477/Default.aspx