Vĩnh biệt GS.TS.KTS Hoàng Đạo Cung!

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Cung mất 4 giờ 48 phút ngày 05/4/2012 tại thành phố Hồ Chí Minh do lâm bệnh đột ngột.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Cung mất 4 giờ 48 phút ngày 05/4/2012 tại thành phố Hồ Chí Minh do lâm bệnh đột ngột.

Sáng thứ hai đầu tuần, tôi nghe ông chú họ điện thoại: Cháu ơi, cho chú xin số điện thoại của gia đình chú Cung để đi thăm. Chú Cung đột quỵ đang nằm viện rồi... Trời! một tin bất ngờ làm tôi thấy choáng váng. Thứ sáu vừa rồi, Ông còn điện thoại cho tôi nói chuyện về "Suối" - tác phẩm văn học của Ông vừa được Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Tôi vẫn còn le lói một tia hy vọng- Ông chỉ đột quỵ như mấy người bạn thủa thiếu thời của Ông rồi lại chống gậy, hay vực dậy được để vui cùng vợ con, anh em, bạn bè. Từng ngày lặng lẽ cứ trôi, một ngày trôi đi không có thêm tin tức làm tôi thấy an lòng.

Nhưng không, đúng như Ông đã từng chiêm nghiệm trong "Suối" của mình "Trời gọi ai nấy dạ". Chiếc kim giây - Giáo sư, tiến sỹ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung đã dừng lại ở mặt "đồng hồ cuộc đời", khi vừa gần chạm ngưỡng con số thất thập cổ lai hy. Không biết Ông có linh cảm gì cho cuộc ra đi mãi mãi của mình hay không mà khi bản thảo cuốn "Suối"- tác phẩm cuối cùng chuẩn bị xuất bản Ông rất vội vã, cứ lo không kịp... Và đây là một công trình "kiến trúc văn chương" dài hơn của Ông được kiến tạo từ những năm 80 của thế kỷ trước đã kịp hoàn thành, trước khi Ông về với tổ tiên.

Với nhiều bạn bè, đồng nghiệp và học trò của Ông, nếu giờ mới đọc "Suối" thì Ông đã không còn. "Suối" như một lời gửi gắm, lời chào cuối của Ông với "cả cộng đồng", với tất cả những ai đã có lần được gặp gỡ, làm việc, gần gũi Ông trong suốt hành trình cuộc đời mình. Bóng dáng "vợ con, bạn bè, thầy cô giáo, cấp dưới, cấp trên..." đều hiển hiện hoặc thấp thoáng trong "Suối" .

Với tôi, Ông vừa là người thầy vừa là bậc trên. Được làm việc cùng Ông trong gần mười năm, tôi thấy mình được học hỏi rất nhiều điều từ Ông, từ đối nhân xử thế đến những kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội... Ông gần như một cuốn từ điển bách khoa toàn thư 'sống'. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên gọi điện thoại mời Ông hiệu đính cho nhóm của tôi một cuốn sách văn học dịch. Ông chỉ cười cười và bảo: Cháu có biết chuyên ngành của ta là kiến trúc sư không liên quan đến văn học và ngôn ngữ mà... Tôi 'dám' quả quyết là Ông sẽ thực hiện được vì tôi biết Ông giỏi rất nhiều thứ tiếng nước ngoài và có kiến thức uyên thâm về lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội và cả khoa học tự nhiên... Sau khi nghe tôi thuyết phục, Ông gật gật và bảo: cứ tạm thời như vậy nhé, tôi sẽ làm giúp trong 'khả năng' của mình. Kết quả cuối cùng tốt hơn cả tôi mong đợi. Tôi vẫn nhớ có một từ khó mà chúng tôi loay hoay mãi mà không dám dịch 'iron curtain' là 'tấm màn sắt' mặc dù tất cả đều biết nghĩa chính của nó đúng là vậy. Chỉ để dịch từ này, Ông đã giảng giải cho chúng tôi biết gốc rễ từ này và tại sao người ta lại dùng nó. Thì ra, đây là từ để chỉ một giai đoạn biến cố của phe XHCN khối Đông Âu.

 GS.TS.KTS Hoàng Đạo Cung chụp cùng Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị và Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Cung chụp cùng Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị và Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn

Mấy ngày hôm nay, tôi cũng liên tiếp được đọc thông tin trên mạng của bạn bè và đồng nghiệp Ông, từ nam vào bắc, chia sẻ với nhau về tin buồn Ông đã đi vào cõi vĩnh hằng mãi mãi. Ai cũng ngậm ngùi tiếc thương một giáo sư, tiến sỹ, kiến trúc sư tài hoa và với họ ông còn là một nhà nhân văn đáng kính. Họ cùng nhau chia sẻ với nhau không chỉ là hình ảnh của Ông mà còn là các bài tản văn, nghị luận Ông đã từng viết. Với họ, Ông vẫn còn sống mãi qua các bài viết, cuốn sách, công trình kiến trúc hay các thế hệ sinh viên các trường đại học kiến trúc từ Bắc vào Nam đã từng được Ông giảng dạy, hướng dẫn. Tất cả vẫn còn đây, dấu ấn của Ông- dấu ấn Hoàng Đạo Cung! Ông là một con người luôn miệt mài với sự nghiệp đã ăn sâu vào máu thịt của mình. Cả cuộc đời Ông cho đến trước giờ đi vào cõi vĩnh hằng Ông vẫn mải miết làm việc cần mẫn như một con ong thợ. Với Ông không có khái niệm 'nghỉ hưu' hay 'già'. Với vị trí thành viên của Hội đồng chức danh giáo sư cấp nhà nước; giảng dạy, hướng dẫn luận văn cho sinh viên các trường Đại học kiến trúc và cố vấn cho một công ty xây dựng; tham gia các hội thảo chuyên ngành, Ông vẫn như một con thoi chạy đi, chạy lại giữa Hà Nội- Huế- Cần Thơ- Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng có lẽ vì vậy, mà ngày Ông càng bận hơn cả lúc đương chức Phó Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam ( trước kia thuộc Bộ Văn hóa- Thông tin ), nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Chắc chúng ta vẫn nhớ, cách đây vài năm dư luận xôn xao bàn tán về Dự án quy hoạch Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có đề án thiết kế Quảng trường trung tâm Công viên vòng cung và cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn của một đơn vị thiết kế đã được giải nhất nhưng bị coi là bất cập, xa rời thực tế. Ngày 13/12/2008, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo chuyên đề để lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học chuyên ngành kiến trúc. Tại buổi Hội thảo đó, cùng với TS. Phạm Anh Dũng- Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh; Ngô Trung Hải- Phó Viện trưởng Viện Trúc kiến- Quy hoạch Đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng); GS. Hoàng Đạo Cung đã có ý kiến: Với cách gọi chiếc cầu bắc qua Sông Sài Gòn hình thước thợ, giống gậy đánh khúc côn cầu, cảnh báo nguy cơ sự cố vì thực tế cầu đã bị lệch tâm... Độ dốc 4% theo thiết kế là nhiều, chỉ cần đi bộ 500m thì một người sẽ phải đi bộ trên độ cao 20m, tương đương tòa nhà bốn tầng". Trước những ý kiến xác đáng của các nhà kiến trúc, trong đó có GS. Hoàng Đạo Cung, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã cảm ơn những đóng góp ý kiến của các nhà khoa học và nghiêm túc xem xét lại đề án trên.
Không chỉ đóng góp ý kiến vào các đề án của các công trình kiến trúc, Ông còn luôn luôn lo lắng băn khoăn về những nghe thấy, nhìn thấy không hợp lý đang diễn ra, xảy ra để nhắc nhở mọi người từ việc nhỏ nhất: 'Thỉnh thoảng thấy người ta đi xe máy quên gạt chân chống, anh tăng ga, dấn lên để nói "chân chống" ' vì anh biết 'cái chân chống chìa ra, nó nguy hiểm lắm'. Và 'Anh biết một người đã ngã xe mười mấy năm trươc ở ngay quảng trường ngân hàng, đường rộng, vắng xe, sau đó hỏng đầu, mất trí nhớ, không bao giờ nhớ lại được tại sao mình ngã..." (trích trong "Chân chống xe máy"- Thoại- Hoàng Đạo Cung- NXB Văn học- 2007).

Hay một đoạn đường ngắn hay bị nhiều người ngã xe, tai nạn, một dạo, trên Đường Thanh Niên cũng làm Ông phải suy nghĩ, tìm hiểu thì thấy: Hóa ra chỗ đó bỏ dải phân cách, bỏ đúng ngay chỗ ngoặt của con đường, mà không có biển báo, không có một cảnh báo gì, vỉa hè chỗ đó lún thấp tẹt xuống. Người không quen lối này, đi khá nhanh thì tưởng đường thẳng, đang dấn tới thì nhận ra mình vượt qua dải phân cách, lao vào đường ngược chiều, vội đánh tay lái thì không kip... Và Ông cảm thấy như mình phải có trách nhiệm trong nên đã viết bài lên Báo Hà Nội phản ánh tình trạng trên. Sau khi bài báo đăng, thợ chở các khối vỉa hè tới bịt tạm chỗ mở phân cách đó lại... rồi cắm biển báo hiệu đường ngoặt. Từ đó, Ông theo dõi thì không thấy ai bị ngã xe hay tai nạn ở đó nữa. Ông cảm thấy thanh thản vì đã làm được một việc (Trích trong " Một chuyện buổn trên Đường Thanh Niên"- Thoại- NXB Văn học 2007).

Khi tôi đang viết những dòng này, thì chiếc xe chở linh cữu Ông đang trên đường từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội để đúng 6 giờ 30 phút sáng ngày 09/4/2012 sẽ cử hành tang lễ Ông tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Đây cuộc hành trình xuyên Việt cuối cùng của đời Ông, mang Ông từ mảnh đất phương nam xa xôi để về nằm mãi mãi với đất mẹ - quê hương Hà Nội. Xin được gửi tới Ông một tấm lòng thành kính và chân thành nhất. Xin gửi tới Gia đình Ông và toàn thể tang quyến lời chia buồn sâu sắc nhất, chúc toàn gia vượt qua nỗi đau thương và mất mát to lớn này!

Tóm lược tiểu sử GS. Hoàng Đạo Cung (1944- 2012):
- GS. TS. KTS. Hoàng Đạo Cung sinh ngày 27/01/1944 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống cách mạng, mất 4 giờ 48 phút ngày 05/4/2012 tại thành phố Hồ Chí Minh do lâm bệnh đột ngột.

- Các tác phẩm và giải thưởng:
+ Công tác bảo tồn và trùng tu di tích - Viện nghiên cứu thiết kế công trình văn hóa- 1985
+ Từ điển công trình văn hóa mười thứ ngôn ngữ (Đồng tác giả)- Quốc tế- 1990
+ Thành phố và Ngôi nhà - NXB Xây dựng- Giải thưởng kiến trúc toàn quốc 2004
+ Kiến trúc Nhà hát- NXB Xây dựng- 2005- Giải thưởng Kiến trúc toàn quốc ( đã tái bản)
+ Thoại- NXB Văn học- 2007
+ Suối- NXB Văn học 2011


Thanh Thư

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/67419/vinh-biet-gs-ts-kts-hoang-dao-cung-.html